Trữ đông trứng là cách nhiều phụ nữ lựa chọn khi phát hiện mình suy buồng trứng. Ảnh: Pixabay. |
Phát hiện chị gái mới 30 nhưng đã cạn kiệt buồng trứng, phải gom trứng để sinh con, Ngọc Phương (25 tuổi, TP.HCM) đi khám sức khỏe sinh sản khi thấy mình có kinh nguyệt không đều giống chị.
Kết quả khám khiến cô bàng hoàng khi chỉ số dự trữ buồng trứng chỉ có 1,16 ng/mL dù đang còn rất trẻ.
Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2,0 - 6,8 ng/ml (14,28 - 48,55 pmol/L).
Trẻ hóa độ tuổi suy buồng trứng
Ở tuổi 25, Phương mới ra trường vài năm, vẫn chưa có người yêu, chưa có ý định lập gia đình. Sợ rằng tương lai khó có thể sinh con, cô quyết định đi trữ đông trứng để bảo tồn thiên chức làm mẹ.
Thanh Huyền (32 tuổi, ở Bình Dương) vẫn chưa sẵn sàng kết hôn và sinh con dù bạn bè đồng trang lứa đã con cái đề huề. Dưới sức ép của gia đình liên tục hối thúc lấy chồng vì sợ hết trứng, cô quyết định đi trữ trứng.
Trong độ tuổi này, dự trữ buồng trứng của Huyền đã dưới mức trung bình. Cô may mắn đi khám và kịp thời trữ được 15 trứng trước khi buồng trứng suy giảm hơn.
Theo ThS.BS Phạm Thị Bảo Yến, bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đây là hai trong số nhiều phụ nữ đến trữ trứng bảo tồn chức năng sinh sản tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trong thời gian gần đây. Đặc biệt, không ít trong số đó là nữ giới trẻ, khoảng 20-25 tuổi.
Đa phần trường hợp trữ trứng bảo tồn khả năng sinh sản để trì hoãn thời điểm kết hôn và sinh con, tập trung sự nghiệp phát triển kinh tế trong độ tuổi trẻ. Bên cạnh đó là những trường hợp nữ giới gặp phải tình trạng suy giảm dự trữ buồng trứng hoặc mắc các bệnh lý ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến giáp, cổ tử cung…
Trao đổi với Tri thức - Znews, TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cũng quan sát thấy số lượng phụ nữ bị suy buồng trứng đang có dấu hiệu tăng lên ở những phụ nữ 30-40 tuổi.
Trước đây, phụ nữ được xem là suy buồng trứng nếu có dấu hiệu mãn kinh trước 40 tuổi. Tuy nhiên, số phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi rất hiếm, dưới 35 tuổi gần như không có.
“Trước đây, phụ nữ mãn kinh sớm có thể do mang gene di truyền suy buồng trứng hoặc mắc ung thư phải xạ trị”, chuyên gia cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, tiến sĩ Thương đã thăm khám cho nhiều chị em bắt đầu suy buồng trứng khi mới 30-40 tuổi.
Hiện tượng suy buồng trứng sớm là nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới. Ảnh: Shutterstock. |
Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cũng nhận thấy số lượng phụ nữ trẻ phát hiện bị suy buồng trứng qua xét nghiệm, tư vấn tại đơn vị ngày càng nhiều.
Bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ trước đây, trong số bệnh nhân trước 35 tuổi đi khám vì vô sinh, hiếm muộn, 20% có nguyên nhân là từ suy giảm dự trữ buồng trứng sớm. Thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ mắc bệnh lý này có xu hướng tăng lên.
Tình trạng đáng buồn
Theo tiến sĩ Thương, đây là tình trạng đáng buồn khi “nhiều chị em khi phát hiện suy buồng trứng ở độ tuổi còn rất trẻ”. Theo chuyên gia, hiện tượng này là yếu tố gây ra bệnh hiếm muộn, vô sinh ở nhiều phụ nữ.
Không chỉ thế, suy buồng trứng còn gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người phụ nữ. Khi bắt đầu mãn kinh, lượng estrogen cho buồng trứng tiết ra ít dần. Đây lại là nội tiết tố bảo vệ sức khỏe tim mạch, xương khớp, sắc đẹp của người phụ nữ.
“Estrogen giúp bảo vệ trái tim, nên phụ nữ trước khi mãn kinh rất ít mắc bệnh tim so với nam giới. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh tim tăng lên, có thể ngang hàng với nam giới”, tiến sĩ Thương phân tích.
Theo tiến sĩ Thương, hiện tại chưa có phương pháp điều trị, dấu hiệu đặc trưng và nguyên nhân trực tiếp gây ra suy buồng trứng.
“Nhiều phụ nữ phát hiện mình không có kinh, đi khám mới bất ngờ phát hiện mình bị suy buồng trứng. Do đó, nếu thấy tình trạng sức khỏe sinh sản, kinh nguyệt bất thường, chị em nên đi khám để nhận biết sớm các bệnh chứ không riêng gì suy buồng trứng”, tiến sĩ Thương cho biết.
Ngoài ra, một số nhóm nguy cơ cao mắc suy buồng trứng khác là những phụ nữ làm việc ở môi trường nhiều chất phóng xạ, chất hóa học như thuốc bảo vệ thực vật…
Ngoài ra, tình trạng suy buồng trứng cũng có thể phát hiện ở khi chị em đi làm xét nghiệm dự trữ buồng trứng AMH (Anti-mullerian Hormone).
“Xét nghiệm này không quá phổ biến, chỉ thực hiện đối với những người có ý định trữ đông trứng hoặc thụ tinh ống nghiệm. Tôi cũng không khuyến khích các chị em đổ xô đi làm xét nghiệm này”, tiến sĩ Thương chia sẻ.
Noãn (trứng), tinh trùng và phôi được đông lạnh chậm tại IVF Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. |
Theo trang tin VICE, trữ trứng cũng có xu hướng gia tăng trên thế giới dù chi phí không hề rẻ.
Tại Mỹ, số lượng phụ nữ đông lạnh trứng đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến 2020, nhu cầu đông lạnh phôi tăng gần 60%.
Tại Anh, đông lạnh và lưu trữ trứng cũng tăng 64% từ năm 2019 đến 2021. Trong đó, số nữ giới đồng tính sử dụng kỹ thuật IVF tăng 33%, từ 1.649 (năm 2019) lên 2.201 (năm 2021), làm mẹ đơn thân tăng 44%, từ 2.001 (năm 2019) lên 2.888 (năm 2021).
Độ tuổi trung bình là 36 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của phụ nữ thụ thai tự nhiên là gần 31.
Theo Global Market Insight, thị trường dịch vụ bảo quản trứng có giá trị trên 3,1 tỷ USD vào năm 2022, với dự đoán tăng trưởng 6,9% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2032.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn khiến khả năng sinh sản giảm nhanh, việc có con rất khó và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sinh con mang các dị tật bẩm sinh. Do đó, nhiều phụ nữ quyết định đông lạnh noãn trước tuổi 36.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trong năm 2023, tỷ lệ nữ giới trữ trứng tăng 30% so với năm ngoái. Độ tuổi trữ trứng được ghi nhận trung bình từ 28 đến 38 tuổi.
Chủ yếu là các trường hợp lập gia đình muộn, đã có gia đình nhưng trì hoãn sinh con, hoặc sắp điều trị ung thư, sử dụng hormone chuyển giới… Một số trường hợp đã có đủ con nhưng vẫn bảo tồn khả năng sinh sản để sinh thêm con trong tương lai.
Bác sĩ Bảo Yến khuyến cáo những trường hợp nên trữ trứng bao gồm:
- Người trước khi điều trị ung thư với các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị;
- Bệnh nhân nữ sau phẫu thuật lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng…;
- Nữ giới độc thân hoặc đã có gia đình nhưng ưu tiên phát triển sự nghiệp, trì hoãn thời gian sinh con;
- Trường hợp thuộc cộng đồng LGBT trước khi sử dụng hormone hoặc phẫu thuật chuyển giới có bảo tồn tử cung.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.