Tình yêu ngày xưa qua bài hát “Ông bà anh” hiện lên bình dị với dòng thư tay viết vội, và cái chạm tay nhớ nhau một đời.
Bây giờ, bạn quẹt phải trên Tinder, người đó cũng quẹt phải trên Tinder. Một ngày bạn có thể quét trúng 10 người, nói chuyện vài câu thấy không hợp có thể chuyển qua người khác. Bạn có thể hẹn gặp chỉ sau một ngày nói chuyện, và cũng có thể dừng liên lạc sau lần hẹn gặp đó.
Người ta bảo thời thế thay đổi, tình yêu bây giờ giống như mì ăn liền, chóng đến chóng đi cũng bởi sự có mặt của công nghệ.
Công nghệ thì thay đổi, nhưng liệu tình yêu có đổi thay?
Não người là thuật toán chính xác nhất
Sẽ không có gì đáng bàn cãi khi nói rằng công nghệ đang thay đổi cách chúng ta tán tỉnh và giao tiếp với nhau. Thư điện tử, nhắn tin, điện thoại, gọi video cho đến các biểu tượng cảm xúc hay việc chia sẻ hình ảnh tự sướng đều là những cách giúp chúng ta tiếp nhận một người một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn.
Nhưng điều này gần như không thay đổi điều gì xảy ra bên trong não bộ của chúng ta.
Cho dù bạn chọn được ai ở trên mạng, cảm xúc của những lần đầu vẫn sẽ vẹn nguyên như cách chúng ta yêu nhiều triệu năm trước. Ảnh: Pinterest |
Nhà nhân chủng học người Mỹ Helen Fisher đã cho quét não 100 người đang yêu đương mãnh liệt, vừa mới chia tay và những người có tình yêu lâu năm. Bà kết luận, não bộ có ba hệ vận hành riêng biệt cho việc kết đôi và sinh sản: ham muốn tình dục, cảm giác yêu thương mãnh liệt và sợi dây kết nối về mặt tinh thần giữa những người yêu nhau.
Ba hệ thống này cùng nhiều phần khác của não sẽ chi phối đời sống tình cảm cũng như tình dục và gia đình của chúng ta. Chúng nằm sâu bên dưới phần vỏ não, điều khiển cảm xúc và tạo nên cảm xúc.
"Từ đời tổ tiên đến nay, chúng ta đã 4,4 triệu tuổi và sẽ không thay đổi dù bạn vuốt trái hay phải trên Tinder".
Những người có hệ dopamine hoạt động mạnh có xu hướng tò mò, sáng tạo; những người có hệ serotonin mạnh hơn thường thận trọng và an tĩnh. Hai loại này có xu hướng thu hút những người giống mình.
Tuyến testosteron mạnh thường là những người thẳng thắn và quyết đoán, ngược lại, estrogen lại tận tâm và giàu cảm xúc. Hai loại bị thu hút bởi những người trái ngược mình.
Công nghệ cũng không thay đổi cách chúng ta chọn người mình yêu. Những nghiên cứu của Helen Fisher đã chỉ ra rằng có bốn dạng thức suy nghĩ và hành vi liên quan đến bốn chất dopamine, serotonin, testosteron và estrogen.
Từ khi sinh ra, chúng ta đã có xu hướng chọn người yêu của riêng mình. Dù còn nhiều điều chưa chứng minh được vì sao giữa hàng triệu người, bạn lại chỉ yêu người này mà không yêu người kia dù mọi thứ gần như giống nhau, bạn vẫn có “gu” của chính mình và không bị ảnh hưởng bởi công nghệ.
Dù bạn đã lựa chọn ai và lựa chọn như thế nào, vào lần đầu tiên gặp mặt, nhìn thấy “người ấy”, bạn đột nhiên nở nụ cười, tim đập nhanh, cảm thấy nhộn nhịp trong bụng, mặt hơi nóng. Vào thời điểm đó, không một công nghệ nào tác động. Não bạn chính là thuật toán chính xác nhất cho những gì bạn đã lựa chọn. Và rồi chúng ta sẽ hẹn hò như cách chúng ta đã hẹn hò hàng nghìn năm nay.
Lựa chọn nhiều hơn có thể là biểu hiện của thận trọng hơn
Có nhiều hơn những ứng dụng hẹn hò hay những trang ghép đôi cũng không thay đổi cách chúng ta yêu nhau. Hơn hết, đây chỉ là những công cụ giúp chúng ta gặp gỡ nhiều hơn, không giúp chúng ta hẹn hò, không giúp chúng ta có người yêu và giữ được người yêu.
Khi công nghệ chưa phát triển, ông bà ta không có cơ hội gặp gỡ 10 người trong cùng một ngày như chúng ta. Họ có ý thức về chuyện gặp được một người hoàn hảo yêu thương mình và rằng mình đã gặp đúng người chứ không phải là ai khác.
Ngày nay, chúng ta luôn có lựa chọn khác. Nhưng điều này hóa ra lại gây tác dụng ngược.
Trong nghiên cứu về “mâu thuẫn lựa chọn”, nhà tâm lý học Barry Schwartz tuyên bố: ít hơn hóa ra lại tốt hơn. Khi bạn có quá nhiều lựa chọn, bạn sẽ không biết lựa chọn nào là tốt nhất, lựa chọn nào nên hay không nên chọn. Ngay kể cả khi bạn đã chọn, bạn sẽ lại luôn nuối tiếc rằng mình có thể đã làm tốt hơn nếu chọn cái kia, dù cho lựa chọn của bạn đang là tốt nhất.
Công nghệ cho chúng ta cơ hội gặp gỡ nhiều người hơn chứ không cho chúng ta yêu nhiều hơn. Ảnh: Pinterest |
Bạn gặp gỡ 10 người, phân vân giữa người nói chuyện hợp với bạn, người có ngoại hình nổi bật và còn vui tính. Rốt cuộc bạn chẳng chọn ai và vẫn cứ một mình dù “match” được những 10 người.
Đây có thể là lý do cho việc “yêu từ từ”. Thế hệ bây giờ có xu hướng kéo dài hơn thời gian tìm hiểu nhau, cũng dành thời gian tìm hiểu nhiều người.
Tỉ lệ giới trẻ kết hôn thấp ở các nước phát triển trên thế giới, ngoại trừ các lý do về gánh nặng chi phí còn có lý do họ sợ ly hôn. Người ta sợ phải gánh những hậu quả về mặt xã hội, pháp lý, cảm xúc hay cả kinh tế sau khi ly hôn. Vậy nên, sống thử hay kéo dài thời gian yêu nhau, hoặc tìm hiểu nhiều người dường như lại là một bước đi thận trọng.
Đó như là một mối ràng buộc thử trước khi ràng buộc thật bởi hôn nhân. Bởi biết đâu, lựa chọn sai lầm và tan vỡ bây giờ để chọn một người khác sẽ tránh được ly hôn về sau.
Khi chúng ta ngày càng cởi mở hơn, đối mặt với ít những vấn đề như việc mang thai ngoài ý muốn và bệnh tật hơn, có thể chúng ta đang lựa chọn cách yêu thận trọng hơn.
Hơn thế nữa, chúng ta cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những phong trào nữ quyền. So với thời ông bà ta, phụ nữ bây giờ cũng đi làm, mang về nguồn thu nhập như đàn ông, có quyền và trách nhiệm ngang nhau. Vì thế những điều này cũng dần dần thay đổi suy nghĩ và hành vi trong tình yêu.
Trong bài nói chuyện về tình yêu, Helen Fisher có nói “Không ai đi ra khỏi tình yêu mà toàn mạng”.
Công nghệ có thể mở đường cho bạn vào tình yêu, nhưng mạng của bạn được bảo toàn hay không lại không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì khác ngoài tình yêu và bản thân bạn.