Văn bản hỏa tốc mới nhất của Bộ GD&ĐT gửi các địa phương yêu cầu tăng cường dạy học qua truyền hình, Internet và công nhận kết quả này thông qua đánh giá của giáo viên.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, giải pháp này có hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức của học sinh và hơn hết phải có vai trò của phụ huynh, nhà trường nếu không sẽ thất bại.
Từ đầu tháng 3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã lựa chọn giáo viên cốt cán dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9, lớp 12 nhằm cũng cố kiến thức cũ và dạy mới cho học sinh. Hà Nội cũng xây dựng hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study cho học sinh lớp 8, 9, 11,12.
Trẻ học qua truyền hình. Ảnh: Tiền phong. |
Sau một tháng, hệ thống có 250.000 học sinh tham gia. Để thuận tiện cho học sinh ôn tập, các bài giảng trên truyền hình sẽ được lưu trữ trên hệ thống Hanoi Study cho học sinh truy cập, học lại.
Nghệ An chọn phương án thiết kế các bài giảng qua mạng lưới trường học trực tuyến; dẫn các bài giảng của giáo viên các địa phương khác về trang thông tin trực tuyến của sở. Đa số địa phương khác hiện mới chỉ dừng lại ở việc thiết kế bài học qua truyền hình cho học sinh cuối cấp (lớp 9, 12) còn các bậc học khác chưa thể thực hiện được.
Trong khi đó, lãnh đạo một số sở GD&ĐT nhận định, giải pháp học qua mạng hay truyền hình cũng chỉ là giải pháp tình thế, khó đánh giá hiệu quả. Từ khi học sinh nghỉ học, việc học trực tuyến mới chỉ dừng lại ở mức giáo viên giao bài tập, học sinh thực hiện và nộp lại qua mạng. Có số ít trường tổ chức học trực tuyến, điểm danh học sinh và dạy học được tất cả các môn.
Thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), khẳng định, dạy học trực tuyến không đem lại hiệu quả. Lý do là giáo viên chưa có kinh nghiệm, kỹ năng; dạy một chiều; học sinh đa số không tự giác. Nếu không có sự giám sát của giáo viên, các em sẽ vào mạng làm việc khác thay vì học.
Những học sinh có ý thức, tự giác học trong thời gian nghỉ các em cũng sẽ đọc sách, tự tìm tài liệu học còn học sinh lười sẽ có đủ lý do như mạng kém, bận công việc khác thậm chí không phải gia đình nào cũng có điều kiện giám sát học sinh học trên mạng.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, ở bối cảnh dịch bệnh như hiện nay dạy trực tuyến và truyền hình là cần thiết. Tuy nhiên, không phải vùng nào, nhà trường nào cũng có điều kiện dạy trực tuyến vì phụ thuộc cơ sở vật chất. Chỉ đạo là như vậy nhưng khi không có đủ điều kiện, không nên cố để dạy trực tuyến bằng mọi giá. Trong khi dạy học trên truyền hình có thể đến từng gia đình, vì hiện nay nhà nào cũng có tivi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu có phương thức dạy học từ xa đến được cả các nhóm đối tượng học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không thiệt thòi.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, sau khi học sinh đi học trở lại, trường hợp kiểm tra đánh giá thấy kết quả học trực tuyến, truyền hình chưa đạt yêu cầu thì mỗi giáo viên, nhà trường căn cứ vào đó để dạy ôn tập lại cho học sinh, tránh việc các em bị thiệt thòi, hổng kiến thức. Mục tiêu số một của dạy học là trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh đảm bảo các em được dạy đủ, dạy đúng nội dung chương trình để có kiến thức lên lớp, đáp ứng các kỳ thi cuối năm.
Theo ông Khuyến, hạn chế của dạy học qua tivi là không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Vì thế, muốn đạt hiệu quả, buộc các nhà trường không chỉ giao khoán cho một số giáo viên cốt cán mà phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của đội ngũ giáo viên từng bộ môn nắm nội dung học, giám sát, giao bài tập, đánh giá kết quả đó. Phụ huynh cũng phải đốc thúc con em ngồi vào bàn học khi có giờ giảng.
Vì thế, để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, các địa phương buộc phải lựa chọn giáo viên giỏi, giáo viên trợ giảng và cố gắng tìm cách tương tác, giám sát học sinh như giao nộp bài tập, sản phẩm, trả lời câu hỏi để tương tác…