Bánh đậu xanh trái cây và 3 loại bánh hấp dẫn dịp Tết ở Huế
Thứ hai, 13/1/2020 14:48 (GMT+7)
14:48 13/1/2020
Huế với nền ẩm thực phong phú luôn là địa điểm cuốn hút nhiều du khách khám phá. 4 loại bánh sau là hương vị độc đáo không thể thiếu tại cố đô vào dịp năm mới.
Bánh đậu xanh trái cây: Loại bánh đậu xanh nặn hình trái cây này có nguồn gốc từ cung đình Huế, được gọi là bánh "quý tộc" bởi trước kia vốn chỉ dành cho các vua chúa, quan lại thưởng thức. Đây là một món bánh phổ biến trong dịp Tết tại mảnh đất này. Ảnh: Foodyhue, Bigsister_92.
Bánh có nguyên liệu đơn giản gồm đậu xanh đãi vỏ, nước cốt dừa, đường trắng và bột rau câu. Những chiếc bánh được tạo hình kỳ công và lên màu tỉ mỉ với nhiều loại quả như na, khế, ớt, đu đủ, xoài, măng cụt... Ảnh: Nguyengiahuy90, Cinengocdiep.
Hương vị ngọt bùi thơm ngon của bánh và độ mềm mịn tan trong miệng khi thưởng thức tạo nên sức hút đối với trẻ em lẫn người lớn. Sắc màu rực rỡ của những chiếc bánh đậu xanh ngũ sắc luôn mang lại không khí tươi vui mỗi dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Khánh Vân.
Bánh in: Dịp Tết đến, làng Kim Long lại nhộn nhịp bởi tiếng đập bột, in bánh và cho ra lò những chiếc bánh vốn chỉ dành cho vua chúa. Nguyên liệu tạo nên hương vị hấp dẫn của bánh in gồm bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường. Bánh thường được đúc thành hình vuông. Mặt bánh được khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc một số hình hoa văn tinh tế. Ảnh: Foody, Pinterest.
Những chiếc bánh in có màu trắng nguyên bản, dẻo và thơm được gói trong giấy ngũ sắc. Cứ mỗi độ xuân về, từng tòa tháp bánh in đủ màu lại được bày bán khắp phố phường. Các gia đình cũng thường dùng loại bánh này để thờ cúng, đãi khách và nhâm nhi với trà vào dịp Tết. Ảnh: Minh Thảo, Wiki.
Bánh tét: Nhắc đến những món bánh cổ truyền ngày Tết ở Huế không thể thiếu bánh tét. Bánh tét có phần vỏ gói săn chắc. Bạn có thể lựa chọn vị chay với nhân đậu xanh hoặc vị mặn với nhân thịt lợn. Bánh có hình trụ dài, được gói công phu và kỹ lưỡng. Khi cắt bánh tạo khoanh tròn, đều và đẹp. Ảnh: Thao243.
Làng Chuồn (thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang) được xem là nơi nấu bánh tét nổi tiếng bởi chất lượng nếp có vị thơm đặc trưng riêng. Những ngày cuối tháng Chạp cũng là lúc người dân tại làng Chuồn tất bật chuẩn bị những đòn bánh tét nóng hổi, thơm lừng để phục vụ cho các gia đình vào dịp Tết. Ảnh: Wordpress, Pinterest.
Bánh chưng: Huế là một trong những nơi còn lưu giữ nét văn hóa gói bánh chưng ngày Tết. Từ những nguyên liệu đơn giản như thịt heo, đậu xanh và gạo nếp lại tạo nên hương vị dân dã, ngọt ngào, thấm đượm hồn dân tộc. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.
Vào những ngày cuối năm, không khí tại mỗi gia đình luôn trở nên rộn ràng khi cả nhà quây quần gói bánh chưng bằng lá dong, lá chuối. Khoảng thời gian ngồi bên bếp lửa hồng chờ bánh chín là lúc ôn lại những câu chuyện đẹp trong năm qua. Chiếc bánh màu xanh hấp dẫn này cũng là thức quà tinh tế mà mỗi người trao nhau trong dịp Tết sắp đến. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.
Chuẩn bị mâm cỗ chay dâng lên ông bà, tổ tiên cũng là cách các bạn trẻ hiện đại nhớ đến tổ tiên cũng như ghi điểm trong mắt gia đình và người thân ngày Tết.
Nếu quá quen với những loại mứt năm nào cũng có, một số biến tấu như mứt vỏ chanh dây, mứt vỏ cam xí muội, mứt dứa viên… mang đến hương vị mới mẻ cho khay mứt dịp Tết Nguyên đán.
Dịp Tết Nguyên đán, Thảo Hà làm 700 túi kẹo nougat để tiếp khách và tặng người thân. Trong khi đó, Ngọc Vy dành cả ngày gói bánh chưng gạo lứt nhân cá hồi giúp giải ngấy.