1. Những món bánh nào là đặc sản ở Huế?
Bánh nậm, bánh bèo là bộ đôi hương vị trứ danh của ẩm thực xứ Huế. Món bánh nậm được làm từ bột gạo, có hình dạng mỏng, dẹt. Phần nhân bánh thường là tôm, thịt xay. Bánh nậm được cuốn trong lá dong hoặc lá chuối. Bánh bèo lại nổi bật với nhân tôm xay nhuyễn và nước chấm pha ăn kèm đầy hấp dẫn. Ảnh: Anotherfoodaddict. |
2. Ở Huế, bánh ướt thường được ăn kèm với món nào?
Bánh ướt là món bánh quen thuộc với tín đồ ẩm thực khắp 3 miền. Du khách đến Huế có thể thưởng thức bánh ướt heo quay, bánh ướt cuốn thịt nướng hay cuốn tôm chua. Đây đều là những phiên bản thơm ngon, hấp dẫn, thể hiện bàn tay khéo léo của người chế biến và sự tinh tế của ẩm thực ở mảnh đất cố đô. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải. |
3. Bánh khúc là món nổi tiếng của vùng nào?
Bánh khúc có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Món ăn đượm hương vị của làng quê Việt với các nguyên liệu gồm lá rau khúc, gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ... Ảnh: Hoa Quỳnh Nguyễn. |
4. Nguyên liệu nào tạo màu vàng của bánh cuốn ngọt miền Tây?
Bánh cuốn ngọt, hương vị nổi danh miền Tây, là món ngon có nguồn gốc từ Campuchia. Loại bánh này được làm từ bột gạo tráng mỏng. Đường thốt nốt là yếu tố tạo nên màu vàng hấp dẫn của bánh. Phần nhân có sự kết hợp của đậu xanh, dừa nạo ăn kèm mè thơm lừng. Ảnh: Hoanglam.foodie. |
5. Bánh đập có nguyên liệu chính nào?
Bánh đập là món ăn quen thuộc tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở Hội An (Quảng Nam). Món ăn dân dã này có sự kết hợp thú vị giữa bánh ướt và bánh tráng nướng. Bánh ướt mềm, thanh mát được lớp bánh tráng giòn rụm bọc bên ngoài, ăn kèm nước chấm cay nồng tạo vị ngon. Ảnh: Foodholicvn. |
6. Nhân của bánh xèo thường gồm nguyên liệu nào?
Bánh xèo, món bánh nổi bật với lớp vỏ vàng đều, là một trong những hương vị du khách nhất định phải thử ở Việt Nam. Bạn có thể thưởng thức bánh với phần nhân chứa giá đỗ, hành lá kèm hải sản, thịt lợn hoặc thịt bò. Nước chấm ớt là yếu tố không thể thiếu để tạo vị ngon trọn vẹn cho món ăn này. Ảnh: Piattitipici. |
7. Bánh ram ít được làm từ loại bột nào?
Bánh ram ít gây "nghiện" bởi vị dẻo thơm của bột nếp hòa quyện sự giòn tan của bánh ram ăn cùng. Người chế biến thường đặt bánh ít hấp chín lên bánh ram chiên giòn, ép chặt, rắc thêm ít tôm chấy tạo nên món ngon bắt vị. Ảnh: Wiki Travel. |