Trưa 5/2, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết các bác sĩ của đơn vị này vừa nội soi cấp cứu một bé trai 5 tuổi, quê Cần Thơ, bị kẹt dị vật thực quản.
Trước đó, bé trai được gia đình đưa đến bệnh viện trong trạng thái khò khè, khó thở. Sau khi thăm khám, ê-kíp nội soi phát hiện dị vật là chiếc pin cúc áo đường kính 2 cm kẹt trong thực quản của bệnh nhi.
Do bị kẹt hơn 5 giờ, chiếc pin tiết hóa chất mạnh gây bỏng chít hẹp thực quản độ 2B. Sau khi gắp thành công dị vật, các bác sĩ phải đặt ngay sonde hỗng tràng tránh nguy cơ hẹp khít thực quản tiếp diễn.
Trước đó, ngày 1/2 (mùng Một Tết Nhâm Dần), một bé trai được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng ôm cổ họng, nghẹn, ho sặc sụa liên tục.
BSCKI Lê Đức Lộc, Trưởng ê-kíp nội soi gắp dị vật, cho biết, trẻ bị kẹt dị vật đường tiêu hóa không đươc xử lý đúng và kịp thời sẽ bị rò thủng thực quản và viêm loét dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường.
Việc bỏ sót các dị vật nguy hiểm, đặc biệt pin từ tính và có chứa kiềm, kể cả axit, chúng đều có tính xuyên thấu và ăn mòn cao.
Kẹt pin hay dị vật thực quản là cấp cứu khẩn cấp. Dị vật cần phải được lấy ra trong vòng 2 giờ sau khi nuốt, bởi nếu để kéo dài, nó bắt đầu ăn mòn và có thể gây thủng mạch, chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ lớn nuốt phải một viên pin kích thước dưới 12 mm và đã qua dạ dày, không cần can thiệp khẩn cấp nếu không có triệu chứng, chỉ chụp lại X-quang sau 4 ngày để xem dị vật đã được tống xuất ra ngoài hay chưa.
Tuy nhiên, đa phần trẻ nhỏ không nói được, hay hoảng loạn, khóc thét, nôn ói, sặc sụa thoáng qua khi mới nuốt. Triệu chứng khi bị hóc dị vật cũng rất mơ hồ, điều này khiến người lớn không nghĩ đến việc trẻ nuốt phải dị vật. Một khi phát hiện được, gần như đã quá trễ, trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm, khó xử lý.
"Không chỉ dịp Tết, các gia đình cần thường xuyên quan sát trẻ, để xa rời tầm tay bé những vật nhỏ có thể gây nguy hiểm như các loại hạt, pin, trái cây nhỏ", bác sĩ Nguyên Cát Phương Vũ cảnh báo.