Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Bộ Y tế: Vaccine Sinopharm có thể tiêm trộn với Hayat-Vax

Bộ Y tế hướng dẫn vaccine Hayat-Vax cần thận trọng sử dụng tiêm cho người có bệnh lý về máu, bị chứng động kinh không kiểm soát và các rối loạn thần kinh tiến triển khác.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 22/10, vaccine phòng Covid-19 Hayat-Vax được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, mỗi người được tiêm 2 mũi cách nhau 2-4 tuần. Mỗi liều 0,5 ml, tiêm bắp. Đặc biệt, có thể sử dụng vaccine Hayat-Vax để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine Sinopharm.

Về tương tác của vaccine này với loại khác, hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết hiện chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Hayat-Vax tiêm cùng với các loại khác.

Những người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào (hoạt chất, tá dược) có trong thành phần của vaccine hoặc người có phản ứng dị ứng mạnh với lần tiêm vaccine này trước đó thuộc đối tượng chống chỉ định dùng Hayat-Vax.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng chỉ rõ vaccine này cần thận trọng sử dụng tiêm cho các đối tượng như: Những người có bệnh lý về máu như giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; Người bị chứng động kinh không kiểm soát và các rối loạn thần kinh tiến triển khác.


Ngoài ra, người đang điều trị ức chế hệ thống miễn dịch hoặc mắc chứng suy giảm miễn dịch thì phản ứng miễn dịch với vaccine có thể bị giảm. Những người này nên trì hoãn tiêm chủng cho đến khi kết thúc đợt điều trị.

Về phản ứng sau tiêm của vaccine này cho thấy đau tại chỗ tiêm là phản ứng rất phổ biến. Bên cạnh đó, người tiêm có thể gặp phản ứng thường gặp khác như: Cơn đau thoáng qua, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy; đỏ, sưng, ngứa và chai cứng chỗ tiêm.

Những trường hợp phát ban da tại chỗ tiêm; buồn nôn và nôn, ngứa tại chỗ không tiêm, đau cơ, đau khớp, buồn ngủ, chóng mặt... ít gặp hơn. Hiện chưa quan sát thấy có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan vaccine.

Trước đó, ngày 10/9, vaccine Hayat-Vax đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Đây là vaccine Covid-19 thứ 7 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp.

Vaccine do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vaccine này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Ngày 16/9, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 30 triệu liều vaccine Hayat-Vax và ngày 28/9, một triệu liều vaccine Covid-19 đầu tiên đã được nhập về Việt Nam.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tập huấn hướng dẫn sử dụng vaccine này cho y tế các địa phương.

Thống kê trên Cổng tiêm chủng Quốc gia cho biết đến đầu giờ chiều ngày 22/10, cả nước đã tiêm được trên 71 triệu liều vaccine phòng Covid-19; trong đó ngày 21/10 cả nước đã tiêm 1.537.841 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine là khoảng 70% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là trên 27 dân số từ 18 tuổi trở lên.

Việt Nam đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, trong đó có những tỉnh, thành đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 cao trên 95% như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh…

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (85,3%), TP.HCM (76,8%), Quảng Ninh (63,7%), Hà Nội (53,7%) và Bình Dương (56,6%).

Năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Đắc Lắc (18,6%), Nam Định (27,5%), Gia Lai (28,6%), Thanh Hóa (31,9%) và Quảng Bình (33,2%).

Khỏi Covid-19, F0 có cần khám sức khỏe định kỳ? F0 có thể đi khám nếu triệu chứng kéo dài. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 chủ yếu là chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và lối sống lành mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế: TP.HCM không thể về trạng thái Zero Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định số ca mắc ở TP.HCM vẫn còn cao, do đó, thành phố cần tái cơ cấu hệ thống y tế phù hợp với tình hình mới.

Dịch Covid-19

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm