
Hơn 25 năm kinh nghiệm với hơn 160.000 lượt phẫu thuật khúc xạ, bác sĩ Trương Công Minh vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu mang đến công nghệ tiên tiến nhất cho người Việt.
Chàng trai 18 tuổi bước vào phòng khám, tay cầm chiếc túi đựng bảy cặp kính - bảy lần đo, bảy nơi khác nhau, bảy lần thất vọng.
“Em không đeo được cái nào cả”, cậu nói, mắt nheo lại giữa ánh nhìn mơ hồ.
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Minh, khi ấy là một chàng trai ngoài 20 tuổi vừa tốt nghiệp, không khỏi bất ngờ. Bảy đơn kính mà không cái nào hiệu quả, tức vấn đề không nằm ở kính, mà ở chính đôi mắt này.
Sau thăm khám kỹ lưỡng, ông phát hiện cậu mắc cùng lúc cận thị, loạn thị nặng và lác ẩn - một ca bệnh cực khó. Ông quyết định đặt riêng tròng kính đặc biệt có 3 chức năng chỉnh được cận, loạn và có lăng kính để chỉnh độ lé sau đó tự mình tính toán từng góc nghiêng, độ xoay, vị trí lắp sao cho trục loạn thị và hướng nhìn của mắt được đặt khớp một cách chính xác.
Vài ngày sau, cậu sinh viên quay lại. Vừa đeo kính, cậu đứng sững vài giây. Qua lớp kính, mọi thứ rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngược với vẻ rạng rỡ của chàng trai, bác sĩ Minh lại trông suy tư. Hơn ai hết, ông hiểu rằng giúp được một người nhìn rõ là hạnh phúc, nhưng để làm được điều đó nhiều lần nữa, bác sĩ Minh biết mình còn nhiều điều phải học - và còn nhiều ca bệnh khác đang chờ ông ở phía trước, với những đôi mắt không dễ dàng thấu hiểu.
Khi còn là học viên hệ sau đại học của Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Trương Công Minh nhận ra một khoảng trống trong đào tạo: Chương trình chủ yếu tập trung vào bệnh lý, còn tật khúc xạ - lĩnh vực liên quan đến kính thuốc và thị lực - vốn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người, nhưng gần như bị bỏ quên.
Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa, ông trải nghiệm thực tế tại tiệm kính - nơi ít bác sĩ đặt chân đến lúc bấy giờ. Ngày qua ngày đo khúc xạ và lắp kính thủ công, bác sĩ Minh nhận ra: Chỉ một cặp kính phù hợp cũng có thể khiến bệnh nhân reo lên hạnh phúc. Không cần thuốc hay phẫu thuật, đôi mắt họ nhìn rõ trở lại, và cuộc sống cũng thay đổi từ đó.
“Đôi mắt con người phức tạp và đa dạng hơn bất kỳ giáo trình nào”, ông nói. Và chính những trải nghiệm thực tế, những điều chưa từng được dạy trong sách vở đã thôi thúc ông dấn thân sâu hơn và quyết định đi xa hơn.
Năm 2001, vị bác sĩ trẻ theo học một khóa đào tạo phẫu thuật nhãn khoa. Người thầy đầu tiên của ông - GS.BS Richard S. Kalski (Mỹ) - đã hướng dẫn ông về công nghệ phẫu thuật khúc xạ Laser Excimer. Một thế giới được mở ra với công nghệ phẫu thuật được thực hiện bằng máy móc hiện đại, khác xa với kỹ thuật mổ thủ công còn phổ biến ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm 2004, ông sang Mỹ tiếp tục tham gia chương trình chuyên sâu về phẫu thuật khúc xạ Laser Excimer với GS.BS Keith Williams - một tên tuổi lớn trong ngành. Không dừng lại ở việc học kỹ thuật mổ, một cơ duyên đặc biệt đã đưa ông đến với một giáo sư chuyên về kỹ thuật máy móc, mở ra trước mắt ông cả thế giới cơ khí tinh vi nằm sau ánh laser lạnh lùng. Từ đây, niềm đam mê y học và sự yêu thích cơ khí tưởng chừng không liên quan lại bất ngờ giao thoa y học và cơ khí - hội tụ lại trong cùng một công việc. Bác sĩ Minh không chỉ học cách phẫu thuật mà còn chủ động tìm hiểu sâu về cách tháo máy, bảo trì, xử lý lỗi kỹ thuật trong từng vi mạch.
Ông hiểu rằng để thực sự làm chủ ca phẫu thuật và mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân, việc am tường công nghệ là yếu tố then chốt, là trách nhiệm và cũng là một phần đam mê của ông.
![]() ![]() |
Trở về nước, hành trang bác sĩ Minh mang theo mình không chỉ là tấm bằng đào tạo chuyên sâu, mà còn là cả kho kiến thức mới mẻ về phẫu thuật khúc xạ - lĩnh vực khi ấy vẫn còn rất ít người tại Việt Nam theo đuổi.
Năm 2004, khi Bệnh viện Mắt Sài Gòn thành lập, bác sĩ được mời về làm việc. Ông đảm nhận song song vai trò của một phẫu thuật viên và một chuyên gia vận hành, bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng của hệ thống máy phẫu thuật khúc xạ. Thời điểm đó tại Việt Nam chưa có kỹ sư phụ trách vấn đề này.
Sự tận tâm và am hiểu sâu sắc về máy móc của bác sĩ Minh đã trở thành điểm tựa vững chắc trong hàng nghìn ca phẫu thuật, đặc biệt là trong những tình huống đầy thử thách lúc bấy giờ. Ông từng chia sẻ về một kỷ niệm không thể nào quên, đó là khi ông trực tiếp phẫu thuật cho chính con gái mình. "Dù mọi khâu chuẩn bị máy móc đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng như thường lệ, ngay trước thời điểm quan trọng, đúng lúc đặt bệnh nhân lên bàn mổ, cả hai máy laser cùng lúc gặp sự cố”, bác sĩ Minh kể lại bằng giọng chậm rãi, như thể mọi cảm giác vẫn còn nguyên. Áp lực là rất lớn, bởi đó không chỉ là một ca bệnh, mà còn là người thân của ông.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng căng như dây đàn, đòi hỏi sự tập trung và chính xác tuyệt đối đó, chính sự am hiểu tường tận về thiết bị, vốn là một trong những thế mạnh của mình, bác sĩ Minh đã bình tĩnh kiểm tra và giải quyết vấn đề. Ca phẫu thuật cho con gái sau đó đã diễn ra thành công tốt đẹp.
![]() ![]() |
“Muốn mổ cho người mình thương, điều kiện tiên quyết là phải biết trước tất cả khả năng rủi ro và có sẵn cách xử lý từng cái một. Không phải vì tin vào cảm xúc, mà vì tin vào tay nghề”, ông nói.
Buổi sáng năm 2012, một người phụ nữ dắt tay con trai đến gặp bác sĩ Minh để tìm giải pháp cho đôi mắt cận hơn 5 độ. Cậu thanh niên tầm 18 tuổi, dáng người cao to, mắc chứng tự kỷ. Cậu chỉ làm điều mình muốn, bất kể ai nói gì.
Xót chàng trai trẻ, ông nhận lời. Ca mổ thất bại ngay từ những phút đầu. Vừa đặt đầu vào vị trí, dao mổ chuẩn bị sẵn sàng, cậu thanh niên bất ngờ bật dậy. Mọi thứ buộc phải dừng lại. Ông nhẹ nhàng giải thích với gia đình: Nếu bệnh nhân không thể nằm yên, bất kỳ chuyển động nào cũng có thể dẫn đến tổn thương mắt.
Dù vậy, người mẹ vẫn không từ bỏ. Vài ngày sau, bà lại dẫn con đến, tha thiết xin thử lại. Nhưng kết quả vẫn như lần trước.
Những tưởng chuyện đã khép lại nhưng hình ảnh cậu thanh niên trẻ ấy cứ quanh quẩn trong đầu ông nhiều ngày sau đó. Một đứa trẻ tự kỷ vốn đã thiệt thòi trong giao tiếp, nay lại phải sống chung với đôi mắt cận. Ông quyết định cho mình và cả cậu thanh niên thêm một cơ hội.
Lần thứ ba, ông tiếp cận bằng một cách khác. Vị bác sĩ dành thời gian trò chuyện, tạo không khí nhẹ nhàng, cố gắng khiến cậu cảm thấy an toàn. Và lần này, bệnh nhân bắt đầu lắng nghe.
Khi cậu vào phòng mổ, bác sĩ Minh nhanh chóng thực hiện ca phẫu thuật. Trong chưa đầy 5 phút, cả hai mắt được xử lý xong. Mọi thao tác diễn ra trọn vẹn, chính xác. Rời phòng mổ, bác sĩ Minh thở phào nhẹ nhõm.
Nhiều năm trong nghề đã cho bác sĩ Minh cơ hội chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của ngành nhãn khoa. Những năm 2000, trong ký ức ông, phòng mổ còn thô sơ, dao mổ là loại lưỡi rời, mỗi lần dùng phải đem khử trùng lại. Mỗi nhát cắt đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, bởi chỉ một sai sót trong khâu vô trùng cũng có thể gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân. Để có những đường cắt thật chuẩn, bác sĩ Minh kiên trì luyện tập hàng ngày trên mắt heo, từ những thao tác cơ bản đến kỹ thuật phức tạp.
Đến năm 2004, một tiến bộ lớn của ngành nhãn khoa âm thầm diễn ra: Dao tự động dùng một lần, đóng gói vô trùng, được đưa vào sử dụng. Dụng cụ mới không chỉ giúp thao tác chính xác hơn mà còn giảm nguy cơ biến chứng vạt.
Tám năm sau, công nghệ laser xuất hiện, thay đổi cách tiếp cận giác mạc. Thay vì cắt vạt giác mạc bằng dao, laser thực hiện thao tác nhẹ nhàng, chính xác từng micromet. Tuy vậy, máy laser lúc đó vẫn còn đơn giản, chưa có hệ thống nhận diện vị trí mắt bệnh nhân. Việc canh chỉnh hoàn toàn phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ: Mắt đặt đúng thì tia chiếu chuẩn, lệch là ca mổ có thể thất bại.
Kỹ thuật SMILE được FDA công nhận và Hệ thống Bệnh viện, Mắt Sài Gòn đã triển khai áp dụng điều trị cho bệnh nhân từ những năm 2016. Khoảng 8 năm sau, phiên bản Smile Pro được ứng dụng tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn, mở ra bước tiến lớn trong phẫu thuật khúc xạ. Khác với Lasik phải tạo vạt giác mạc lớn, Smile Pro chỉ rạch một đường siêu nhỏ để lấy mô cận thị ra ngoài, chỉ dài khoảng 2 mm.
![]() ![]() |
Sau hơn 25 năm gắn bó, ca mổ để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bác sĩ Minh diễn ra chỉ vài năm trước, bằng kỹ thuật Smile Pro hiện đại. Bệnh nhân mắc tật khúc xạ, chỉ vài phút trên bàn mổ, vấn đề đã được xử lý gọn. Sau vài tiếng, người này có thể nhìn rõ mà không cần kính.
Bằng kỹ thuật này, bác sĩ Minh đã thực hiện hàng nghìn lượt phẫu thuật nhanh, hiệu quả, không biến chứng. Smile Pro đặc biệt phù hợp với người vận động mạnh như vận động viên, quân nhân - những người cần thị lực ổn định, không bị giới hạn bởi kính hay nguy cơ chấn thương.
“Mắt người có phản xạ tự nhiên như chớp, đảo, thậm chí lắc đầu và thường chỉ giữ yên được khoảng 10 giây. Nếu thời gian can thiệp quá lâu, phải dừng phẫu thuật hoặc chuyển phương pháp khác rất cao. Với Smile Pro, chỉ mất đúng 10 giây thay vì 23 giây như trước, dù bệnh nhân căng thẳng, ca mổ vẫn hoàn tất trước khi họ kịp phản ứng”, bác sĩ chia sẻ.
![]() ![]() |
Thế nhưng, công nghệ không ngừng tiến bộ. Khi EYESignature ra đời, mọi giới hạn trước đó gần như bị phá vỡ.
Phía sau cánh cửa phòng khám, dưới ánh đèn của các hội nghị chuyên ngành nhãn khoa, bác sĩ Trương Công Minh vẫn miệt mài nói về một đột phá mà ông dành nhiều tâm huyết: Cá nhân hóa phẫu thuật điều trị tật khúc xạ. Ông gọi đây là một cách tiếp cận mới, nơi mỗi ca mổ không còn là một quy trình lặp lại mà là một bản thiết kế riêng biệt, được “đo ni đóng giày” cho từng đôi mắt.
Từng làm việc tại Mỹ vào những năm 2004, bác sĩ Minh là một trong những người sớm tiếp cận với nguyên lý này khi công nghệ còn sơ khai.
“Lúc đó, máy mới đo được vài chục nghìn điểm trên giác mạc đã là bước tiến lớn so với trước. Nhưng tôi luôn tin rằng còn có thể phát triển xa hơn”, ông kể.
Phải gần hai thập kỷ sau, đến năm 2025, Bệnh viện Mắt Sài Gòn chính thức triển khai công nghệ này với tên gọi EYESignature - xóa cận cá nhân hóa có thể phân tích sâu đến từng vi điểm trên giác mạc. EYESignature là công nghệ phẫu thuật khúc xạ cá nhân hóa đầu tiên tại Việt Nam và cũng công nghệ duy nhất xóa cận theo bản đồ giác mạc của mỗi người.
“Giác mạc của mỗi người là độc nhất, như vân tay. Thậm chí hai mắt của cùng một người cũng không giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, không thể dùng một công thức chung cho tất cả”, ông lý giải.
![]() ![]() |
Khác với các công nghệ trước kia vốn xử lý dựa trên thông số trung bình, EYESignature dựa trên bản đồ giác mạc 3D riêng của từng mắt, cho phép bác sĩ can thiệp chính xác đến từng chi tiết. Hệ thống ứng dụng AI có khả năng quét hơn 150.000 điểm ảnh trên giác mạc, ghi nhận cả bề mặt trước lẫn phía sau, phát hiện những sai lệch khúc xạ cực nhỏ mà mắt thường không thể thấy.
Nhờ đó, phẫu thuật diễn ra nhẹ nhàng, chính xác, với thời gian laser chỉ khoảng 1,3 giây cho mỗi độ khúc xạ. Thị lực thường phục hồi rõ rệt chỉ sau 24 giờ. Bệnh nhân cũng hạn chế tình trạng chói sáng khi lái xe ban đêm, tầm nhìn sắc nét hơn.
Dù vậy, để có được kết quả tối ưu, mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Laser chỉ chiếu vài giây, nhưng chúng tôi có thể mất tới 2 tiếng để chụp ảnh, đọc và xử lý dữ liệu cho một ca phẫu thuật”, bác sĩ Minh nói.
Để làm chủ công nghệ này, bác sĩ Minh lúc này đã là Giám đốc Điều hành Bệnh viện, Mắt Sài Gòn Lê Thị Riêng, vẫn quyết tâm lặn lội sang Đức học cách vận hành hệ thống, phân tích dữ liệu và lựa chọn thông số phù hợp với từng trường hợp.
“Tôi mong muốn người Việt được điều trị tốt tương đương các nước tiên tiến trên thế giới mà không phải bay ra nước ngoài”, ông nhấn mạnh.
Vỏn vẹn vài tháng kể từ khi kỹ thuật này được đưa vào sử dụng, không ít lần, bác sĩ Minh đối diện những bản đồ giác mạc đặc biệt - những ca có quang sai bậc cao mà các công nghệ trước đây không xử lý được. Nếu bỏ sót, người bệnh có thể nhìn chói lóa về đêm, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nhưng với EYESignature, những “vùng mù” đó đã có thể được can thiệp hiệu quả.
“Đây không chỉ là bước tiến công nghệ, mà còn là lời cam kết mang đến thị lực tối ưu, an toàn và cá nhân hóa”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Hơn hai thập kỷ gắn bó với ngành nhãn khoa, BSCK II Trương Công Minh đã trực tiếp thực hiện hơn 160.000 lượt phẫu thuật. Nhưng với ông, mỗi đôi mắt vẫn là một hành trình riêng biệt, và mỗi bước tiến trong nghề đều khởi nguồn từ một điều giản dị: Mong người Việt được tiếp cận công nghệ điều trị hiện đại nhất mà không cần phải ra nước ngoài.
Không chỉ truyền lại kỹ thuật, bác sĩ Minh còn nhấn mạnh tư duy chủ động: Cập nhật công nghệ liên tục, không ỷ lại vào kinh nghiệm cũ, không làm việc một cách máy móc. Tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn, tinh thần “không giấu nghề” cũng được ông và đồng nghiệp duy trì. Theo bác sĩ Minh, chia sẻ kiến thức, kỹ năng chính là cách giúp toàn hệ thống phát triển đồng đều. Chính điều đó đã góp phần đưa Bệnh viện Mắt Sài Gòn trở thành hệ thống bệnh viện chuyên khoa mắt lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh chuyên môn vững vàng, bác sĩ Trương Công Minh cùng các đồng nghiệp tại Mắt Sài Gòn thường xuyên tham gia các hội nghị nhãn khoa quy mô lớn, trong đó có sự kiện “Nâng tầm nhãn khoa trong kỷ nguyên số” - hội nghị khoa học chuyên ngành thường niên, quy tụ hàng trăm chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tại đây, đội ngũ bác sĩ Việt Nam không chỉ tiếp cận những tiến bộ công nghệ nhãn khoa toàn cầu mà còn trực tiếp báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng… Những đóng góp ấy cũng thể hiện vai trò ngày càng rõ nét của bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia từ hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn, trong dòng chảy phát triển chung của nhãn khoa thế giới.
Với bác sĩ Trương Công Minh, sự an tâm của bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt khi can thiệp vào một cơ quan nhạy cảm như mắt. Áp lực càng lớn hơn với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, những người vẫn học tập, làm việc tốt dù chưa phẫu thuật. Nếu sau mổ mà thị lực không đạt như kỳ vọng, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và niềm tin.
Vì thế, bác sĩ xóa cận ngày nay không chỉ cần tay nghề cao mà còn phải đảm bảo kết quả ổn định, đồng đều và bền vững - không chỉ chữa bệnh, mà còn giữ trọn niềm tin của người bệnh.
Nói về định hướng tương lai, Giám đốc Điều hành Bệnh viện, Mắt Sài Gòn Lê Thị Riêng cho biết công nghệ xóa cận cá nhân hóa đang được triển khai trước tiên tại hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn ở TP.HCM và Hà Nội. Khi các bệnh viện ở hai thành phố lớn này vận hành ổn định, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng đến các chi nhánh khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc mở rộng cần tiến hành có lộ trình, phương châm là đào tạo con người trước, sau đó mới đầu tư thiết bị.
"Tôi chọn ánh sáng vì với nhiều người, điều làm nên hạnh phúc không chỉ là đôi mắt sáng rõ, mà còn là sự tự tin trong cuộc sống và tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc quý giá của cuộc đời", bác sĩ Trương Công Minh nói, mắt ngời sáng.