Tết cổ truyền ở Trung Quốc còn được gọi là Xuân Tiết (Tết xuân) được coi là một trong những lễ hội lớn nhất năm. Trong những ngày này, người dân Trung Quốc thường chọn trang trí nhà bằng những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh và bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp, đường và gừng tươi có lẽ là loại phổ biến nhất biểu trưng cho sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh: Alamy Stock, hellolisalin. |
Seollal, Tết Âm lịch của Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch như Việt Nam. Đối với người Hàn Quốc, Seollal mang một ý nghĩa đặc biệt vì đây là quãng thời gian để con cháu tưởng nhớ, tỏ lòng kính trọng với tổ tiên và đoàn tụ cùng gia đình. Vào ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống Hanbok, hành lễ cúng tổ tiên, chơi trò chơi dân gian, ăn món ăn truyền thống và chuyện trò thâu đêm. Thịt, cá, trái cây, bánh cookie truyền thống Hangwa, súp bánh gạo Tteokguk và một số loại rau dại là những thực phẩm được chuẩn bị để đi lễ ông bà, tổ tiên. Ảnh: Iseoulu, koreanfrenchtelevision. |
Tết Âm lịch của người Mông Cổ còn gọi là Tsagaan Sar thường kéo dài từ mùng 1 đến mùng 3 Âm lịch. Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, rửa bát với sữa ngựa để đón một năm mới "sạch sẽ". Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (dạng như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông hoặc cơm ăn cùng nho khô. Ảnh: Culture.library, will.i.baina. |
Songkran là Tết cổ truyền của Thái Lan kéo dài từ 13-15/4 Dương lịch hàng năm. Lễ hội Songkran ở Thái Lan nổi tiếng với màn té nước và các bữa tiệc đường phố tưng bừng kéo dài cả tuần. Họ tin rằng người bị té nhiều nước nhất là những người may mắn nhất trong năm mới. Vào dịp lễ quan trọng này, người Thái sẽ thưởng thức món Khao Chae (món ăn thần thánh), Kaeng Phed (cà ri đỏ), canh tom yum... Ảnh: Dimiontheroad, weeloysingapore. |
Tết Losar là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước Bhutan, diễn ra trong 15 ngày và ba ngày đầu tiên của năm mới được xem là quan trọng nhất. Giống như Việt Nam, vào ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình Bhutan đều tất bật dọn dẹp nhà cửa và dâng lên bàn thờ tổ tiên nhiều thực phẩm, hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ. Người dân Bhutan đón Tết Losar bằng bánh quy chiên, mía thái hạt lựu, gạo lên men, các món hầm, cháo và phô mai. Ảnh: Geograficaxxi, drukasia. |