Những ngày giáp Tết về làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, bạn sẽ được sống trong một không gian tràn ngập sắc màu hoa giấy truyền thống Việt. |
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên vốn xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Theo tục xưa, hoa giấy được trang trí trang trọng ở những nơi như trang Ông, trang Bà, am cảnh và nơi thờ ông Táo. Ở làng Thanh Tiên, từ già đến trẻ, ai cũng có thể trở thành những nghệ nhân nhưng mỗi năm, họ chỉ làm nghệ nhân duy nhất trong tháng Chạp và những bông hoa do họ làm ra tươi mới suốt năm, trải đủ bốn mùa xuân hạ thu đông. |
Hoa giấy Thanh Tiên có hai loại: Hoa ngũ sắc và hoa sen. Mỗi cặp hoa ngũ sắc có năm loại riêng là hoa mai, hoa cúc, hoa hướng dương, hoa lan, hoa tường vi. Không như hoa ngũ sắc chỉ xuất hiện vào dịp Tết, hoa sen được làm và tỏa sắc quanh năm. |
Hoa ngũ sắc có đầy đủ ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường: Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa, trong đó luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân. 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Ngoài ra, trên chính giữa mỗi cặp hoa đều phải có một quả ớt màu đỏ tươi và một nhánh lá lúa được làm từ tre nhuộm xanh tượng trưng cho ruộng đồng, nông sản. |
Về làng Thanh Tiên những ngày giáp Tết, bạn sẽ bắt gặp những nghệ nhân nơi đây đang say sưa, cần mẫn chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn để tạo ra những bông hoa giấy tinh tế nhất. Các công đoạn để làm được một cành hoa gồm tre (phải là tre lồ ô mới có độ dẻo dai) được vót nhỏ và phơi khô, giấy được nhuộm màu, hoa và nhụy được cắt tỉa một cách tỉ mỉ để khi lấy hồ dán sẽ tạo được một cành hoa hài hòa về màu sắc lẫn bố cục. |
Trước ngày đưa ông Táo về trời, những bông hoa giấy làm xong sẽ được phụ nữ, trẻ em làng Thanh Tiên mang đi vượt khỏi lũy tre làng để làm đẹp cho đường phố xứ Huế. Nếu có dịp ghé Huế những ngày giáp Tết chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được phố phường trầm mặc, yên tĩnh ngày thường bỗng chốc rạng rỡ, tươi vui hơn nhờ những bông hoa giấy của làng Thanh Tiên tô điểm. |