Thông thường, không ai có thể liên tưởng ra mối quan hệ giữa nhiễm trùng cúm và đau tim. Nguyên nhân là bệnh cúm do virus tấn công hệ hô hấp bao gồm mũi, họng và phổi, trong khi đó, đau tim xảy ra khi một phần cơ tim không nhận đủ máu.
Tuy nhiên, nhiều người đã liệt kê ra các triệu chứng ban đầu thường tưởng nhầm là cúm nhưng sau đó được chẩn đoán cơn đau tim. Trong báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), một trong những người từng sống sót sau cơn đau tim là Liz Johnson, giáo viên dạy toán lớp 7.
Johnson chưa bao giờ bị huyết áp hoặc cholesterol cao và không có tiền sử gia đình về bệnh tim, đột nhiên gặp phải các triệu chứng mà cô nghĩ là bị cúm. Tuy nhiên, sau khi trải qua một số kiểm tra, các bác sĩ phát hiện cô bị đau tim.
Thực tế có rất nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra. Điều đó cho thấy các chuyên gia cảnh báo không nên coi nhẹ triệu chứng giống cúm, đặc biệt nếu chúng kéo dài hoặc phát sinh cùng với nhiều triệu chứng khác của cơn đau tim.
Buồn nôn
Theo India Times, buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa khác thường gặp khi bị cúm. Nó có thể đi kèm với các triệu chứng khác bao gồm sốt cao, nhức đầu, đau cơ, ho, đau họng và mệt mỏi.
Tương tự, với cơn đau tim, buồn nôn lại là một trong những triệu chứng phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Điều này là do các tế bào cơ tim bị hoại tử, thiếu máu cục bộ và tổn thương từ những vùng bị nhiễm trùng giải phóng axit lactic, axit pyruvic và chất chuyển hóa khác.
Các chất chuyển hóa và axit này ảnh hưởng thụ thể ngoại vi thần kinh tự chủ của những vùng bị nhồi máu, dẫn đến buồn nôn và nôn.
Buồn nôn, nôn có thể là dấu hiệu dễ nhầm lẫn giữa đau tim và nhiễm cúm. Ảnh: Goodpath. |
Đau đầu nhẹ hoặc chóng mặt
Đây có thể là dấu hiệu của cơn đau tim hoặc đột quỵ. Nhưng nó cũng là một trong những triệu chứng khi bị nhiễm virus như cúm. Người bệnh có thể không cảm nhận được rõ ràng yếu tố này và thường bị đau đầu dai dẳng.
Tuy nhiên, mặc dù bệnh cúm có thể được kiểm soát tại nhà, nếu bạn cảm thấy đó là dấu hiệu của cơn đau tim, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Đặc biệt, cách tốt nhất để phân biệt sự khác biệt là theo dõi các dấu hiệu khác của cơn đau tim như khó thở, sưng chi, thường xuyên mệt mỏi hoặc đau ngực.
Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi nhiều
Đổ mồ hôi lạnh hoặc ớn lạnh có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo cơn đau tim. Nếu những điều này xảy ra gần như ngay lập tức sau khi bị đau ngực tột độ, khó thở và tim đập nhanh, tốt nhất bạn nên đi cấp cứu ngay.
Tuy nhiên, đổ mồ hôi lạnh cũng có thể là cảm cúm. Với trường hợp này, người bệnh sẽ bị đau cơ, ớn lạnh và đổ mồ hôi sau khi xuất hiện cơn sốt.
Khó thở
Hầu hết trường hợp nhiễm cúm nghiêm trọng có thể bị thở gấp hoặc khó thở, kèm theo đau ngực, chóng mặt và co giật. Tuy nhiên, những trường hợp này hiếm khi xảy ra.
Trong khi đó, với đau tim, khó thở thường là dấu hiệu điển hình. Một người có thể bị đau ngực, cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu.
Khó thở là triệu chứng hiếm khi nhiễm cúm nhưng lại là dấu hiệu điển hình cảnh báo cơn đau tim. Ảnh: Medicaldialogues. |
Mệt mỏi, kiệt sức
Nhiều lý do xảy ra phía sau cảm giác mệt mỏi hoặc kiệt sức nói chung. Tuy nhiên, lý do đáng quan tâm nhất gây mệt mỏi là một cơn đau tim. Cơn đau tim có thể gây kiệt sức do tim làm việc căng thẳng hơn, đặc biệt là khi cơ quan này phải cố gắng rất nhiều để bơm máu.
Nhưng bên cạnh đó, mệt mỏi đột ngột, quá mức là một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh cúm. Nó có thể xuất hiện trước các triệu chứng khác. Các chuyên gia khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng liên quan khác của cơn đau tim.
AHA cho biết khía cạnh quan trọng của việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch là kiểm soát lối sống và yếu tố nguy cơ, chẳng hạn chất lượng ăn uống, hoạt động thể chất, hút thuốc, chỉ số khối cơ thể (BMI), tổng lượng cholesterol hoặc glucose trong máu.
Cùng với đó, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên là rất quan trọng, đặc biệt là điện tâm đồ, kiểm tra gắng sức của tim, siêu âm tim hoặc siêu âm áp lực tim, chụp mạch vành. Ngoài ra, AHA cũng khuyên bạn nên kiểm tra huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu thường xuyên.