![]() |
Việc sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng hay không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể gây tác hại nghiêm trọng. Ảnh: Onet Kobieta. |
Có thể bạn nghĩ sữa giả chỉ là một cốc nước màu trắng không có tác dụng, nhưng thực tế chất lỏng này nguy hiểm hơn thế. Khi người uống là thai phụ, trẻ sinh non, người tiểu đường hay suy thận - những người vốn có hệ miễn dịch mong manh và phụ thuộc lớn vào chế độ dinh dưỡng - hậu quả để lại có thể rất nghiêm trọng.
Các chuyên gia cảnh báo: Sữa giả không chỉ là sản phẩm gian lận thương mại, mà còn là hiểm họa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng.
Những tác hại nghiêm trọng
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền, khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đủ các chất protein (đạm), lipid (chất béo), carbohydrate (chất đường bột), vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển khoẻ mạnh.
Đây là nguồn dinh dưỡng tốt, kể cả với những người đang mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng hay không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể gây tác hại nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, sản phẩm sữa hay hay thực phẩm công bố dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không chứa thành phần như công bố trên nhãn như quảng cáo cũng sẽ làm ảnh hưởng sức khoẻ và tâm lý người bệnh.
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng như chứa hàm lượng đường cao có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng, gây mất kiểm soát đường huyết, tăng nguy cơ biến chứng của bệnh. Nếu sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng, có thể chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng đề kháng insulin gây khó kiểm soát tình hình bệnh tật.
Ngoài ra, sữa kém chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ chứa các chất phụ gia, chất tạo ngọt không an toàn hay vượt quá mức cho phép, ảnh hưởng xấu chức năng chuyển hoá của cơ thể.
Với người suy thận, chế độ ăn cần kiểm soát protein, kali, phospho là điều quan trọng để giảm gánh nặng cho thận. Sữa không chuẩn hay không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể có lượng protein, kali, phospho cao khiến thận phải hoạt động quá sức để đào thải.
Việc tăng tải protein (đạm) sẽ làm cho tăng ure máu khiến suy thận tiến triển nhanh hơn. Nếu sữa không đảm bảo chất lượng có chứa nhiều kali, người bệnh sử dụng, thận không đào thải kịp sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Sữa chứa nhiều phospho cũng làm cho người suy thận có nguy cơ bị vôi hoá mạch máu, tổn thương mắt, biến chứng tim mạch.
![]() |
Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất sữa bột giả rất lớn với 573 nhãn hiệu bị làm giả. Ảnh: VTV. |
Hậu quả lâu dài của việc sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng ở người bệnh suy thận sẽ làm tiến triển bệnh nặng hơn, khiến thận không thể hồi phục dẫn tới người bệnh phải tiến hành chạy thận nhân tạo và xuất hiện thêm biến chứng (thiếu máu, loãng xương, bệnh tim do thận…).
Cân nhắc kỹ khi lựa chọn
Theo TS.BS Bùi Thị Thuý, khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đối với bệnh đái tháo đường, mục tiêu dinh dưỡng chính là kiểm soát đường huyết ổn định, tránh tình trạng tăng đường huyết sau ăn và hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng hiệu quả.
Do đó, khi chọn sữa cần lưu ý, ưu tiên các loại sữa chuyên biệt cho người đái tháo đường, có chỉ số đường huyết thấp (low GI), giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu. Đặc biệt, tránh các loại sữa có chứa đường tinh luyện, siro, maltodextrin, hoặc các chất tạo ngọt dễ gây tăng đường huyết.
Ngoài ra, nên chọn các sản phẩm có chứa chất xơ hòa tan như inulin hoặc FOS giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và kiểm soát glucose tốt hơn.
Riêng với bệnh nhân có nguy cơ tăng đường huyết về đêm, người bệnh nên có lời khuyên cụ thể từ bác sĩ về lượng sữa vào buổi tối để kiểm soát tốt đường huyết. Kết hợp theo dõi đường huyết thường xuyên để đánh giá khả năng dung nạp sản phẩm.
Đối với bệnh suy thận, mục tiêu dinh dưỡng trong bệnh thận là giảm tải chuyển hóa cho thận, kiểm soát lượng protein, phospho, kali và natri trong khẩu phần.
Vì vậy, sữa dành riêng cho người bệnh thận thường có công thức đặc biệt, đó là hàm lượng đạm (protein) thấp nhưng giá trị sinh học cao, lượng kali, phospho và natri được kiểm soát chặt. Tránh các loại sữa có bổ sung nhiều vitamin D và canxi nếu người bệnh đã có tăng calci máu.
Ngoài ra, ưu tiên chọn sữa giàu năng lượng (calo cao) nhưng không gây tăng tải điện giải. Chỉ sử dụng theo đúng chỉ định từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị. Thực hiện xét nghiệm định kỳ để theo dõi chức năng thận và điều chỉnh lượng sữa nếu cần thiết.
Không chỉ với người mắc bệnh đái tháo đường và suy thận, tiến sĩ Thuý cũng đưa ra một số lời khuyên chung với người mắc bệnh nền khi sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng. Đó là đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm, chú ý đến hàm lượng đường, đạm, chất béo, natri, kali, phospho và các vi chất khác.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.