Gác lại bộn bề công việc, vượt qua cách trở địa lý, hơn 70 phụ nữ của tỉnh Lào Cai đã tề tựu tại chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, với hy vọng vươn lên làm chủ cuộc sống.
Ở nơi địa hình hiểm trở, đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, những phụ nữ Lào Cai vẫn nuôi ý chí và quyết tâm vươn lên làm kinh tế, tự chủ cuộc sống.
Hôm nay, ý chí và quyết tâm ấy càng trở nên rõ rệt với sự xuất hiện của hơn 70 phụ nữ đến từ các xã, huyện khác nhau đến tham gia chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”.
Quách Thị Quỳnh (sinh năm 1981) là một trong những người có mặt sớm nhất tại chương trình. Xuyên suốt buổi tập huấn, người phụ nữ nhỏ nhắn luôn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, chăm chú lắng nghe và cặm cụi ghi chép từng lời giảng viên chia sẻ.
Chị Quỳnh là con gái cả trong một gia đình nghèo, thuần nông, quanh năm dầm mưa dãi nắng lo kế sinh nhai. Thương bố mẹ, cũng mong thoát khỏi cái nghèo, ngay từ nhỏ, Quỳnh đã mơ ước trở thành một thợ may vì chị yêu thời trang, thích ngắm quần áo đẹp và bởi “làm nghề may sẽ không phải vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Mơ ước cháy bỏng trong suy nghĩ non nớt của đứa bé ngày ấy đã cùng chị lớn lên, trở thành hành trang bước vào đời. 19 tuổi, chị Quỳnh chính thức “bén duyên” với chiếc máy may, yêu và gắn bó với nghề từ đó đến tận hôm nay.
Nhớ lại ngày đầu lập nghiệp, mắt chị long lanh nước: “Cản trở lớn nhất của tôi khi ấy là việc tìm hiểu và lựa chọn nơi học nghề. Nhà tôi ở xa trung tâm, đường xá đi lại rất khó khăn, phải vượt núi, vượt đèo. Mọi người xung quanh luôn nói học nghề là việc của đàn ông, phụ nữ nên sớm lấy chồng sinh con và ổn định cuộc sống. Nhưng sau nhiều đêm trăn trở, tôi nhận ra vượt mọi giới hạn, làm điều mình yêu thích là con đường duy nhất giúp tôi thoát cảnh ‘chân lấm tay bùn’. Vì vậy tôi quyết tâm theo đuổi nghề may”.
Nhận thấy quyết tâm lớn của con gái, bố mẹ chị dù kinh tế eo hẹp vẫn cố gắng ủng hộ: “Chắt chiu mãi mới được 500.000 đồng, mẹ dành cả cho tôi đi học nghề. Thương mẹ, tôi quyết tâm học hành thành tài. Sau khi có được cái nghề, mẹ lại com cóp thêm cho tôi 2 triệu đồng để mua máy may, mở tiệm”, chị Quỳnh nghẹn ngào.
Có trong tay chút vốn ít ỏi, chị hăm hở thực hiện ước mơ ngày nào. Chỉ khi bắt tay vào làm, chị mới nhận thấy rõ những khó khăn đang đợi mình phía trước. Khách hàng ít, không kiếm được tiền, tất cả lời lãi đều để nuôi mẹ nuôi em, không dư dả thêm đồng nào xoay vốn… bí bách quá, chị từng nghĩ đến bỏ cuộc. Thế nhưng, chính tình yêu với nghề cùng khát khao thoát nghèo, mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình đã giúp chị tiếp tục nỗ lực. Để rồi từ 2,5 triệu đồng lập nghiệp, sau 20 năm với bao kỷ niệm vui buồn, đến nay, chị Quỳnh vẫn gắn bó, yêu nghề và có những thành quả nhất định.
Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, lại trải qua không ít thử thách trong những ngày đầu lập nghiệp, chị Quỳnh thấu hiểu muốn thoát nghèo, vươn lên tự chủ kinh tế thì phụ nữ cần có một cái nghề, một công việc kiếm ra tiền. Vì vậy, chị Quỳnh luôn khao khát mở lớp dạy nghề miễn phí cho phụ nữ và những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Chị chia sẻ: “Tất cả phụ nữ muốn có kinh tế và làm chủ cuộc sống thì phải có một cái nghề. Ví như nghề may, rất nhiều cơ sở có nhu cầu tuyển thợ và cũng không ít chị em muốn làm nhưng lại không biết nghề. Vì vậy, nếu được, tôi rất muốn dạy nghề cho chị em, bà con dân tộc thiểu số, những người nghèo, khuyết tật”.
Ước muốn đáng quý, đáng trân trọng là vậy, nhưng vẫn chưa thể thành hiện thực, bởi điều kiện chưa cho phép, cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa dư dả đầu tư thêm máy móc, thiết bị hay nhân công.
Hay tin Sunlight phối hợp Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, chị Quỳnh lập tức đăng ký tham gia với trọn niềm háo hức. Đến chương trình, hành trang chị mang theo chỉ đơn giản là một quyển vở, một cái bút, nhưng ẩn trong đó là niềm hy vọng và lòng nhiệt huyết lớn lao. “Tôi đến đây ghi chép được nhiều kinh nghiệm của thầy giáo, của mọi người chia sẻ, cũng để tìm cơ hội hiện thực hóa ước muốn của mình”, chị nói.
Dù nước da ngăm đã sạm đi vì nắng gió, đôi mắt sáng, nụ cười tươi vẫn giúp chị Đỗ Thị Lưu (sinh năm 1990) nổi bật giữa dòng người đến tham dự chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”.
Năm 2017, chị Lưu sinh được một bé gái xinh xắn, nhưng không may mắc hội chứng chậm phát triển. Từ đó, chị nghỉ việc ở nhà, dành toàn bộ thời gian chăm sóc con nhỏ. Hành trình ròng rã chữa bệnh cho con bắt đầu từ đây, song hành cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền đang ngày ngày thường trực.
Thương con kém may mắn, thương chồng một mình cáng đáng cả gia đình, sau nhiều đắn đo, trăn trở, chị quyết định đi học nghề và mở một tiệm cắt tóc, gội đầu tại nhà. Công việc này vừa giúp chị có thêm thu nhập để cùng chồng xây dựng kinh tế gia đình, vừa chủ động thời gian, dễ bề chăm sóc con cái.
Biết nghề, có kỹ năng làm nghề nhưng do còn thiếu kiến thức về kinh doanh nên dù đã mở tiệm được một thời gian, chị Lưu vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi để phát triển.
Như “nắng hạn gặp mưa rào”, chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu tham gia buổi tập huấn kiến thức giúp các chị em tự tin làm kinh tế do nhãn hàng Sunlight tổ chức. Vốn là người quảng giao, yêu thích các hoạt động xã hội, lại đang lúc loay hoay tìm hướng phát triển cho cửa tiệm, chị Lưu đăng ký ngay chẳng chút do dự, háo hức mong đợi từng ngày.
Tại buổi tập huấn, mọi người cùng học hỏi, giao lưu, chia sẻ các kế hoạch phát triển kinh tế, làm thế nào để có doanh thu cao, thu hút được nhiều khách hàng. Mong muốn đi học thêm, nâng cao tay nghề làm tóc cũng như mở rộng thêm nghề làm nail, nối mi… của chị càng thêm mãnh liệt.
“Mỗi người đều cần một nghề cho riêng mình, không chỉ để phát triển kinh tế, tăng thu nhập mà còn có thêm nhiều niềm vui. Bởi vì, khi mình lao động sẽ tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống. Làm nghề cắt tóc, gội đầu là làm đẹp cho khách hàng và sự hài lòng của khách hàng chính là niềm vui lớn nhất của tôi”, chị Lưu nói.
Chị Quỳnh và Lưu chỉ là hai trong rất nhiều phụ nữ trên khắp tỉnh thành của Việt Nam đã tìm thấy ước mơ, được tiếp thêm sức mạnh để hiện thực hóa đam mê, thông qua chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”.
Được triển khai từ đầu năm 2020, đến nay, chương trình đã đi qua nhiều tỉnh thành trên dải đất hình chữ S từ Bến Tre, Đồng Tháp, Nghệ An, Thanh Hóa và giờ là Lào Cai, góp phần truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng kinh doanh cho hàng trăm phụ nữ, đồng thời hỗ trợ vốn để nhiều dự án tiềm năng khởi sự.
Chị Đỗ Thị Kim Dung - Giám đốc Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi - là một trong những người đã được Sunlight hỗ trợ vốn với mô hình kinh doanh vườn dâu tây công nghệ tại thị trấn Sa Pa. Sau 5 năm hoạt động với không ít khó khăn, giờ đây, hợp tác xã của chị đã thu về nhiều thành quả đáng chú ý. Mô hình kinh doanh vườn dâu tây công nghệ của chị Kim Dung cũng xuất sắc đoạt giải Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020”.
Tham gia buổi tập huấn với vai trò khách mời, chị Kim Dung khẳng định mạnh mẽ: “Không có con đường thẳng để đi đến thành công, trong những ngày đầu khởi nghiệp, thất bại là điều khó tránh khỏi. Với phụ nữ, vừa làm kinh tế, vừa làm vợ làm mẹ thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, phụ nữ làm kinh tế cũng có những thuận lợi nhất định trong việc đàm phán, ngoại giao. Vì vậy, khi mình có đam mê, khát khao và kiên định thì thành công sớm hay muộn cũng sẽ đến”.
Thành công bước đầu của chủ hợp tác xã rau củ Thắng Lợi ngày hôm nay chính là động lực cho những phụ nữ đang loay hoay tìm hướng đi như chị Quỳnh, Lưu có thêm niềm tin, sức mạnh để viết tiếp ước mơ. Đó cũng chính là giá trị lớn nhất mà chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” mang lại, bên cạnh nguồn vốn tài trợ những dự án xuất sắc.
“Chương trình tập huấn của Sunlight rất thiết thực, thúc đẩy phụ nữ làm kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế tại gia đình. Sau lớp tập huấn này, hy vọng sẽ có nhiều ý tưởng hay để chị em khởi sự kinh doanh thành công”, bà Hà Thị Khánh Nguyệt - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai - nhấn mạnh.
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Sunlight phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai, nhằm khuyến khích phụ nữ phát huy tiềm năng và mang đến cơ hội làm kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Trong năm nay, chương trình có mặt tại 10 tỉnh - thành, hướng đến mục tiêu 2.000 phụ nữ được truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng kinh doanh và hỗ trợ vốn cho các dự án tiềm năng.