Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết êm ái dưới góc nhìn người bệnh

Nhìn từ góc độ người bệnh, họ nghĩ sao về đề xuất cái chết êm ái, đây là biện pháp nhân văn hay nhẫn tâm?

Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau từ các bác sĩ làm chuyên môn, nhà quản lý, những người làm luật… xung quanh đề xuất của Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, bổ sung “Quyền được chết” vào Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Ra đi thanh thản với “cái chết êm ái”

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai là nơi thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh nguy kịch “thập tử nhất sinh” từ các tỉnh về điều trị. Tại đây không hiếm gặp các ca bệnh nặng phải thở máy, trợ tim, chạy thận nhân tạo… để duy trì sự sống.

Đã gần một tháng nay, vợ ông Nguyễn Văn Sửu (quê ở Thái Bình) bị suy hô hấp, đang phải chạy thận nhân tạo, lọc huyết tương liên tục tại khoa Hồi sức tích cực. Trung bình mỗi ngày, nhà ông Sửu phải lo từ 30-50 triệu đồng tiền viện phí để chạy chữa cho vợ.

Trước đề xuất về quyền được chết vừa được Bộ Y tế đưa ra, ông Sửu cho rằng, đây là quyền hết sức văn minh cho những người bệnh không còn khả năng cứu chữa. Ông nói: “Tôi thấy đây là ý tưởng rất văn minh, rất tốt, phù hợp, người có tiền hay không có tiền nếu cần đến quyền được chết đều có thể thực hiện được. Bác sĩ chỉ cần báo cho gia đình người bệnh biết được là không thể cứu được, sự sống chỉ còn 1% thôi chẳng hạn…”.

Cùng chung quan điểm trên, ông Tạ Văn Tích (quê ở Tam Nông, Phú Thọ) nhận định: “Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, khả năng cứu chữa thấp thì nên để gia đình quyết định quyền được chết cho họ. Trường hợp nào chạy chữa không khỏi thì nên để người ta chết, còn nếu cứ cho người ta thở oxy chỉ để duy trì vài tháng thì quá khổ sở”.

Với những gia đình có người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội thì có lẽ, cái chết nhân đạo sẽ giúp bệnh nhân ra đi một cách thanh thản hơn. Họ sẽ không còn chịu nỗi đau giằng xé cả về thể xác lẫn tinh thần nữa. “Nếu tôi quá yếu đau, cảm thấy khó khăn cho gia đình, cảm thấy bản thân bệnh không chữa khỏi, càng nằm càng đau đớn thì bản thân tôi cũng muốn chết”- một bệnh nhân nói.

Một bệnh nhân khác chia sẻ: “Đã mắc ung thư giai đoạn cuối thì đằng nào cũng chết, không thể chữa được, cho nên nếu chết bằng cách dần dần thì phải chịu đau đớn quá lâu. Theo tôi việc làm cho người ta chết khi đã được gia đình nhất trí, bản thân người bệnh cũng đồng ý thì tôi thấy cũng được”.

Với bạn Bùi Thị Huệ, sinh viên ĐH Luật Hà Nội, nếu quyền được chết là lựa chọn của người bệnh hiểm nghèo thì cần tôn trọng quyền này của họ: “Theo một góc độ khác tôi nghĩ nó rất nhân đạo, bởi lẽ người sống thực vật nhiều năm, họ không thể cảm nhận được sự sống, thì họ cần một giải pháp cho chính mình. Vì thế đề xuất này không hẳn quá vô nhân đạo, mỗi người có một ý kiến riêng và phải tôn trọng quyền đó của người ta”.

Cần chọn lọc đối tượng người bệnh thật chính xác

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất về quyền được chết, hiện một số ý kiến lại tỏ ra băn khoăn cho rằng, dù được coi là điều luật khá văn minh, nhưng xét về phong tục, tập quán, tín ngưỡng ở Việt Nam thì còn rất nhiều điều đáng bàn.

Ông Phạm Đức Hòa, một bệnh nhân ở Nam Định lại cho rằng, với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nghĩa tử là nghĩa tận của người Việt, quyền được chết nếu được thông qua sẽ vô hình tiếp tay cho các hành vi vô nhân đạo.

Ông Hòa chia sẻ: “Tôi cảm thấy việc này nếu nói đúng ra thì là vô tâm, vô nhân đạo, đa số dưới con mắt chung của xã hội nhìn vào thì người ta nghĩ là có dã tâm. Nếu chẳng may gia đình có người bệnh nặng thì người nhà cũng muốn rằng khi họ trút hơi thở cuối cùng là lúc sức tàn lực kiệt rồi, ra đi đỡ đột ngột, dãn dần sự đau thương đó đi. Còn bây giờ nếu có cái gọi là “cái chết nhân đạo” mà bỏ rời máy thở, máy trợ tim ra cho người bệnh chết thì nói thật trong lương tâm người Việt khó ai có thể làm được điều này”.

Ở khía cạnh khác, nhiều người lo ngại khi luật hóa, quyền được chết có thể được áp dụng không đúng lúc khi bệnh nhân trong cơn bạo bệnh đau đớn có thể đưa ra ý kiến xin chết liều lĩnh, trong khi thực tế vẫn còn hy vọng cứu chữa. Mạng sống của con người là vô giá và dù chỉ còn 1% thì vẫn còn cơ hội sống. Về điều này, có ý kiến cho rằng, nếu quyền được chết được thực hiện thì đối tượng người bệnh cần hết sức chọn lọc.

“Quyền được chết chỉ đặt ra cho những người mắc bệnh mạn tính, không thể cứu chữa, họ quá đau đớn thể xác và tinh thần; thứ hai nữa là liên quan đến yếu tố kinh tế. Cho nên khi đặt ra vấn đề quyền được chết cần xem xét, không nên phủ nhận, hay mở rộng một cách ào ạt, mà có chọn lọc. Từ trước đến giờ chưa có trường hợp nào người đi làm nghề y tìm cách giết người cả, cho nên giao việc này cho cán bộ y tế nói chung là người ta không muốn làm”- một bác sĩ nêu ý kiến.

http://suckhoedoisong.vn/dien-dan/cai-chet-em-ai-duoi-goc-nhin-nguoi-benh-20150529144441239.htm

Theo Dương Hải/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm