Bệnh nhân ủng hộ
Đang điều trị tại Bệnh viện K3, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, bà Nguyễn Thị L. (Ninh Bình) tâm sự bà bị ung thư vú cách đây 3 năm. Bệnh đã điều trị hóa chất và được cho là tạm ổn định. Gần đây, bà thấy mệt, đau xương. Khi đi kiểm tra bác sĩ cho biết đã di căn đến xương.
Nghe đến bệnh, bà L. thở dài: "Biết rằng cái chết đang cận kề và giá như có thể chết ngay được thì tốt bởi tôi không còn tiền chạy chữa. Chồng tôi cũng mất vì ung thư 6 năm trước. Nợ nần chữa bệnh cho chồng chưa trả xong tôi lại bị bệnh. Cô con gái duy nhất vẫn đang học cấp 3 cũng không đủ khả năng kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.
Nghe mọi người nói ung thư đã di căn vào xương thì khổ lắm. Tôi hoang mang vô cùng, một phần không có tài chính, một phần đau đớn khiến con cái cũng khổ tâm. Chồng tôi lúc gần mất nôn ra cả xô máu đen. Thực sự cảnh tàn tạ ấy thà cho mình liều thuốc ngủ rồi đi luôn còn tốt hơn. Nếu thực sự có được quyền ấy, tôi ủng hộ. Tôi chẳng oán trách gì".Trước những lời nói của chị gái mình, chị Nguyễn Thị Mịn - người chăm sóc bà L., chẳng nói gì. Chị Mịn trách chị gái mình nghĩ nông cạn nhưng từ giọng nói của người thân, ai cũng hiểu chị đang cố giấu đi cảnh tượng nhìn người thân sắp ra đi.
Bà L. ủng hộ quyền được chết. |
Ông Vũ Hữu H. đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vì bệnh suy thận. Ông H. cho biết suốt 7 năm qua, bệnh nhân này thường xuyên phải vào viện chiến đấu với bệnh tật. Có lúc, ông đã nghĩ đến bỏ viện về nhà để chết. Ông ước: "Giá như ai có thể giúp mình chết đi được thì tốt quá". Bệnh nặng không kiếm ra tiền lại tiêu tốn của gia đình quá nhiều.
Vợ ông vì lo cho chồng bệnh tật mà bị tai nạn lao động. Máy dệt nghiến mất một bàn tay của bà. Dù vậy, bà vẫn làm đủ việc kiếm tiền cho chồng chữa bệnh. Người đàn ông mang bệnh như ông H. cảm thấy bất lực. Khi nghe đến quyền được chết, ông H. cười: "Tôi ủng hộ. Nếu một ngày con người ta không thể chống chọi được với bệnh tật, đau đớn tinh thần thể xác cũng nên để họ được quyền chết thay vì cố cứu họ".
Ông H. từng chứng kiến nhiều người bị suy thận bỏ viện về nhà. Họ bỏ viện chỉ 2 tuần đến 3 tuần là chết. Họ muốn tìm đến cái chết nhanh nhất nhưng mọi người đều cho rằng không biết trân trọng sự sống. Với những người bệnh trọng, có lẽ giải thoát là điều tốt nhất cho họ.
Không dám nghĩ đến quyền được chết
Anh Bùi Công Tú quê ở Thái Bình đang chăm con bị bệnh nặng ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã giấu đi giọt nước mắt khi con trai anh 10 tuổi bảo bố cho về nhà để chết chứ không muốn ở viện điều trị tốn tiền mà không hiệu quả. Anh Tú kể cháu bé có thể nhận biết được bệnh của mình nên cứ đòi về nhà sợ bố mẹ tốn tiền.
Anh Tú tâm sự nếu thực sự có quyền được chết và quyền ấy do bệnh nhân tự quyết thì anh không tin nổi người thân sẽ quyết định như thế nào.
Giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự có những bệnh nhân họ đau đớn quỳ lạy xin bác sĩ cho họ được chết nhưng rồi bác sĩ lại động viên và sử dụng giảm đau cho họ chứ không ai có thể giúp họ chết.
Còn ông Nguyễn Xuân Tr. quê Lạng Sơn đang điều trị K phế quản tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ai cũng khao khát sống nhưng khi không thể cứu chữa, sống vật vã thì ai cũng mong muốn những gì êm ái nhất vào phút cuối cuộc đời. Lâu nay nhiều người bệnh vẫn tìm cách... tự tử nhưng hành động đó để lại bao ám ảnh, day dứt cho con cái, người thân.
Chứng kiến người thân từng chết vì căn bệnh ung thư phổi, ông Tr. thở dài: "Lúc ấy mình biết không thể chữa được, chỉ còn biết giúp người thân bằng những liều morphine. Ai cũng muốn sống nhưng khi không thể chữa được thì cũng nên tìm cái chết êm ái nhất".
Khi khỏe mạnh ai cũng nghĩ quyền được chết không thể nhưng nếu rơi vào trạng thái của người bệnh, chúng ta mới thấy điều đó là nhân văn.