Làm trong ngành trang trí nội thất, Hà Phương đã tự tay phác thảo ý tưởng và mua sắm các nguyên vật liệu để "thay áo" cho căn bếp của gia đình.
- Diện tích căn bếp: 10 m2
- Phong cách: Vintage
- Thời gian thi công: 2 tuần
- Kinh phí: 35 triệu đồng
Chưa hài lòng với căn bếp cũ, Hà Phương (1991, Hà Nội) đã bắt tay vào cải tạo không gian nấu nướng của gia đình.
Chia sẻ với Zing, nữ 9X cho biết căn bếp cũ lộ rõ những điểm không hợp lý như diện tích nhỏ lại sử dụng bàn đá màu tối, tủ bếp được đóng cao tới trần khiến không gian trở nên bí bách. Đồng thời, một số ưu điểm của không gian phòng bếp chưa được tận dụng tối đa.
Ý tưởng cải tạo
Do căn bếp nằm trong khu tập thể cũ, lại có sân chung phía sau, Hà Phương đã phác thảo ý tưởng về một không gian mang phong cách vintage.
Cô lựa chọn những tông màu sáng cho căn bếp, đồng thời làm cửa sổ lớn để đón ánh sáng tự nhiên.
Hà Phương cũng tính toán để sắp xếp lại vị trí của một số đồ dùng và bổ sung các công năng giúp không gian nấu nướng trở nên tiện ích hơn.
Để đảm bảo kinh phí cải tạo không vượt quá ngân sách ban đầu, Hà Phương đã chủ động tự mua từng phần và không lựa chọn nhà thầu thi công tổng thể.
Quá trình cải tạo
Do diện tích không quá lớn, Hà Phương chỉ mất khoảng 2 tuần để cải tạo căn bếp. Để không vượt ngân sách dự tính, cô và chồng mình đã tự tay đo đạc và lắp đặt nhiều phần trong căn bếp.
Splashback (phần tường chính sau bếp) được Hà Phương thay thế bằng gạch thẻ màu sáng, giúp dễ vệ sinh và cũng là nhân tố giúp căn bếp trở nên vintage hơn.
Để tạo cảm giác thông thoáng, cô tháo toàn bộ tủ bếp cũ, chia đôi phần diện tích làm 2 phần để lắp tủ và kệ mở. Phần kệ mở, người nội trợ này tự đo đạc, lựa chọn loại gỗ thông và lắp đặt.
Đối với phần tủ, Hà Phương đặt xưởng theo kích thước và màu sơn yêu thích. Cô cho biết các hộc tủ đều được thiết kế sâu nhằm "giấu" bớt những dụng cụ, gia vị, nồi niêu xoong chảo không cần thiết, để mặt bếp thoáng và không bị rối mắt.
Nữ 9X chia sẻ, trong quá trình làm mới không gian nấu nướng, cô gặp gặp khó khăn trong việc xử lý tường bếp ốp gạch đã cũ. Giải pháp được đưa ra là dùng giấy dán tường màu trung tính để không gian được sạch sẽ.
Mặt bếp được thay thế bằng đá trắng vân xám, giúp căn bếp trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, Hà Phương cho biết loại đá này rất dễ bám bẩn. Vì thế người nội trợ cần lau dọn kĩ ngay sau khi sử dụng.
Với diện tích khiêm tốn, cô chọn bồn rửa 2 ngăn nhưng sâu lòng. Việc sử dụng bồn rửa đôi giúp người nội trợ thuận tiện hơn trong công việc sơ chế thực phẩm và dọn rửa, tránh bị lộn xộn.
Các phụ kiện bếp như vòi, chậu rửa, hay giá treo, đều được Hà Phương sử dụng màu đen. Cô cho biết tránh sử dụng inox sáng vì chất liệu này thường lộ rõ vết xước và hay xuất hiện tình trạng đóng cặn trên bề mặt, khó vệ sinh.
Để căn bếp trông ngăn nắp, gọn gàng, những lọ gia vị hay hũ đựng đồ khô đều được chủ nhân lựa chọn loại có hình dáng, thiết kế đơn giản.
Không gian nấu nướng sẽ trở nên giàu sức sống và tươi mới hơn khi có sự xuất hiện của cây xanh. Hà Phương trang trí bằng một số loại lá cây như trầu bà Nam Mỹ, khuynh diệp... cắm trong các lọ thủy tinh nhỏ, không tốn quá nhiều diện tích. Với một gian bếp chủ yếu là màu đơn sắc, màu xanh tươi của cây xanh càng nổi bật và ấn tượng.
Với căn bếp hiện tại, Hà Phương cho biết đây không chỉ là nơi cô nấu ăn, mà còn là một góc chụp hình yêu thích. Không gian mới được sắp xếp theo đúng mục đích sử dụng và đáp ứng tính thẩm mỹ.
Kinh nghiệm cải tạo
Sau thời gian thi công sửa chữa và với kinh nghiệm trong ngành trang trí nội thất, Hà Phương có một số lời khuyên giúp cho quá trình cải tạo căn bếp của bạn thuận lợi hơn:
- Xác định phong cách trang trí muốn hướng đến và chi phí cải tạo để tránh vượt quá ngân sách.
- Tìm đội thi công đã hoàn thành những sản phẩm tương tự với phong cách mình lựa chọn.
- Có kế hoạch chi tiết để các vật dụng trong căn bếp thống nhất về phong cách.
- Xác định rõ phần nào cần thuê người làm, đặt hàng hay có thể tự triển khai. Nên chủ động tự mua các vật dụng trong căn bếp để có chất lượng tốt và đúng ý.