“Nếu cha mẹ đọc được bức thư này, rất có thể, con đã chết rồi.
Nhưng con phải nói rằng, cuộc sống này mệt mỏi quá.
Sự thất vọng của cô giáo với con, những lời đùa cợt của bạn cùng lớp. Con tuyệt vọng lắm.
Bây giờ, con chỉ mong mình có thể ngủ thêm một chút.
Nhân tiện, trong ngăn kéo của tòa nhà công viên Trung Sơn, con có một thứ muốn cha mẹ xem”.
Con trai, Huang".
Những câu từ này nằm trong bức thư tuyệt mệnh ngắn ngủi mà Huang, cậu bé 9 tuổi tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, để lại cho cha mẹ trước khi quyên sinh. Ngày 15/12, em nhảy khỏi một tòa nhà. Dòng chữ vẫn còn nguệch ngoạc nhưng chứa đựng nỗi bi ai và tuyệt vọng.
Nhưng đó không phải lần đầu tiên học sinh rơi vào trầm cảm, mệt mỏi vì áp lực học hành và chọn cách cực đoan là tự kết liễu cuộc đời.
Bức thư tuyệt mệnh ngắn ngủi của cậu bé. Ảnh: The Paper. |
Trung Quốc đứng đầu về tỷ lệ trẻ em tự tử
Tháng 4, một học sinh tiểu học 9 tuổi ở Hà Bắc bị tịch thu máy tính bảng. Sau khi giáo viên công khai chỉ trích trước mặt các bạn cùng lớp, em tự tử bằng cách nhảy khỏi tòa nhà.
Tháng 6, một học sinh lớp 6 khác ở Hohhot, khu tự trị Nội Mông, để lại bức thư tuyệt mệnh nói rằng em phải sống chung với trầm cảm suốt thời gian dài, không thể chia sẻ cùng ai. Cuối cùng, em chọn cách giã từ cuộc đời.
Một số trường hợp khác vì thất vọng với bản thân mà tìm đến cái chết như trường hợp của nam sinh trung học ở Nội Mông vào năm 2014. Em nhảy khỏi một tòa nhà sau khi biết điểm thi không như ý. Cậu bé 13 tuổi khác ở Giang Tô treo cổ tự tử sau khi không hoàn thành bài tập về nhà.
Theo “Báo cáo về tình trạng trẻ em tự tử ở Trung Quốc”, tỷ lệ trẻ tại quốc gia này tự tử đứng đầu thế giới, cao gấp 2-3 lần tỷ lệ trung bình của toàn cầu.
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ XXI tại Trung Quốc cho thấy 6 nguyên nhân chính khiến trẻ tự tử bao gồm: Xung đột gia đình (33%), áp lực học tập (26%), xung đột giáo viên - học sinh (16%), vấn đề tâm lý (10%), mâu thuẫn trong tình yêu (5%), bắt nạt học đường (4%) và các vấn đề khác (6%).
Một học sinh ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ảnh chụp ngày 13/5/2014. Ảnh: SCMP. |
Không chỉ trẻ em, nhiều thanh, thiếu niên và cả sinh viên cũng rơi vào tình trạng trầm cảm, cô đơn vì áp lực học tập.
"Đôi khi, tôi ngồi trong phòng thí nghiệm nhìn chằm chằm vào thiết bị và tự hỏi bản thân nhiều lần: ‘Tại sao mình vẫn tiếp tục sống?’”.
Đó là cách mà nghiên cứu sinh Sun, 27 tuổi, nhớ lại một trong những lần “chạm đáy” của mình. Thời điểm đó, Sun “không thể nhìn thấy tương lai, chỉ nghĩ tới cái chết” vì bế tắc trong học tập.
Sau đó, anh tìm đến sự trợ giúp của các dịch vụ tâm lý và dần cảm thấy tốt hơn. Phân tích cho thấy, hàng triệu người trẻ như Sun phải vật lộn dưới áp lực của công việc, học tập và các mối quan hệ. Thật không may, nhiều người không tìm thấy sự trợ giúp đúng lúc và kịp thời.
The Wall Street Journal dẫn nghiên cứu năm 2014 của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ XXI cho thấy hệ thống giáo dục tại Trung Quốc là thủ phạm dẫn tới nhiều vụ tự tử. Do tính chất cạnh tranh gay gắt, các gia đình trung lưu thường cho con tham gia nhiều chương trình dạy kèm với mong muốn trẻ có lợi thế hơn bạn bè cùng trang lứa. Các kỳ thi tuyển sinh hay thậm chí sau này là cơ hội nghề nghiệp cũng rất khắc nghiệt.
Một cuộc khảo sát khác cho thấy gần 20% sinh viên tại các trường đại học tại Trung Quốc phải sống chung với các vấn đề tâm lý. 15% trong số đó cần sự tư vấn của bạn bè, người thân nhưng không được giúp đỡ thỏa đáng.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Trung Quốc, mỗi năm, khoảng 250.000 người ở Trung Quốc tự tử. Hai triệu người khác có ý định và đã từng thử. China Daily dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người từ 15 đến 34 tuổi.
Cha mẹ vô tình bỏ qua lời kêu cứu của trẻ, đánh mất "cơ hội vàng" cứu con khỏi suy nghĩ tiêu cực. Ảnh minh họa: Freepik. |
Phụ huynh phải là bạn đồng hành của con
Những vụ tự tử đáng tiếc đều xảy ra đột ngột, do sức chịu đựng tâm lý của trẻ chưa đủ mạnh, nhiều trường hợp, các em bị suy sụp vì sự kiện bất ngờ nào đó và thực hiện hành động tiêu cực.
Chính vì thế, phụ huynh sẽ là chìa khóa tháo gỡ những vướng mắc tâm lý cho trẻ, giúp con thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Để ngăn ngừa tình trạng trẻ gặp trầm cảm, có ý định tự tử vì áp lực và mâu thuẫn hàng ngày, cha mẹ cần lưu ý.
Trò chuyện là cách tốt nhất để chữa lành vết thương lòng, giúp con trút bỏ nỗi phiền muộn. Cha mẹ càng kết bạn với con dễ dàng, càng trở thành người mà trẻ tin tưởng, không cảm thấy cô đơn khi trưởng thành. Bạn nên bắt đầu hiểu con bằng những câu chuyện trường, lớp hàng ngày, luôn lắng nghe trẻ nhiều nhất có thể và cho con thấy được sự tin tưởng.
Đặc biệt, theo tài liệu Bệnh viện Nhi đồng Orange County, Mỹ, cha mẹ cần lưu tâm khi con có những dấu hiệu bất thường hoặc nói những điều như: “Con không nên ở đây”, “Con ước mình biến mất vĩnh viễn”, “Con không muốn sống nữa”, “Cha mẹ chắc sẽ không nhớ con”, “Con chỉ là gánh nặng với cha mẹ”…
Nếu con có những hành động như nói hoặc trêu đùa về việc tự tử, cái chết; cho đi những đồ vật mà con từng rất yêu thích; tự cách ly khỏi bạn bè, người thân, không tham gia các hoạt động vui chơi mà con vốn thích; bị ám ảnh bởi súng, đạn, dao; hành động liều lĩnh… cha mẹ cần giúp đỡ và lắng nghe.
Nếu nhận ra con có vấn đề và cần trợ giúp, chúng ta không nên bỏ qua vấn đề. Những câu nài nỉ kể chuyện, tâm sự hay nói đùa vu vơ về cái chết có thể là dấu hiệu mà trẻ đang kêu cứu. Khi lắng nghe câu chuyện của trẻ, cha mẹ cũng không nên phán xét hay yêu cầu con phải làm gì. Thay vào đó, phụ huynh nên từ từ tháo gỡ, hướng con về các suy nghĩ tích cực.
Chúng ta hãy trấn an trẻ rằng con không đơn độc và mọi người đều sẽ thấy buồn bã, chán nản trong thời điểm nào đó của cuộc đời. Bản thân người lớn, cha mẹ cũng đều phải trải qua cảm giác như vậy. Nếu trẻ vẫn lo lắng và buồn bã, chúng ta cần trấn an con khoảng thời gian tồi tệ sẽ không kéo dài mãi và mọi thứ sẽ tốt hơn nếu con chia sẻ, mở rộng lòng với người khác. Nếu cần, phụ huynh cũng nên cho con tới gặp bác sĩ tâm lý để được điều trị kịp thời các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Ý định tự tử thường đến rất bất chợt và những dụng cụ như dao, kéo, súng… có thể vô tình trở thành tác nhân khiến trẻ đi từ suy nghĩ đến quyết định. Do đó, cha mẹ nên loại bỏ những vật dụng này ra khỏi tầm tay, mắt của con, tránh để chúng trở thành phương tiện để tự tử.
Tập thể dục giúp não tiết ra endorphin, chất có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm đau. Endorphin cũng làm giảm lượng cortisol - loại hormone liên quan chứng trầm cảm - trong tuần hoàn.
Tập thể dục cũng là cách hiệu quả để kéo trẻ ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực và khiến các con cảm thấy tốt hơn. Các chuyên gia khuyên phụ huynh nên duy trì thói quen tập thể dục 30-40 phút mỗi ngày cho trẻ, tần suất 2-5 buổi/tuần.