Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chạy bộ lúc 5h30 mỗi sáng và kết quả khó tin sau 3 năm

Với thân hình 90 kg, đôi lúc anh Quang cảm thấy thở thôi cũng mệt. Kèm theo đó cơ thể hay ốm, đau nhức khiến anh trở nên nóng tính, cáu gắt, không kiềm chế được cảm xúc.

Anh Quang thành lập CLB 5h30 để truyền năng lượng sống tích cực đến cộng đồng. Ảnh: NVCC.

Mỗi ngày đúng 5h30, anh Ngô Công Quang xỏ giày, xách theo chai nước ra công viên Gia Định (TP.HCM) chạy bộ.

Những ngày đầu tiên anh không thể chạy nhiều, anh phải vừa chạy vừa đi bộ. Dần dà, cơ thể anh quen nhịp, chạy bộ trở thành phần không thể thiếu để bắt đầu ngày mới.

Chạy bộ lúc 5h30

Ba năm trước, với ngoại hình 90 kg, khó ai tin được anh Quang "lột xác" như thế và trở thành Chủ nhiệm CLB cộng đồng 5h30.

Mỗi ngày, anh đều đặn chạy bộ hơn 10 km, vào 5h30 hoặc 17h30. Thói quen dậy sớm giúp cơ thể anh tỉnh táo, có thời gian ngắm phố phường, xử lý công việc. Sau 3 tháng chạy bộ, anh Quang từ 90 kg xuống 75 kg. Quần áo giảm xuống 2 size, đi đứng nhẹ nhõm hơn.

Không may, anh Quang gặp chấn thương khi sử dụng giày đá bóng để chạy bộ, lòng bàn chân, các ngón chân của anh phồng rộp, đau nhức. Qua tìm hiểu, anh lựa chọn giày chạy bộ phù hợp với chân, nhờ đó cải thiện rõ rệt cảm giác đau lòng bàn chân.

Từ 10 km, anh Quang tập chạy lên 17 km. Qua 3 tháng, anh mạnh dạn đăng ký tham gia giải chạy half marathon (21,1 km - HM), tiếp đến là giải full marathon (42,195 km - FM).

Qua nhiều lần tham dự giải FM, anh Quang tập chạy lên 60 km rồi chinh phục giải ultra marathon (100 km) với thời gian hơn 13 giờ.

“Chạy bộ là bộ môn kết hợp giữa sức bền và ý chí. Ngoài thể lực, các runner còn cần tôi luyện ý chí không bỏ cuộc mới chinh phục được đường chạy”, anh Quang nói.

Do tính chất công việc, trước đây khi tan làm, anh Quang cùng đồng nghiệp lại hẹn nhau ở quán nhậu. Anh Quang cũng mang trong người gan nhiễm mỡ, gout, sỏi thận.

Sau 3 năm chạy bộ, cơ thể anh Quang đã có lời hồi đáp tích cực, các chỉ số cơ thể trở về bình thường, gan không còn nhiễm mỡ, bệnh gout cũng giảm dần. Đặc biệt, tính khí cũng nhẹ nhàng và tích cực hơn, không còn dễ nổi nóng.

Ngoài ra, anh thực hiện các bài tập luyện nhịp tim khi chạy bộ, với 5 km giữ nhịp ở mức 130, khi tập quen dần lên 10 km thì nhịp tim vẫn giữ ở mức độ đó. Do đó, khi không vận động nhịp tim của anh sẽ thấp hơn người bình thường, đứng trước các tình huống sẽ bình tĩnh hơn, không còn hồi hộp.

suc khoe tim mach anh 1

Anh Ngô Công Quang, Chủ nhiệm CLB cộng đồng 5h30, chinh phục đường chạy giải ultra marathon (100km). Ảnh: NVCC.

Theo anh Quang, hiện các giải chạy bộ nở rộ khắp mọi nơi, lúc trước những người tham gia chạy bộ chủ yếu là người có năng khiếu, vận động viên nhưng bây giờ đã trở thành môn đại trà, dễ tiếp cận.

“Người trẻ tham gia chạy bộ ngày càng nhiều, vì trong quá trình chạy họ tìm về được chính bản thân. Chạy bộ giúp người trẻ nâng cao sức khoẻ còn có thể còn kết hợp du lịch”, anh Quang cho hay.

Chạy bộ giúp sức khỏe tim mạch thay đổi tích cực

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng khám Lồng ngực - Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định nếu người dân chạy bộ đúng cách, đúng lứa tuổi thì rất tốt cho hệ tim mạch.

Cụ thể, khi chạy bộ nhịp tim của người chạy sẽ tăng lên, máu đến các bộ phận trong cơ thể sẽ tốt hơn, khi đó sự trao đổi oxy giữa các cơ quan đến tế bào não, gan, thận… sẽ cải thiện hơn.

Ngoài ra, tập chạy bộ giúp nâng cao sức chịu đựng của cơ thể người chạy, giúp họ dẻo dai hơn.

Ví dụ, một thanh niên dưới 30 tuổi trước khi chạy bộ 1-2 tháng leo lên 2 tầng cầu thang thấy mệt, sau 2 tháng leo lên 3-4 tầng thấy bình thường, không mệt. Như vậy, chạy bộ đã tác động tích cực lên sức khoẻ tim mạch của người này.

Đồng thời, chạy bộ giúp tăng nhịp tim, tăng sức đề kháng, sức chịu đựng của tim lên cho người chạy bộ. Khi chạy bộ, hoặc chơi bất kỳ môn thể thao nào, thì người chơi sẽ có nhịp tim cao hơn người bình thường, giúp họ bớt hồi hộp khi đứng trước một tình huống căng thẳng nào đó.

“Khi chạy bộ, người chạy sẽ giảm được cân nặng, từ đó giảm béo phì, gánh nặng cho tim cũng giảm đi, tim đỡ phải làm việc nhiều, giảm suy tim, cơ tim rắn chắc, tim sẽ đập điều hoà trở lại”, PGS Nam cho biết.

Mặc dù chạy bộ có tác động tốt đến sức khỏe tim mạch, bác sĩ Nam khuyến cáo những người có bệnh lý về tim, cao huyết áp không nên chạy bộ, chỉ nên đi bộ. Cự ly chạy, tốc độ chạy, thời gian chạy bao lâu phải căn cứ vào lứa tuổi, thể trạng của từng người, không phải người nào cũng tập giống nhau.

Theo PGS Nam, người dân thường chạy bộ vào buổi sáng, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng buổi chiều mới là thời điểm lý tưởng để chạy bộ. Bởi, cơ thể của người chạy lúc này đã hoạt động đều, hạn chế được tai biến, biến chứng về tim mạch.

“Buổi sáng nồng độ cortisol trong cơ thể đang thấp, khoảng 9-10 giờ mới tiết ra nhiều, nên tập quá sớm thì các hoạt động của cơ thể bị gượng ép, sẽ không tốt bằng khi cơ thể đạt trạng thái tự nhiên” chuyên gia lý giải.

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống.

Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

Nên chườm nóng hay chườm lạnh khi bị chấn thương?

Chấn thương là điều không thể tránh khỏi trong khi tập thể thao, kể cả chạy bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khi nào nên chườm nóng hay lạnh để giảm đau và phục hồi nhanh.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm