"Mẹo khoanh lụi tiếng Anh bách phát bách trúng", "khoanh lụi môn Vật lý không cần học", "khoanh lụi Toán đảm bảo trên 8 điểm"... là những nội dung mà Tri thức - Znews tìm được khi nhập từ khóa "cách khoanh lụi" trên nền tảng TikTok.
Điều đáng chú ý hơn là trong số những video này, một số nội dung được đăng tải từ những người tự xưng là "giáo viên". Ngoài làm nội dung chỉ mẹo khoanh lụi, họ còn dẫn link để bán sản phẩm hoặc bán sách.
Dạy phương pháp học hay để "câu like"?
Trao đổi với Tri thức - Znews, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) nhận định nội dung hướng dẫn "lụi nhanh", “khoanh bừa" xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội thường mang tính chủ quan, thiếu kiểm duyệt và chứa nhiều rủi ro.
Theo thầy Phú, hầu hết video hướng dẫn mẹo khoanh lụi trắc nghiệm là không có cơ sở khoa học, thiếu giá trị giáo dục và không thể tin tưởng. Phụ huynh, thí sinh cần tỉnh táo khi tiếp nhận những thông tin tương tự trên mạng.
“Những video này thường nhằm mục đích ‘câu like', ‘câu view', dẫn dắt học sinh đến những giá trị ảo, không thực tế. Một số người để lại bình luận, phản hồi rằng đã áp dụng thử và đúng chỉ để dẫn dắt dư luận. Rất có thể, đằng sau những bình luận, phản hồi đó là chính người làm ra video", thầy Phú nhận định.
Các video dạy khoanh lụi trắc nghiệm thu hút hàng nghìn cho đến hàng triệu lượt xem. |
Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cũng bày tỏ lo ngại nếu những video hướng dẫn khoanh lụi thành xu hướng trên mạng xã hội, sẽ ngày càng nhiều học sinh biết đến và sa đà vào những video này, hình thành tư duy ỷ lại với hy vọng "há miệng chờ sung".
Kết quả nhận lại từ việc tiếp nhận những phương pháp đó chỉ là sự vui mừng tức thời nếu may mắn khoanh đúng. Ngược lại, nếu sai, chính các em cũng là người chịu hậu quả là trượt tốt nghiệp, trượt đại học và lâu dài hơn là kiến thức trống rỗng, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
“Các em cần tỉnh táo trước những chiêu trò câu view, câu like của các TikToker. Không bao giờ có chuyện ngồi không và thành công nhờ sự may rủi. Thứ các em cần là những giá trị thực, là kiến thức, sự hiểu biết vấn đề. Các em đừng đánh đổi cả tương lai của mình vào những thủ thuật không đáng tin trên mạng”, thầy Phú nhấn mạnh.
Tương tự, khi xem những video dạy mẹo khoanh lụi trắc nghiệm trên TikTok, cô Trần Tú, giảng viên đại học tại TP.HCM, bật cười vì nhiều mẹo do TikToker đưa ra quá ngô nghê.
Cô nhấn mạnh một điều rằng nhiều video giật tít “mẹo trắc nghiệm chống liệt” nhưng chưa chắc đã có thể giúp học sinh thoát nguy cơ bị điểm kém. Lý do là những mẹo này được dựng trên thói quen ra đề chung của phần lớn giáo viên. Giả sử học sinh áp dụng mẹo với những bộ đề của giáo viên không có thói quen ra đề giống số đông, nguy cơ làm sai là rất cao.
Trong một trường hợp khác, giả sử học sinh áp dụng mẹo và có hiệu quả, đến lúc các video hướng dẫn khoanh lụi “viral” thì các giáo viên cũng sẽ đổi cách ra đề, mẹo của TikToker sẽ lại trở nên vô ích.
Nói thêm về những nội dung khoanh lụi trên mạng xã hội, cô Tú bày tỏ cô không khuyến khích học sinh làm theo vì mẹo khoanh lụi chỉ giúp học sinh “thoát” được bài kiểm tra chứ không giúp các bạn hiểu được kiến thức. Về lâu về dài, hậu quả để lại là học sinh sẽ ngày càng kém cỏi.
“Những người học vì kiến thức sẽ không bao giờ chọn làm theo mẹo khoanh lụi. Còn nếu bạn xác định ‘chơi chiêu’ để kiếm điểm thì xin đừng bao giờ cho rằng bạn đạt điểm cao nghĩa là bạn học giỏi”, cô Tú nhấn mạnh.
Cần phải xử lý
Không riêng năm nay, từ nhiều năm trước, những video dạy học sinh khoanh lụi đã tràn lan trên mạng xã hội. Theo thầy Phú, những thông tin này đúng ra cần phải được xử lý từ lâu, các nền tảng mạng xã hội cần phải kiểm duyệt khắt khe nội dung hơn, tránh để những video “đầu độc" học sinh xuất hiện trên mạng.
“Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các cơ quan chức năng, an ninh mạng để xử lý những thông tin như vậy bởi ảnh hưởng trước mắt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau là chất lượng giáo dục và các thế hệ học sinh", thầy Phú đề xuất.
Bên cạnh những video ẩn danh, những người được cho là chia sẻ kinh nghiệm, không ít video dạy khoanh lụi mà chủ kênh tự xưng là giáo viên, thầy Phú cho rằng những người này cũng rất đáng lên án.
Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng nếu đã xưng mình là giáo viên, họ phải dạy học sinh những điều hay, điều tốt đẹp để xứng đáng là người thầy, chứ không phải dạy học sinh chiêu trò, hình thành phẩm chất đạo đức không tốt cho người học.
“Người thầy phải dạy giá trị thật, nội dung thật, khơi dậy đam mê cho học trò, chứ không phải dạy các em ‘ngồi chờ sung rụng', trông đợi vào trò may rủi. Đó cũng không khác gì dạy các em gian lận trong thi cử. Chúng ta phải thanh lọc, sàng lọc những người thầy như vậy để môi trường sư phạm thực sự trong sạch”, thầy Phú nói.
Một "thầy giáo" làm video dạy khoanh lụi và thậm chí bán cả sách. |
Cũng bàn về những người tự xưng là giáo viên nhưng lại dạy học sinh sử dụng mẹo khi làm bài thi trắc nghiệm, cô Trần Tú thấy rất kỳ lạ vì không hiểu tại sao người làm nghề giáo không lên video dạy học mà lại dạy học sinh khoanh lụi.
Bên cạnh đó, cô tự hỏi những giáo viên như vậy có khó khăn hay bất mãn gì với trường học hay không mà lại chọn cách kiếm lời từ những nội dung như vậy.
Cô giáo cũng nhận xét việc giáo viên dạy học sinh khoanh lụi theo kiểu “thấy A, làm B” sẽ không dạy được điều gì ngoài “chiêu trò” để qua mặt người khác. Hơn nữa, việc lên video chỉ mẹo khoanh lụi trong đề thi tốt nghiệp THPT cũng giống như ảo thuật gia quay video “bóc” chiêu trò làm ảo thuật, có thể không đến mức gọi là mất đạo đức nhưng lại rất phản cảm đối với những người trong nghề.
Đề thi cần cải tiến hơn
Tuy nhiên, quan sát những mẹo mà các "giáo viên" TikTok hướng dãn, cô Trần Tú không phủ nhận đề thi trắc nghiệm đang có một vài lỗ hổng. Từ đó, TikToker vẽ ra đủ mẹo để dạy học sinh khoanh lụi. Cô đề xuất Bộ GD&ĐT cũng như các giáo viên cần ngăn chặn hiện tượng này ngay từ bước ra đề.
Cô giáo lấy ví dụ với những mẹo làm bài thi tiếng Anh được dựa trên các dấu hiệu như “đáp án có chứa become, however thì khoanh”, “đáp án có who, whom, which thì khoanh”..., người ra đề cần cân nhắc để đổi mới hình thức.
Ngoài ra, ban ra đề cũng có thể cử thêm người để “kiểm đề lần 2” như một cách để rà soát những dạng đề lặp đi lặp lại - dạng đã quá quen thuộc với học sinh. Cô tin rằng ban ra đề của Bộ GD&ĐT sẽ có những người có đủ chuyên môn và kiến thức sâu rộng để đổi mới hình thức ra đề thi trong thời gian tới để tránh được tình trạng làm bài thi theo mẹo, không cần học mà vẫn đạt điểm cao.
Cùng góc nhìn, trao đổi với Tri thức - Znews, TS Đỗ Viết Tuân (giáo viên dạy Toán tại Hà Nội) đánh giá do việc làm ngân hàng câu hỏi chưa tốt ở một số đề thi như hiện nay, thí sinh có thể dùng mẹo để lựa chọn đáp án đúng.
Tuy nhiên, TS Tuân chia sẻ tín hiệu tích cực là đề thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã đã khắc phục khá tốt tình trạng học mẹo, học khoanh lụi như hiện nay.
“Đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT với cấu trúc mới chắc chắn sẽ hạn chế cách học ‘tiêu cực’ như một số video được chia sẻ trên mạng xã hội. Thực tế, khi triển khai thử nghiệm đề thi mới, kết quả thi đã thấp hẳn so với cách thi hoàn toàn trắc nghiệm. Điều này sẽ hướng thầy cô và học sinh đến cách học hiểu bản chất vấn đề, hạn chế các hình thức học không ổn như hiện nay”, TS Tuân đánh giá.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 có thêm 2 dạng trắc nghiệm mới, đó là dạng câu hỏi trả lời đúng sai và dạng trả lời ngắn. Với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn Toán), 2,35 điểm (Lý, Hóa, Sinh…).
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Điểm thi THPT 2022
Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học
Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.
Hơn 11.500 thí sinh tranh suất sớm vào trường Sư phạm
Sáng 11/5, hơn 11.500 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tranh suất vào các trường Sư phạm trên cả nước.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2023 khoảng 43.300 em.
Tỷ lệ chọi vào trường chuyên Hà Nội giảm mạnh, có lớp giảm hơn một nửa
Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, tỷ lệ chọi vào 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên của thành phố giảm mạnh.
IDP lên tiếng vụ cấp 56.200 chứng chỉ IELTS không hợp lệ
Bộ GD&ĐT nói 56.200 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ, song đơn vị này khẳng định số chứng chỉ này được 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.