FBI xác nhận vụ nổ súng ở bang Pennsylvania ngày 13/7 là một âm mưu ám sát bất thành nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: New York Times. |
Trong tương lai gần, nỗ lực ngăn chặn mọi hành vi bạo lực tại đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee, Wisconsin, vào tuần này sẽ gia tăng, sau khi vụ ám sát bất thành nhằm vào ông Trump xảy ra hôm 13/7, theo Guardian.
Tờ báo này nhận định với sự lơ là an ninh đáng kinh ngạc tại cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania - nơi chứng kiến một tay súng liên tục bắn vào ông Trump từ nóc tòa nhà gần đó, nỗ lực an ninh ở Milwaukee sẽ được thắt chặt hơn nữa.
Một quan chức liên bang cấp cao nói với NBC rằng kế hoạch an ninh của Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đang được xem xét lại sau vụ ám sát bất thành trên.
Hai người đồng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump là Susie Wiles và Chris LaCivita cũng gửi biên bản sau vụ xả súng cho nhân viên chiến dịch.
Họ xác nhận đại hội RNC sẽ tiếp tục diễn ra theo kế hoạch, mặc dù yêu cầu nhân viên tránh các văn phòng chiến dịch ở Washington và Florida "khi chúng được kiểm tra, đánh giá" và "tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh vũ trang với sĩ quan túc trực 24/7 tại chỗ".
“Tôi và nhân viên đang liên lạc với người điều phối kế hoạch an ninh cho RNC và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ khi chúng tôi tìm hiểu thêm về tình hình”, thống đốc Wisconsin - Tony Evers - cho biết trên mạng xã hội.
Ông Trump được hộ tống vào xe sau vụ nổ súng. Ảnh: New York Times. |
Tác động tới chiến dịch tranh cử
Tuy nhiên, ngay cả khi đại hội RNC diễn ra, nó cũng gặp phải thách thức lớn trước “cuộc chiến văn hóa” về súng đạn - thường là vấn đề tranh luận nóng trên chính trường Mỹ.
Mỹ nổi tiếng với luật súng lỏng lẻo và sự kiện đại hội đảng Cộng hòa lần này có thể là tâm điểm mới của cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng - điều mà nhiều người thuộc đảng Cộng hòa trước đó ủng hộ.
Theo Cơ quan Mật vụ Mỹ, súng sẽ không được phép mang vào bên trong không gian sự kiện chính của Diễn đàn Fiserv, tòa nhà nơi diễn ra sự kiện của RNC, hoặc trong "khu vực cứng" xung quanh hội nghị - nơi yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân để vào.
Nhưng theo luật Wisconsin, hầu hết loại súng sẽ không bị cấm ở khu vực bên ngoài ranh giới đại hội, vì luật tiểu bang ngăn cấm thành phố Milwaukee ban hành lệnh như vậy.
Nỗ lực tại địa phương để thay đổi điều này đã thất bại vào đầu năm nay.
Vũ khí nghi phạm sử dụng được cho là AR-15 - mẫu súng trường phổ biến nhất nước Mỹ. Ảnh: Topwar. |
Tác động rộng hơn của vụ xả súng đối với chiến dịch tranh cử tổng thống cũng có thể đáng chú ý.
Ông Trump từ lâu đã có thói quen tổ chức các cuộc vận động thường xuyên trên khắp đất nước. Những sự kiện như vậy có thể thu hút hàng chục nghìn người.
Tuy nhiên sau vụ việc, vẫn chưa rõ liệu vị cựu tổng thống Mỹ này có hủy bỏ sự kiện trong tương lai hay tiếp tục tăng cường chiến lược của mình.
Trong biên bản, các nhà quản lý chiến dịch của ông đã cảnh báo nhân viên về "sự phân cực chính trị trong cuộc bầu cử căng thẳng này. Nếu có điều gì đó trông hoặc cảm thấy không ổn, vui lòng báo cáo ngay lập tức để lãnh đạo nhóm an ninh tại chỗ kiểm tra".
Tại New York, cảnh sát đã tăng cường an ninh tại Trump Tower ở Manhattan.
"Vì thận trọng, Sở Cảnh sát thành phố New York (NYPD) đang tăng cường lực lượng đến một số địa điểm nhất định trên khắp 5 quận", thị trưởng thành phố New York Eric Adams viết trên X.
Cuộc khủng hoảng của Cơ quan Mật vụ Mỹ
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao. Điều này xuất phát từ việc Cơ quan Mật vụ Mỹ - đơn vị bảo vệ ông Biden với tư cách là tổng thống Mỹ hiện tại - cũng như ông Trump - với tư cách là cựu tổng thống và ứng cử viên - không ngăn chặn được vụ nổ súng.
Nhân viên mật vụ che cho ông Trump ngay sau khi có về tiếng súng tại cuộc vận động tranh cử. Ảnh: Doug Mills/New York Times. |
Vụ nổ súng ở Pennsylvania có thể là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất của Cơ quan Mật vụ Mỹ kể từ khi cựu Tổng thống Ronald Reagan bị đối tượng tâm thần bắn vào năm 1981 để gây ấn tượng với nữ diễn viên Jodie Foster. Ông Reagan sống sót sau vụ tấn công.
Sau vụ việc, nhiều lời chỉ trích nhắm vào Cơ quan Mật vụ Mỹ vì đã để kẻ xả súng tiếp cận đủ gần và bắn ông Trump.
Cơ quan này phủ nhận tin đồn họ từ chối yêu cầu tăng cường an ninh cho ông Trump những ngày gần đây.
"Điều này hoàn toàn sai", người phát ngôn Anthony Guglielmi cho biết. "Trên thực tế, chúng tôi đã bổ sung các nguồn lực bảo vệ, công nghệ, năng lực để phù hợp với việc tăng cường tần suất và tốc độ di chuyển trong chiến dịch tranh cử".
Dù vậy, Ủy ban giám sát tại Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo cho biết họ sẽ triệu tập giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle để làm chứng tại phiên điều trần vào ngày 22/7.
Họ không hề che giấu sự tức giận của mình về vụ tấn công.
"Người Mỹ yêu cầu câu trả lời về vụ ám sát cựu Tổng thống Trump", ban hội thẩm cho biết trong tuyên bố trên mạng xã hội.
Bạo lực chính trị cũng từng ảnh hưởng đến một số thành viên đảng Dân chủ. Cựu nghị sĩ Gabby Giffords đã bị thương năm 2011 trong vụ xả súng hàng loạt tại sự kiện tiếp xúc cử tri.
Trong khi đó, người chồng 84 tuổi của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bị tấn công tại nhà riêng bởi kẻ đột nhập hôm 28/10/2022. Đối tượng đã dùng búa và ông Pelosi phải trải qua ca phẫu thuật để điều trị vết thương gây nứt hộp sọ cùng vết thương ở tay.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.