Theo Guardian, tính đến ngày 12/6, Vương Quốc Anh đã xác định 470 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó, 104 trường hợp là ở Anh. Các chuyên gia cảnh báo có thể cần thêm hành động để ngăn chặn sự lây lan này.
Dịch đang vượt tầm kiểm soát
Giáo sư Paul Hunter, Đại học East Anglia, Anh, nhận định: “Hiện tại không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát".
Các ca mắc chủ yếu là nam giới đồng tính, lưỡng tính hoặc có quan hệ tình dục đồng giới. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cảnh báo bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ và virus lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc gần gũi.
Vaccine đậu mùa cũng đang được tiêm chủng cho những người tiếp xúc gần nguồn lây trong vòng 4 ngày để ngăn ngừa, giảm bớt tác động của nhiễm trùng. Ở một số trường hợp, vaccine cũng được tiêm trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc để giảm triệu chứng nếu xảy ra lây nhiễm. Hiện tại, không có vaccine dành riêng cho đậu mùa khỉ, do đó, chúng ta chỉ có thể tiêm vaccine đậu mùa như một cách để dự phòng.
Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. Ảnh: CDC. |
GS Hunter cho hay: “Tôi dự đoán nếu không kiểm soát sớm đợt bùng phát này, khả năng phải tiêm phòng cho tất cả nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và có thể là cả phụ nữ bán dâm”.
Giáo sư Jimmy Whitworth, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cũng nêu lên những lo ngại. Ông nói: “Số ca mắc mới cho thấy chúng ta vẫn chưa kiểm soát được dịch đậu mùa khỉ". Vị chuyên gia cảnh báo phải xem xét xu hướng của các ca bệnh trong thời gian dài hơn. Số ca mắc sẽ giảm khi đường lây truyền được kiểm soát.
Dù vậy, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đây là đợt bùng phát rất khó kiểm soát. “Có vẻ như đã có một số sự kiện gây phát tán virus rộng và tạo điều kiện cho bệnh lây lan nhanh sang nhiều quốc gia. Có những chuỗi lây truyền cho thấy đã có một số trường hợp không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng nhưng vẫn lây cho người khác và không bị phát hiện", GS Jimmy nói.
Theo GS Hunter, điều này có thể do nhiều yếu tố tác động. Chuyên gia này bày tỏ: “Điều khiến tôi lo lắng nhất là với căn bệnh có thể gây kỳ thị, nhiều người mắc bệnh không thực sự trung thực khi khai báo tiếp xúc. Nếu như vậy, việc tiếp cận tiêm chủng và giáo dục cộng đồng có thể không thực hiện được".
Mối quan tâm khác của ông là sự tuân thủ khi cách ly của người bệnh: “Với những người không công khai giới tính, việc tự cách ly 21 ngày không khác gì họ tự thú nhận". Tình huống này rất nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là với những người đàn ông lưỡng tính không công khai với bạn gái.
Các chuyên gia cho hay việc kiểm soát đậu mùa khỉ khá khó khăn vì nhiều người không biết thông tin về bạn tình hoặc ngại khai báo. Ảnh: Freepik. |
Nhiều thách thức để kiểm soát dịch
Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh (UKHSA), những người đã được xét nghiệm thường được thông báo về kết quả trong vòng 24 giờ, sau đó là truy vết, cách ly và tiêm chủng (nếu có).
Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức của họ khi quản lý bệnh nhân. Hầu hết người bệnh trải qua "tình một đêm", họ không rõ thông tin cá nhân của bạn tình.
Tiến sĩ Michael Head, thành viên nghiên cứu cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, nhận định có một tín hiệu nhỏ cho thấy đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở Anh đang chậm lại, mặc dù điều này chưa chắc chắn. Đó là sự lây truyền dựa hiện tại trên sự tiếp xúc rất gần. Điều này khiến việc dập dịch ít phức tạp như Covid-19. Có thể đợt bùng phát đậu mùa khỉ tại Anh sẽ được dập tắt trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Trong khi đó, tiến sĩ Hugh Adler, Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, lại có cái nhìn tích cực về số ca bệnh đang gia tăng: “Có thể điều này phản ánh mọi người đang được tiếp cận với thông điệp về sức khỏe cộng đồng tốt hơn".
TS Adler cho rằng tiêm chủng không phù hợp với tất cả người tiếp xúc nguồn lây, đặc biệt khi họ không có tiếp xúc gần gũi hoặc thân mật. Thay vào đó, những cá nhân như vậy có thể được theo dõi triệu chứng.
“Nguy cơ của họ rất thấp nên việc tiêm chủng sẽ không phải là điều phù hợp với họ. Nguồn cung cấp vaccine khá hạn chế và vaccine có nhiều tác dụng phụ", ông nói.
Theo báo cáo của WHO, trong hai tuần gần đây, số ca mắc đậu mùa khỉ đều tăng 64-65%/tuần. Tính đến ngày 17/6, tổ chức này đã nhận được báo cáo về 2.103 trường hợp ở 42 quốc gia ở 5 khu vực WHO quản lý. Đây đều là những quốc gia chưa từng phát hiện người mắc đậu mùa khỉ trước đó.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát này, ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận ở Nigeria. Theo The Guardian Nigeria, nạn nhân 40 tuổi, mắc nhiều bệnh lý khác và đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Nigeria cũng đã phát hiện 21 ca mắc tính đến cuối tháng 5.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).