Đến 15h ngày 30/1, hơn 7.000 người nhiễm virus corona. Trong đó, 170 ca tử vong. Theo SCMP, Trung Quốc đang phải đối mặt dịch bệnh quy mô và mức độ nguy hiểm lớn hơn SARS. Trong đó, số ca nhiễm virus viêm phổi tại Trung Quốc đại lục đã vượt số người mắc hội chứng hô hấp cấp tính năm 2002-2003.
WHO đã 2 lần từ chối cảnh báo corona là trường hợp khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch, nhiều chuyên gia trên thế giới kêu gọi tổ chức này xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Hitoshi Oshitani, cựu cố vấn giám sát và ứng phó bệnh truyền nhiễm khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, thành viên khoa Virus (Đại học Tohoku Nhật Bản), cho rằng một nguy cơ đáng báo động có thể xảy ra.
Virus corona đang lây lan nhanh ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
“WHO nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC)”, ông Hitoshi nêu quan điểm. Trước đó, WHO chưa tuyên bố vì PHEIC dựa trên nguy cơ lây lan quốc tế.
Chuyên gia về virus của Nhật Bản nhấn mạnh mối lo về sự lây lan nhanh chóng của corona trên toàn thế giới trong tuần qua. Việc kiểm soát virus mới khó khăn hơn so với SARS, bởi bệnh nhân có khả năng truyền bệnh ngay cả khi chưa có triệu chứng. Điều đó đồng nghĩa các biện pháp đang thực hiện có thể không ngăn được virus lây lan.
Amesh Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết các quốc gia khác (ngoài Trung Quốc) cần tăng quy mô và nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Ông Amesh cũng hy vọng WHO sớm đưa ra báo động.
Được biết, 16 chuyên gia độc lập trong ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ tư vấn cho Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus về quyết định này và đưa ra các khuyến nghị để quản lý ổ dịch.