Sau 6 tháng ly hôn, vợ chồng chị C. suy nghĩ lại và bày tỏ nguyện vọng được quay lại. Người phụ nữ thắc mắc liệu mong muốn của vợ chồng mình có thể được pháp luật đáp ứng hay không.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật) cho biết dựa theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nguyện vọng của vợ chồng chị C. có thể thực hiện được.
Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: Hoàng Linh. |
Khoản 2, điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng đã ly hôn có thể xác lập lại quan hệ vợ chồng. Trong trường hợp này, 2 người phải đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Sau khi bản án, quyết định cho ly hôn của tòa án có hiệu lực thì quan hệ vợ chồng đã hoàn toàn chấm dứt. Nếu vợ chồng chị C. muốn xác lập lại quan hệ để được Nhà nước công nhận là vợ chồng hợp pháp, đảm bảo quyền và lợi ích thì anh chị phải đi đăng ký kết hôn.
Để có thể đăng ký kết hôn, anh chị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như năm từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do tự nguyện và không ai trong hai người bị mất năng lực hành vi dân sự.
Ngoài ra, việc kết hôn không được thuộc một trong các trường hợp bị pháp luật cấm như kết hôn giả tạo, tảo hôn, lừa dối, cưỡng ép kết hôn hay kết hôn với người đang có vợ, chồng.
Theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, hồ sơ để tiến hành thủ tục tái hôn gồm có các giấy tờ sau: Tờ đăng ký kết hôn Theo mẫu ban hành kèm theo thông tư 15/2015/TT-BTP; Giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Quyết định, bản án ly hôn của tòa án.