Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái 17 tuổi đam mê nhuộm xương động vật

Tự gọi mình là "cô thợ xác", Mai Phương dành nhiều năm đam mê tiêu bản nhuộm xương và có thu nhập khá từ việc bán những sản phẩm mình làm ra.

"Dạo này mình bị 'cấm cửa' phòng lab (phòng thí nghiệm - PV) rồi vì năm nay lên lớp 12, bố mẹ dặn phải tập trung học tập. Nhưng mà sau giờ học, nhiều lúc mình vẫn lén ngâm cái này, tách cái kia vì hôm nào không được làm là mình cảm thấy bứt rứt, ngứa ngáy tay chân lắm", Trần Thị Mai Phương (sinh năm 2004, Hải Dương) hóm hỉnh, mở đầu cuộc trò chuyện với Zing.

Sở thích Phương nói đến là làm tiêu bản nhuộm xương (Diaphonization). Đây là quá trình sử dụng các hóa chất để làm trong suốt phần thịt của tiêu bản, nhuộm màu cho phần xương và mô/sụn. Động vật làm tiêu bản nhuộm xương thường là các loài có kích thước nhỏ như bò sát, chim, cá nhỏ...

Đối với Phương, tiêu bản nhuộm xương là thứ giúp cô cảm thấy tự tin hơn vào bản thân, cảm nhận được sự ủng hộ từ mọi người và cho thấy một con vật khi qua đời cũng có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật.

co gai lam tieu ban nhuom xuong anh 1

Mai Phương có đam mê làm tiêu bản nhuộm xương các loài động vật từ nhỏ.

Đầu tư phòng thí nghiệm để theo đuổi sở thích

Trong một lần lướt Internet năm lớp 1, Phương tình cờ bắt gặp hình ảnh những con vật trong suốt, phần xương có nhiều màu sắc sặc sỡ và cảm thấy hứng thú. Tự tìm hiểu thêm, cô biết tên gọi cụ thể của chúng là tiêu bản nhuộm xương cũng như cách chúng được làm ra như thế nào.

"Từ nhỏ, tính mình cũng không thích chơi những thứ đại trà, cái nào càng độc lạ càng thích. Mình từng nuôi rắn, rùa, kỳ đà, tắc kè, trăn hay thậm chí là đại bàng nên khá dạn dĩ".

Tuy nhiên, phải đến năm lớp 8, Phương mới chính thức theo đuổi sở thích này vì quá trình làm không hề đơn giản cũng như liên quan đến nhiều loại hóa chất. Ủng hộ con, bố Phương xây hẳn một phòng thí nghiệm, chuẩn bị đồ bảo hộ, dụng cụ để con gái có nơi thỏa sức mày mò.

100% nguồn nguyên liệu động vật để làm tiêu bản của nữ sinh Hải Dương là các con vật đã chết, được cô xin từ người quen, các cửa hàng bán thú cưng hay mua ở chợ. Ngoài ra, nhiều bạn bè của Phương có thú nuôi bò sát, khi chúng không may qua đời cũng đưa cho cô nhuộm xương để giữ kỷ niệm.

"Mình không bao giờ giết hại con vật gì để làm tiêu bản bởi bản thân cũng là người rất yêu động vật. Biết sở thích của mình, mẹ cũng hay đi xin chỗ nọ chỗ kia khi nghe tin có xác động vật nhỏ người khác định đem bỏ".

Nói một cách đơn giản, từ cái xác ban đầu, Phương sẽ sử dụng một số hóa chất để tẩy đi protein trong mẫu vật, làm lớp da thịt trở nên trong suốt sau đó mới nhuộm xương. Tuy nhiên ở mỗi khâu lại có hàng chục bước nhỏ, việc pha chế hóa chất cũng phải đúng liều lượng để cho ra kết quả tốt nhất.

"Mình nghĩ bước quan trọng nhất là tẩy vì nó sẽ quyết định phần da có trở nên trong suốt, nhìn thấy được bên trong hay không. Màu của xương cũng sẽ do các hóa chất ở bước này quyết định. Chỉ cần sai sót một chút là có thể làm hỏng cả mẫu vật, không thể sửa chữa".

co gai lam tieu ban nhuom xuong anh 7

Phương chỉ sử dụng động vật không may đã chết để làm tiêu bản chứ không giết hại.

Sau khi hoàn thành việc nhuộm xương, tiêu bản sẽ thường được bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy chứa dung dịch Glycerol. Nếu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhiệt độ, nắp đậy kín và tránh dính bụi, tiêu bản có thể bảo quản được vĩnh viễn.

Thời gian đầu, Phương chủ yếu tự học cách làm qua YouTube nhưng làm hỏng rất nhiều vì chưa nắm được kỹ thuật và các hướng dẫn trên đó cũng không quá chính xác và chi tiết. Sau đó, Phương tham gia một số hội nhóm về tiêu bản xương ở nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm và mua tài liệu về học thêm cũng như tự rút kinh nghiệm, cô dần làm chủ được quá trình.

Đam mê suốt đời

Thông thường, một tiêu bản nhuộm xương mất khoảng 1 tháng để hoàn thiện song cũng có nhiều mẫu cần vài tháng tới nửa năm, thậm chí hơn. Vì vậy, người chơi bộ môn này ngoài kiến thức, sự tỉ mỉ cần có tính kiên nhẫn.

Ngoài ra, các hóa chất được sử dụng khá khó tìm và đắt, phần lớn Phương phải đặt mua từ Ấn Độ, Mỹ, tại Việt Nam chỉ bán sẵn một số loại cơ bản.

Khoảng nửa tháng nay, ngoài bảo quản trong dung dịch Glycerol, Phương còn đổ nhựa Resin vào tiêu bản sau đó tạo hình thành móc chìa khóa hay trang sức. Theo nữ sinh, phương pháp này thậm chí yêu cầu độ khó cao hơn vì nếu không cẩn thận có thể tác động đến các hóa chất đã ngấm vào tiêu bản trước đó, làm hỏng tất cả.

Sau gần 5 năm theo đuổi, Mai Phương hiện là cái tên khá có tiếng trong cộng đồng chơi tiêu bản ở Việt Nam với gia tài khoảng 3.000 mẫu. Cô cũng có việc kinh doanh ổn định từ việc bán những sản phẩm tự làm.

"99% khách hàng của mình là người nước ngoài, chỉ số ít là người Việt. Phần lớn khách cũng phải đặt hàng trước vì mình ít khi có sẵn, làm đến đâu đều bán hết tới đó. Có tháng, mình làm cả trăm con chuột nhỏ một lúc".

Một mẫu tiêu bản nguyên con thường có giá 1-12 triệu đồng, các mẫu bộ phận như tay, chân hay đuôi lẻ có giá 500.000-700.000 đồng. Theo Phương, giá thành tiêu bản sẽ phụ thuộc vào kích thước, loại động vật, màu của xương (màu hồng giá rẻ nhất, sau đó là xanh hồng rồi xanh lá cây, vàng) cũng như các yêu cầu, yếu tố khác.

Đặc biệt, Phương từng bán một cặp tiêu bản cá mập con với giá 50 triệu đồng cho một vị khách ở Phú Quốc.

"Có thể kiếm ra tiền từ sở thích, mình thấy rất vui. Nhờ nguồn thu này, mình có thể tự lo tiền mua hóa chất, dụng cụ hay chi tiêu cá nhân, đóng học phí và đôi khi mua quà tặng bố mẹ".

Nữ sinh 17 tuổi xác định làm tiêu bản nhuộm xương là niềm đam mê cả đời của mình và sẽ cố gắng duy trì nó. Sắp tới, cô dự định thi đại học chuyên ngành kinh tế để có thêm kiến thức về kinh doanh, hỗ trợ công việc buôn bán tiêu bản sau này.

Một năm trắng tay của người trẻ

Cuộc sống, công việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều người trẻ xem 2021 là một năm khó khăn chưa từng thấy song cũng giúp họ rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm