Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơn đau thắt ngực cảnh báo bệnh gì?

Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi người bệnh gắng sức, làm việc nặng hoặc căng thẳng, stress tâm lý.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo cơn đau thắt ngực dữ dội và bất chợt có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm.

Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm

Bác sĩ Trần Hòa cho biết đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình của bệnh lý động mạch vành. Theo nhiều nghiên cứu, bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới (khoảng 30%), cao hơn hẳn các bệnh lý khác như nhiễm trùng, lao, ung thư…

Các cơn đau thắt ngực được chia thành 2 nhóm chính: ổn định và không ổn định. Trong đó, đau thắt ngực ổn định xuất hiện khi người bệnh gắng sức, làm việc nặng hoặc căng thẳng, stress tâm lý.

canh bao con dau that nguc anh 1

Đau thắt ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm liên quan tim mạch. Ảnh minh họa: Medical News Today.

Khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch sẽ làm giảm cơn đau. Cơn đau có thể kéo dài vài phút, vài lần trong ngày hoặc vài ngày, vài tuần mới xuất hiện một lần.

Trái lại, đau thắt ngực không ổn định có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi. Cơn đau có thể kéo dài trên 20 phút, mức độ dữ dội, có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác như khó thở, vã mồ hôi, choáng váng, buồn nôn, ngất lịm…

"Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng cấp cứu, có thể đe dọa tính mạng người bệnh, cần đến bệnh viện sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Hòa cảnh báo.

Bác sĩ này cũng chia sẻ về một trường hợp nam bệnh nhân khá trẻ (30 tuổi, ngụ TP.HCM) được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành từ cơn đau thắt ngực không ổn định thoáng qua.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân này thường xuyên bị đau tức vùng sau xương ức, có cảm giác nghẹn và khó thở sau khi chơi thể thao. Do cơn đau thoáng qua, người đàn ông chủ quan không đi kiểm tra.

Thời gian sau, tần suất đau ngực ngày càng tăng, anh bị đau ngay cả khi nghỉ ngơi.

"Qua kết quả chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán đây là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực không ổn định, động mạch vành hẹp 80%. Nam bệnh nhân được can thiệp đặt stent và uống thuốc điều trị kịp thời", bác sĩ Hòa nói.

Nguyên nhân gây đau thắt ngực

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Thành, khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đau thắt ngực có nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là do xơ vữa động mạch vành dẫn đến tình trạng trái tim bị thiếu oxy.

Nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch vành là quá trình lắng đọng và tích tụ cholesterol trong thời gian dài. Vì vậy, đau thắt ngực thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người bệnh trẻ tuổi cũng xuất hiện bệnh động mạch vành.

Nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đau thắt ngực cũng như bệnh động mạch vành.

Yếu tố nguy cơ Yếu tố không thay đổi Yếu tố có thể thay đổi
Tình trạng bệnh

- Lớn tuổi

- Nam giới

- Tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch sớm

- Tăng huyết áp

- Rối loạn lipid máu

- Đái tháo đường

- Hút thuốc lá

- Béo phì, lối sống ít vận động

Đau thắt ngực ổn định thường xuất hiện trong thời gian ngắn, tần suất thấp và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Tuy nhiên, với trường hợp đau thắt ngực cấp tính (đau không ổn định), nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ nhồi máu cơ tim (do bệnh mạch vành cấp), rối loạn nhịp tim, gây ngưng tim hoặc đột tử.

Để điều trị cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành, ngoài can thiệp y khoa, người bệnh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý. Chế độ ăn uống thay đổi, hạn chế cholesterol, ít muối, tăng rau xanh, trái cây, ngũ cốc.

Tùy theo khả năng gắng sức, người bệnh có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, yoga, đạp xe, bơi lội, không hút thuốc lá, tránh thức khuya, stress tâm lý quá mức.

"Với tình huống đau thắt ngực không ổn định, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để có thể tăng khả năng sống sót nếu nhồi máu cơ tim xảy ra", bác sĩ Thành cảnh báo.

Nguy cơ nhiễm độc toàn thân khi dùng thuốc sai cách

Sạm da, tiêu chảy kéo dài, tổn thương gan và thận có thể xảy ra ở người bệnh dùng thuốc sai cách.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm