Có 2 giả thuyết về nguồn gốc của phở bò. Một số cho rằng phở có nguồn gốc từ Hà Nội, sau đó lưu truyền ra cả nước. Giả thuyết thứ 2 cho rằng phở bò có nguồn gốc từ Nam Định.
Chọn nguyên liệu
Để nấu được một tô phở ngon, đầu bếp phải đặc biệt kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu. Xương ống để nấu nước lèo phải là loại to, còn cả tủy lẫn thịt.
Trước khi nấu, xương ống phải được tẩy sạch máu bầm bằng cách ngâm trong hỗn hợp vỏ chanh, gừng giã nhỏ, muối hột và nước lạnh. Sau khi ngâm khoảng 2-3 tiếng, xương đã được tẩy trắng.
Nấu nước dùng trong
Nước lèo cần được đun sôi, lớn lửa. Nước phở càng ngọt, càng trong thì phở càng ngon. Đầu bếp vớt váng liên tục và giảm lửa khi nước đã sôi.
Để nước phở thơm hơn, đầu bếp sẽ cho thêm gừng và hành tây đã được nướng sơ. Thịt được hầm từ khoảng 2-3 tiếng, sau đó được vớt ra để đảm bảo độ mềm.
Thịt tái và thịt nạm
Thịt bò để làm phở tái phải là thịt thăn, mềm và tươi, tránh thịt phi lê, thịt bạc nhạc (có lẫn gân). Thịt nạm phải chọn loại có vừa mỡ vừa nạc đều nhau. Khi luộc xong, không nên thái ngay mà phải treo lên cho ráo nước, sau đó bỏ vào tủ lạnh khoảng 2 tiếng để thịt săn lại, dễ thái.
Vị thuốc phở
Thảo mộc là thành phần không thể thiếu của nước lèo. Tùy từng công thức, số lượng cũng như thành phần sẽ khác nhau.
Thông thường thảo mộc để nấu phở Bắc gồm quế, hồi, thảo quả, hột ngò, gừng, hành tím, hoa hồi. Tất cả được đảo đều trên lửa cho đến khi dậy mùi thơm, sau đó nấu cùng với nước lèo trong khoảng 30-45 phút.
Rau thơm
Người Bắc không thể thiếu húng láng, ngò gai, rau mùi khi ăn phở. Hành lá, mùi gai được thái nhuyễn, húng láng cắt nhỏ. Thái tơi hành củ để dậy mùi thơm.
Bánh phở
Bánh phở phải chọn loại sợi nhỏ, dai và được làm theo công thức gia truyền. Những người kỹ tính chỉ dùng gạo mùa, gạo chiêm từ vụ trước để làm bánh phở. Gạo tấm đã hết nhựa đảm bảo cho sợi phở được dai, trắng và thơm.
Trụng phở
Bát để ăn phở phải đủ dày để có thể giữ nóng. Bánh phở được trụng bằng nước lèo nóng. Thịt bò được sắp kín bên trên bánh phở, sau đó cho thêm rau thơm, hành củ. Nước lèo sẽ được cho vào sau cùng.
Bánh quẩy, tương ớt
Tô phở Bắc được ăn cùng tương ớt đỏ, bánh quẩy giòn, không ăn kèm rau sống như phở của người miền Nam hoặc miền Trung.
Trứng tái
Người Bắc cũng thường ăn phở kèm với trứng tái. Có nhiều cách làm, nhưng theo công thức làm trứng onsen của chuỗi phở Ông Khải, trứng gà được ngâm trong nước sôi 80 độ khoảng 15 phút, sau đó ngâm vào nước lạnh trước khi tách ra bát và chan thêm nước lèo, rau thơm, hành.