Ngôi làng Mazan ở vùng Provence, miền Nam nước Pháp, vốn được biết đến với vẻ đẹp yên bình, những con đường hẹp, những ngôi nhà bằng đá có cửa chớp màu xanh hay những vườn nho và cây ăn quả. Nhưng giờ đây, làng Mazan đang được gọi với một cái tên khác - “ngôi làng của những kẻ cưỡng hiếp”.
Những ngày qua, cả nước Pháp chấn động bởi phiên tòa xét xử Dominique Pelicot - người từng là nhân viên môi giới bất động sản, chuyển từ Paris đến Mazan để nghỉ hưu. Dominique bị cáo buộc chuốc thuốc mê vợ của mình - bà Gisèle Pelicot và mời những người đàn ông trên mạng đến cưỡng hiếp bà khi bà bất tỉnh trong phòng ngủ suốt 9 năm (2011-2020).
50 người đàn ông khác cũng đang bị xét xử vì tội cưỡng hiếp cùng Dominique. 30 nghi phạm khác chưa thể xác định danh tính. Những nghi phạm này bị cáo buộc đã tới nhà của gia đình Pelicot, nằm trong một con đường cụt ở rìa làng, để thực hiện hành vi cưỡng hiếp vào ban đêm.
Các nghi phạm, trong độ tuổi từ 26 đến 74, bao gồm một nhân viên giám sát trại giam, một nhà báo, một y tá, một lính cứu hỏa, một quân nhân, tài xế xe tải và nhân viên cửa hàng. Nhiều người trong số họ sống tại Vaucluse, cách làng Mazan khoảng 20 km.
Một số nghi phạm thừa nhận cưỡng hiếp nhưng biện minh rằng họ không có chủ đích, số khác phủ nhận cáo buộc, nói rằng họ tưởng đang tham gia vào một trò chơi của cặp vợ chồng này, theo Guardian.
Bàng hoàng
“Thật kinh hoàng. Vì sao có quá nhiều người liên quan mà không ai biết chuyện này đã xảy ra?”, một giáo viên đã nghỉ hưu, 76 tuổi, sinh ra tại làng Mazan, chia sẻ.
Là một giáo viên và cư dân địa phương, bà vẫn luôn biết rõ mọi người trong làng. Tuy nhiên, trong cộng đồng khoảng 6.400 người ở Mazan, bao gồm cả những người đi làm tại thành phố Avignon hoặc về nghỉ hưu từ Paris, gia đình Pelicot không được biết đến nhiều. Họ cũng không tham gia vào các hiệp hội địa phương.
Dominique đôi khi bị bắt gặp đạp xe vào cuối tuần nhưng ít giao tiếp với mọi người. Hai vợ chồng đã chuyển đến làng Mazan để có một cuộc sống yên bình dưới chân núi Ventoux.
Tuy nhiên, ở tuổi 57, bà Gisèle Pelicot đã trải qua những ngày kinh hoàng khi chồng bà bắt đầu nghiền thuốc, bỏ vào các bữa tối và thực hiện hành vi cưỡng hiếp. Bà thường xuyên bị mất trí nhớ không rõ nguyên nhân, chịu đựng những cơn mệt mỏi cực độ và tự hỏi liệu mình có đang mắc bệnh Alzheimer sớm hay không.
Bà cũng gặp các vấn đề phụ khoa khó hiểu nhưng chưa bao giờ tưởng tượng được chuyện gì đã xảy ra vào ban đêm. Bà mô tả trước tòa rằng những hành động này là “tra tấn” và bị đối xử như một con búp bê vô tri hoặc một “túi rác”.
Ông Dominique Pélicot, 71 tuổi, nhận tội chuốc thuốc mê vợ rồi gọi người về cưỡng hiếp trong suốt 10 năm. Ảnh: Wikipedia. |
Mọi chuyện chỉ bị phơi bày khi Dominique bị một nhân viên bảo vệ bắt quả tang quay lén dưới váy phụ nữ tại một siêu thị ở thị trấn Carpentras gần đó vào tháng 9/2020. Nhân viên bảo vệ đã nhanh chóng liên hệ với cảnh sát. Sau đó, cảnh sát đã thu giữ máy tính của Dominique và bắt đầu điều tra, phát hiện các video về loạt vụ cưỡng hiếp.
Các điều tra viên chuyên trách cho biết nếu không có hành động của nhân viên bảo vệ, vụ việc “có thể vẫn còn tiếp diễn cho đến hôm nay”.
Sau khi vụ án bị phơi bày, người dân làng Mazan đều bàng hoàng. Bà Gisèle Pelicot cho biết không hề quen biết các nghi phạm đã được xác định danh tính. Tại tòa án, bà nói chỉ nhận ra một trong những người đó. Người đàn ông này từng đến nhà để nói về chuyện đạp xe với chồng bà.
“Tôi thường gặp ông ta ở tiệm bánh, chúng tôi chỉ chào hỏi nhau. Tôi không bao giờ nghĩ ông ta lại đến cưỡng hiếp tôi”, bà nói.
Vụ án làm dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt ở Pháp về sự đồng thuận, các phòng chat trực tuyến, phim khiêu dâm và quy mô của bạo lực tình dục. Một số nghi phạm bị thẩm vấn đã biện minh rằng “nếu người chồng có mặt (tại hiện trường) thì không phải là cưỡng hiếp”, hay “đó là vợ ông ta, ông ta có quyền làm bất cứ điều gì với bà ấy”.
Tuy nhiên, bà Gisèle Pelicot, hiện 72 tuổi, đã khẳng định trước tòa rằng bà không thể đồng thuận vì khi đó đã ở trong trạng thái hôn mê. Bà quyết định từ bỏ quyền giấu danh tính để vụ việc được xét xử công khai, nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục.
Làn sóng phẫn nộ
Tại phiên tòa ở Avignon, nhiều phụ nữ đã đến ủng hộ bà Gisèle Pelicot. Họ vỗ tay khi bà bước vào và rời khỏi tòa.
“Tôi đến đây để thể hiện sự ủng hộ với bà Gisèle Pelicot, một người phụ nữ dũng cảm. Chúng ta cần thay đổi, có quá nhiều vấn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Vụ việc này vượt xa tưởng tượng nên tôi muốn đến đây để tìm hiểu rõ hơn”, một trong số những người ủng hộ, bà Martine (68 tuổi), nói.
Bà Gisèle Pelicot đứng giữa các luật sư bên ngoài tòa án tại Avignon, Pháp, hôm 17/9. Ảnh: ZUMA. |
Hàng nghìn phụ nữ cũng tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp để ủng hộ bà Gisèle Pelicot. Tại Avignon, các nhà hoạt động nữ quyền dùng khẩu hiệu “những người đàn ông bình thường, những tội ác kinh hoàng” để nói về vụ việc.
“Điều quan trọng là vụ án này phải được nhắc đến trên toàn thế giới và được phủ sóng nhiều nhất có thể. Chúng ta phải thức tỉnh trước vấn nạn bạo lực tình dục”, một phụ nữ làm việc trong ngành du lịch ở Mazan chia sẻ.
Thị trưởng Mazan, ông Louis Bonnet, cũng nhấn mạnh: “Những gì xảy ra ở đây rất nghiêm trọng và không thể xem nhẹ. Mọi người trong làng đều ghê tởm”.
Ông Bonnet cho biết không ai trong số những người liên quan còn sống tại Mazan, bao gồm cả bà Gisèle Pelicot. Ông cũng khẳng định phiên tòa đã phơi bày phạm vi tội ác rộng lớn và nhấn mạnh những hành vi này có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, trước đó, vị quan chức này đã có những phát ngôn gây tranh cãi, nói rằng "không có ai bị giết" trong vụ việc. Ông Bonnet đã xin lỗi và thừa nhận phát ngôn của mình không “hoàn toàn phù hợp”.
Theo Guardian, những phát ngôn này cho thấy việc nước Pháp đang tụt hậu nghiêm trọng trong việc giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục cả về mặt xã hội lẫn pháp lý.
Bà Anne-Cécile Mailfert, người sáng lập tổ chức nữ quyền Fondation des Femmes, cho rằng việc bình luận như vậy về một phiên tòa thể hiện "những gì tồi tệ nhất mà bạo lực nam giới có thể gây ra", càng cho thấy rõ những thách thức mà phụ nữ đang đối mặt.
“Nó thể hiện rõ ràng những gì chúng ta đang phải đối diện, không chỉ là vấn nạn hiếp dâm mà còn là tình trạng thiếu sự trừng phạt", bà nói.
Bà Anna Toumazoff, một nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền, cũng nhận định: “Đây là một ví dụ cho thấy nam giới vẫn khó có thể hiểu những gì phụ nữ phải đối mặt, và đó mới là vấn đề thực sự".
“Điều đó xuất phát từ một xã hội thất bại trong việc bảo vệ phụ nữ hay coi trọng họ một cách trọn vẹn”, bà nói thêm.