Đến nay, dân gian Huế vẫn còn văng vẳng câu vè: “Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây / Nghề này thì lấy ông làm tiên sư”.
Câu thơ văng vẳng đó càng khiến cuộc đời của vua Khải Định trở nên trớ trêu, mỉa mai hơn trong mắt hậu thế.
Chơi bời, ham mê cờ bạc
Khi vua Thành Thái bị phế truất, người Pháp muốn đưa con trai của Đồng Khánh là Bửu Đảo lên ngôi, với hy vọng sẽ lại có được một ông vua biết “nghe lời” bọn thực dân xâm lược.
Ý định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ hoàng tộc nhà Nguyễn. Lý do là Bửu Đảo lúc ấy đã lớn tuổi nhưng chưa có con, sau này sẽ gây khó khăn trong việc chọn người kế thừa ngôi báu.
Vận may đến với Bửu Đảo khi thời gian sau đó ông sinh được con trai. Hoàng tộc nhà Nguyễn không có lý do phản đối nữa. Bửu Đảo được lên làm vua, lấy niên hiệu là Khải Định.
Khải Định cùng con trai sang Pháp năm 1924. |
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, ngay từ khi còn nhỏ, Khải Định đã nổi tiếng chơi bời, chẳng chịu học hành, chỉ thích bài bạc.
Đến năm 22 tuổi, khi đã được phong làm Phụng Hóa Công, Bửu Đảo vẫn ngày đêm "đốt tiền" ở các sòng bạc, tụ điểm ăn chơi. Có lần, vì thua bài, ông phải gán lại cho chủ sòng 3 người lính hầu.
Khải Định lấy người vợ đầu tiên là con gái của trọng thần Trương Như Cương, khi chưa lên làm vua. Nức tiếng ham mê cờ bạc, bổng lộc không đủ để ăn chơi, Khải Định nhiều lần bắt vợ về xin tiền bố mẹ để ông ta ăn chơi, chuộc nợ.
Có con rể vòi tiền mãi, lại không sinh được con, Khải Định bị ngay chính bố mẹ vợ khinh thường ra mặt. Quan đại thần đồng thời là bố vợ Trương Như Cương có lần giận quá đã gọi ông ta là đồ “bất lực”.
Sau khi Khải Định lên ngôi, bà vợ họ Trương vì chán nản nên đã bỏ đi tu. Đến làng Thanh Thủy (Huế) dựng một ngôi chùa, ngày đêm, bà niệm Phật để quên muộn phiền.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, vua Khải Định có tất cả 12 bà vợ nhưng chỉ có duy nhất một con trai, tức vua Bảo Đại sau này.
Con rối của thực dân Pháp
Sau khi lên ngôi, Khải Định thay đổi y phục, bản thân ông ta lại tự thiết kế trang phục cho mình với những kiểu mẫu “Tây không ra Tây, ta chẳng giống ta”. Điều này khiến vua bị xem như một con rối.
Không từ bỏ thói ăn chơi hưởng lạc, tật xấu này còn được tăng lên nhiều lần khi Khải Định lên làm vua, nắm nhiều tiền của trong tay.
Khải Định đích thị là con rối trong tay thực dân Pháp, ông ta không được quyết định việc chính sự nào. Tất cả đều do Tòa Khâm sứ Pháp quyết định. Khải Định chỉ biết “mũ ni che tai”, ăn chơi phung phí.
Năm 1918, vua Khải Định ra Hà Nội dự lễ khai trương vườn bách thú theo lời mời của Thống sứ Bắc Kỳ. Nhân dịp này, sĩ phu Bắc Hà đã làm thơ chế giễu vua và đám quan lại đầu hàng thực dân Pháp chẳng khác gì những con thú bị ngoại bang giam giữ tại Hà Thành.
Khải Định sang Pháp dự hội chợ thuộc địa ở Marseille năm 1922, đã làm dấy lên nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước nhằm phản đối ông. Chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đã gửi một bức thư dài trách Khải Định 7 tội (Thất điều trần).
Nội dung bức thư có lời lẽ nghiêm khắc, buộc Khải Ðịnh phải thoái vị nhường quyền lại cho quốc dân và kể bảy tội nhà vua đã làm và đáng tội chém đầu. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch “Con rồng tre” và truyện ngắn “Vi hành” để đả kích, châm biếm ông vua tay sai hèn kém.
Tháng 9/1924, Khải Định tổ chức lễ mừng thọ 40 tuổi của mình hết sức linh đình, tốn kém. Vua ban dụ phải xây dựng trước cửa Ngọ Môn một lầu 3 gian, và một lầu 2 gian khác để trưng bày các lễ vật cung tiến của hoàng thân quốc thích.
Chưa thỏa mãn, vua còn cho xây thêm 6 đặc lâu để trưng bảy phẩm vật tiến cống của quan lại địa phương. Vậy là, những người được dự lễ tha hồ bày tỏ lòng thành với vua bằng những món đồ xa hoa, lãng phí. Hành động này của ông vua bù nhìn khiến nhân sĩ cả nước hết sức căm giận.
Sau đại lễ tốn kém của Khải Định, thực dân Pháp lấy cớ tăng thuế thêm 30%. Sưu cao thuế nặng đánh tận xương tủy quần chúng, nhân dân ai cũng oán trách.
Nghe lời thực dân Pháp vô điều kiện, Khải Định được chiều chuộng. Tất cả yêu cầu “chính đáng” phục vụ thói ăn chơi xa xỉ của ông ta đều được người Pháp tạo điều kiện.
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, trong lịch sử Việt Nam, Khải Định chính là ông vua để lại nhiều công trình phục vụ thói ăn chơi vô độ của mình nhất. Tiêu biểu trong số đó là Ứng Lăng - lăng tẩm của chính ông vua này.
Sau một thời gian ốm nặng, Khải Định qua đời vào ngày 6/11/1925, thọ 41 tuổi, sau 10 năm làm vua triều Nguyễn.
Nghe tin Khải Định qua đời, nhân sĩ trong nước làm thơ rằng: Ông vội đi đâu, bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ cơm, bỏ rượu, bỏ con hát thầy tăng, bỏ hết phong lưu trong một kiếp.
Nhiều người thắc mắc tại sao trong câu thơ lại có từ “thầy tăng”, hỏi mãi mới hiểu thâm ý của các cụ nho: “Thầy tăng” nói lái lại là “Thằng Tây”!