![]() |
Khi nhập viện, da toàn thân người bệnh đỏ, sưng nề, khô da, nứt nẽ, chảy dịch mủ lẫn máu, vảy da, vảy tiết đóng từng lớp từng mảng. Ảnh: BVCC. |
Người đàn ông 42 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng ngứa rát, lở loét toàn thân, da sưng đỏ, nứt nẻ, chảy dịch mủ lẫn máu.
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng hai tuần trước nhập viện, ông bắt đầu thấy ngứa, nổi dát đỏ ở tay và chân. Nghĩ rằng chỉ bị dị ứng nhẹ, người đàn ông tự chữa bằng cách hái lá rừng nấu nước tắm. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng, da toàn thân bắt đầu chảy dịch, rớm máu và mủ, bong tróc vảy, ngứa rát dữ dội.
Sau khi điều trị không hiệu quả ở tuyến dưới, bệnh nhân được chuyển đến khoa Da liễu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Tại đây, bác sĩ ghi nhận da toàn thân người bệnh đỏ, sưng nề, đóng vảy tiết thành từng mảng lớn, một số vùng bắt đầu bong tróc. Người đàn ông bị đau rát và ngứa nghiêm trọng.
Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng). Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc kích ứng nặng kèm nhiễm trùng.
May mắn, sau 9 ngày điều trị theo phác đồ gồm bù dịch điện giải, giảm viêm bằng corticoid, thuốc kháng histamin, kháng sinh toàn thân... tổn thương da của người bệnh cải thiện rõ rệt. Da không còn đỏ, sưng nề, các mảng tổn thương khô lại, bong vảy để lộ nền da non, bệnh nhân đỡ ngứa, hết đau rát.
Viêm da tiếp xúc kích ứng là phản ứng viêm không qua cơ chế miễn dịch, xảy ra khi da tiếp xúc với các tác nhân hóa học, thực vật hoặc môi trường. Bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính, tùy thuộc mức độ và thời gian tiếp xúc.
Các tác nhân gây kích ứng thường gặp là chất tẩy rửa, xà phòng, acid, kiềm, chất khử mùi, chất bảo quản. Ngoài ra, một số loại vỏ cây, tinh dầu từ trái cây họ cam chanh, tỏi, gừng, ớt, nước dứa… cũng có thể gây kích ứng nặng nếu da đã bị tổn thương hoặc quá mẫn cảm.
Khi hàng rào bảo vệ của da bị phá vỡ, cơ thể dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn, dẫn đến nhiễm trùng toàn thân. Việc sử dụng các loại lá không rõ nguồn gốc, thành phần hoặc độc tính để tắm càng khiến tổn thương da thêm nặng nề.
Các bác sĩ khuyên người dân nên cẩn trọng khi áp dụng các mẹo dân gian để chữa bệnh da liễu. Khi xuất hiện các biểu hiện bất thường như ngứa, nổi ban, mụn nước, lở loét… người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng chuyên khoa, tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm. Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.