![]() |
Bệnh nhân sởi biến chứng phải thở máy, lọc máu. Ảnh: BVCC. |
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân không qua khỏi là người mắc sởi trên nền phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và đái tháo đường.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, phải lọc máu, chạy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, người này vẫn không qua khỏi.
Hiện mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 10 đến 20 bệnh nhân là người lớn mắc sởi với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi.
Nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não. Phần lớn đều chưa được tiêm phòng hoặc trước có tiêm phòng sởi nhưng không tiêm nhắc lại.
Các trường hợp mắc sởi thường từ 30 đến 50 tuổi và chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi nên khi vào viện thì bệnh đã nặng.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, sởi là bệnh có hệ số lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Vì vậy, người bệnh được chẩn đoán mắc sởi cần ngay lập tức được cách ly để điều trị, tránh lây cho các trường hợp khác.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản,… chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện.
Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc.
Theo bác sĩ Cường, nhiều người chủ quan cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, thực tế bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Để phòng bệnh, các chuyên gia cho hay sởi có thể phòng chống được bằng việc tiêm vaccine. Vaccine sởi có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi. Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR).
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.