Tuần lễ thời trang nam giới Thu - Đông 2020 khiến cộng đồng mạng xôn xao, tạo nên luồng tranh cãi dữ dội từ các nhà phê bình, giới mộ điệu cho đến người xem.
Điều đáng nói chính là việc các nhà mốt danh giá lăng xê những kiểu váy nữ tính cho nam giới. Chưa bao giờ câu chuyện lại được "thổi bùng" và trở thành vấn đề tiêu cực xoay quanh sự bình quyền trong thời trang.
Làn sóng đàn ông mặc váy đã có từ lâu
Với sự phát triển ngày càng đa dạng của ngành thời trang, nhiều quan niệm truyền thống dần bị gỡ bỏ, đồng nghĩa với việc ranh giới giữa trang phục dành cho nam và nữ cũng không còn rõ rệt như xưa.
Khi nữ giới nói rằng họ có thể mặc suit hay phong cách menswear xuống phố thì đàn ông cũng vậy. Chẳng lý do gì ngăn cản họ khoác lên mình những items vốn được cho là dành cho phái đẹp.
Vào thế kỷ 12, đấng mày râu đã mặc váy trong các hoạt động thể thao. Trước hết là tính thực tế của món đồ này giúp cho việc chiến đấu dễ dàng và may váy đơn giản hơn dáng quần rất nhiều.
Nhiều nhà mốt từng lăng xê váy dành cho đàn ông, nhằm xóa bỏ định kiến về giới tính trong thời trang. Ảnh: Loewe, Marc Jacobs, Vogue, Jean Paul Gautier. |
Vào năm 2000, NTK Alexander McQueen lấy cảm hứng từ những chiếc váy kẻ ô dành cho nam ở Scotland để đưa lên sàn diễn. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan cũng từng có buổi triển lãm nghệ thuật mang tên Bravehearts: Men in skirts với mong muốn xóa bỏ định kiến của người đối diện về chuẩn mực của sự nam tính trong thời trang.
Tạp chí Vogue còn nhận định phong trào đàn ông mặc váy bùng lên ở châu Âu phần nào khẳng định sự bình quyền trong xã hội hiện đại. Một số nhà mốt và ngôi sao bắt đầu thúc đẩy phong trào đàn ông mặc váy.
Ví dụ như Jaden Smith diện váy trong chiến dịch thời trang Xuân - Hè 2016 của Louis Vuitton, hay Kanye West kết hợp váy da của Givenchy cùng trang phục trên sân khấu âm nhạc...
Jaden Smith diện váy trong chiến dịch thời trang của Louis Vuitton. Ảnh: Louis Vuitton. |
Những chiếc váy có dành cho đàn ông?
Hình ảnh mẫu nam Gucci khoác lên người những chiếc váy sải bước trên sàn diễn nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người lên tiếng chỉ trích nhà mốt Italy đưa ra thiết kế phi thực tế, khiến người xem có cái nhìn lệch lạc về giới tính và sự chuẩn mực của phái mạnh thời hiện đại.
Riêng tại thị trường Việt Nam, nhiều người cũng cho rằng loạt thiết kế này không phù hợp. Chỉ có số ít khán giả nghĩ rằng đây là cách để xóa bỏ lằn ranh giới tính thông qua ngôn ngữ thời trang.
Từ xưa đến nay, trong tâm trí của nhiều người, thiết kế váy luôn được coi như trang phục đặc quyền của phái đẹp, thể hiện sự nữ tính, mềm mại. Thời trang đang tôn vinh cái nhìn nam tính dành cho phụ nữ với chiếc áo sơ mi oversized hay những bộ suit mang đầy vẻ quyền lực.
Loewe và Gucci lăng xê những kiểu váy lạ mắt dành cho phái mạnh trên sàn diễn thời trang. Ảnh: Vogue. |
Tuy nhiên, nếu đàn ông làm như vậy, họ cũng mượn chiếc váy của phụ nữ để tăng sự phong phú hay cho tinh thần đa dạng trong thời trang lại là vấn đề khác. Mặc dù ngày nay người ta luôn nói về quyền bình đẳng giới như một câu cửa miệng.
Phụ nữ có quyền đấu tranh cho cái gọi là sự nữ quyền bằng thời trang, rõ ràng đàn ông không được chấp nhận khi làm điều đó. Kỳ vọng của những bứt phá trong thời trang nam giới dường như vẫn còn quá nặng nề, một cách cố hữu.
Nhiều nhà thiết kế đang cố gắng phá vỡ sự liên kết giữa quần áo và giới tính bên ngoài địa hạt của thời trang, nơi mà sự nữ tính luôn gắn liền với những chiếc váy để biến sự nổi loạn ấy trở thành hiện thực. Tuy nhiên, định kiến khắt khe của người đối diện dành cho họ lại khiến điều này vẫn mãi luôn nằm trong khuôn khổ trên sàn diễn.
Các nhà mốt thiết kế những món đồ này không dùng để bán, họ trình diễn một ý niệm và sự cởi bỏ giá trị hiện hữu áp đặt vào hai chữ "nam tính". Chấp nhận để xóa bó lằn ranh giới tính được xem như sự cấp tiến trong tư duy, nhưng đâu đó vẫn còn là những câu hỏi dang dở mà chưa một ai có câu trả lời chính xác.
Có chăng khi phụ nữ đòi quyền "thả rông" hay cởi trần như nam giới thì đàn ông cũng nên được phép mặc váy mới là sự công bằng?
Hình ảnh những người đàn ông mặc váy vẫn còn là câu chuyện khá dài, cần thời gian để xã hội chấp nhận. Ảnh: Highsnobiety. |