Tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 đối với lứa tuổi 15-29, sau tai nạn giao thông. Theo Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do nguyên nhân này. Hiện nay, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng. Song người lớn chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.
Tự tử không phải bệnh tâm thần
Trong số thanh thiếu niên 15-19 tuổi, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nữ giới, sau nguyên nhân mang thai ở tuổi vị thành niên. Đây cũng là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở nam sinh sau chấn thương ở trên đường và bạo lực giữa các cá nhân.
Theo WHO, gần 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm, nhiều hơn số người thiệt mạng vì sốt rét, ung thư vú, chiến tranh hoặc do giết người. Tỷ lệ tự tử khác nhau giữa các quốc gia, lứa tuổi và giới tính.
Đầu năm 2021, một nghiên cứu trên 19.000 thanh niên ở Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland phát hiện 7% đã cố gắng tự tử ở độ tuổi 17. Gần 25% tiết lộ chúng tự làm hại bản thân trong thời gian dài, theo Guardian.
Tuổi vị thành niên là giai đoạn nhạy cảm, trẻ phải đối mặt nhiều thay đổi, dễ tổn thương. Ảnh: iStock. |
Tài liệu trên WebMD khẳng định tự tử không phải bệnh tâm thần mà là hậu quả nghiêm trọng của các rối loạn tâm lý và nó có thể điều trị. Tuy nhiên, trẻ có ý định tự tử thường không chia sẻ với bạn bè hoặc người thân xung quanh. Chúng ta cần quan sát kỹ và tìm cách giúp họ thoát khỏi tuyệt vọng.
Ý định tự tử thường xuất phát từ chấn thương hoặc các khủng hoảng trong cuộc sống như sự ra đi của người thân yêu, mất việc, ly hôn, nhận chẩn đoán bệnh nặng hoặc vấn đề tài chính nghiêm trọng…
Ngoài ra, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến trẻ bế tắc trong cách giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát là một cách giải thoát.
Dấu hiệu cảnh báo
Tổ chức National Institutes of Health của Mỹ (NIH) chia các dấu hiệu cảnh báo người có ý định tự tử thành các cấp độ:
Lời nói: Thường xuyên đề cập đến cái chết, cảm giác tội lỗi hoặc hổ thẹn sâu sắc. Một số trẻ luôn ám ảnh việc mình là gánh nặng với gia đình, xã hội, mất đi mục đích sống.
50-70% người đang trong quá trình cân nhắc quyết định có tự tử không sẽ cho người xung quanh dấu hiệu cảnh báo. Họ nói về cái chết, ý định hoặc đe dọa tự sát. Đây là thời điểm họ đang cân nhắc và cần nhận sự giúp đỡ từ người khác. Do đó, mọi dấu hiệu cảnh báo về lời nói cần được xem xét nghiêm túc.
Tâm trạng: Buồn bã hoặc ủ rũ kéo dài, tính cách thất thường, dễ kích động và nổi giận bất ngờ. Ngoài ra, những trẻ nung nấu ý định kết liễu cuộc đời có chung tâm trạng trống rỗng, tuyệt vọng như bị mắc kẹt với các vấn đề của cuộc sống. Họ có nỗi đau tinh thần hoặc thể xác không thể chịu đựng nhưng khó chia sẻ.
Thay đổi hành vi: Nếu bạn thấy một ai đó bất ngờ lập kế hoạch, nghiên cứu về cái chết hoặc nói những điều giả định họ không tồn tại, cần đặc biệt lưu ý. Bạn có thể phát hiện bất thường của họ qua một số thay đổi.
Thông thường, một người có ý định tự tử sẽ bắt đầu bằng việc sắp xếp lại công việc và các mối quan hệ. Họ đột nhiên thăm hỏi bạn bè, thành viên trong gia đình, cho đi tài sản cá nhân, lập di chúc hoặc dọn dẹp nhà cửa. Một số người viết ghi chú trước khi tự sát. Số khác mua súng hoặc thuốc độc, dây thừng.
Những người gặp vấn đề về giấc ngủ hoặc lạm dụng rượu, ma túy, chất kích thích cũng cần được lưu ý.
Theo WebMD, người có ý định tự tử thường trải qua thời gian dài trầm cảm nặng. Sau đó, họ bất ngờ có những hành động mạo hiểm như lái xe nhanh hơn, quan hệ tình dục không an toàn… Ngoài ra, người đó có thể ít quan tâm đến ngoại hình.
Cha mẹ cần là người đồng hành, sẻ chia và tạo cho con cảm giác an toàn, thoát khỏi bóng tối của suy nghĩ tiêu cực. Ảnh: Freepik. |
Ngăn trẻ tự tử
Trẻ nghĩ đến ý định tự tử thường khó mở lời, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Phụ huynh, nhà trường, bạn bè cần là người nhận ra những dấu hiệu bất thường ở trẻ và ngay lập tức có hành động.
Theo Mayo Clinic, đây là lúc phụ huynh cần thẳng thắn trao đổi với trẻ về vấn đề tự tử. Nếu con bạn đang buồn, lo lắng, chán nản hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ hãy hỏi chuyện và tìm hiểu căn nguyên. Chúng ta nên cho trẻ hiểu các con không đơn độc và cha mẹ sẽ luôn bảo vệ các con khỏi những khó khăn, va vấp đầu đời. Đừng bao giờ bỏ qua, dù chỉ hành vi rất nhỏ.
Khi giám sát, đồng hành cùng con, người lớn cần tuân thủ nguyên tắc: Tôn trọng trẻ (không áp đặt, kỳ vọng quá cao vào thành tích học tập của con, không so sánh con với người khác); lắng nghe (tạo sự gần gũi, gắn bó để con có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn); không phán xét; dành nhiều thời gian cho trẻ; bảo mật thông tin của trẻ.
Phụ huynh cần phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí cho con một cách hợp lý, khuyến khích con tập luyện thể dục thể thao. Người lớn cũng cần dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.
Cha mẹ cũng cần theo dõi và thẳng thắn với con về việc sử dụng mạng xã hội. Trên mạng, trẻ có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt, lan truyền tin đồn, bôi nhọ. Nếu con bị tổn thương bởi bất kỳ bài đăng, tin nhắn nào trên mạng xã hội, hãy khuyến khích trẻ trò chuyện với người lớn. Được kết nối, hỗ trợ sẽ giúp con có cảm giác an toàn, dễ mở lòng khi gặp khó khăn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ vị thành niên là áp lực học tập, thi cử. Điều đó luôn khiến trẻ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực, thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.
Thống kê cho thấy ở Việt Nam, 26,3% trẻ vị thành niên bị trầm cảm; 6,3% trẻ có suy nghĩ về cái chết; 4,6% trẻ lập kế hoạch tự tử và 5,8% trẻ cố gắng tự tử.