Thực tập sinh được khuyên nên chủ động hơn trong công việc. Ảnh: Pexels. |
Thực tập không chỉ là đi pha nước và sao chép mọi thứ tiến bối và quản lý đang làm. Bạn nên nhớ rằng trở thành một thực tập sinh xuất sắc cũng giúp bạn tạo dựng mối quan hệ nghề nghiệp lâu dài, giúp bạn nhận được những đề xuất cho các vị trí việc làm, đồng thời dạy bạn những bài học về lĩnh vực bạn đang theo đuổi.
Do đó, thể hiện bản thân, gây ấn tượng với quản lý là những bước quan trọng để giúp bạn thành công hơn trong vai trò thực tập sinh. Dưới đây là 6 điều mà các chuyên gia nghề nghiệp đúc kết cho các sinh viên đang chuẩn bị trở thành thực tập sinh.
1. Gây ấn tượng tốt
Rich DiTieri, Giám đốc điều hành của Startup Institute, nhấn mạnh rằng 2 tháng thực tập rất quan trọng vì thời gian này quyết định sự tồn tại của bạn trong mắt mọi người.
Ăn mặc chỉn chu, đi làm đúng giờ là những cách để gây ấn tượng tốt với mọi người. Ảnh: Pexels. |
Từng thực tập trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, tiếp thị..., ông DiTieri nhận ra rằng việc tạo ấn tượng tốt rất quan trọng với người mới, nhất là thực tập sinh.
"Bạn nên cho quản lý thấy bạn là người nhiệt huyết, nghiêm túc và sẵn sàng gắn bó với công việc", ông DiTieri khuyên.
Ngoài ra, vị giám đốc nói rằng bên cạnh việc ăn mặc chỉn chu, đi làm đúng giờ, các thực tập sinh cũng nên thể hiện mình là người cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và cho sếp thấy bạn đang có điều mà sếp đang cần.
2. Đừng ngại đặt câu hỏi
Lời khuyên mà chuyên gia nghề nghiệp Margaret Buj dành cho các sinh viên sắp đi thực tập là "đừng ngại đặt câu hỏi và hãy ghi chép mọi thứ".
Theo chuyên gia này, việc ghi chép rất quan trọng vì nó giúp bạn ghi nhớ mọi thứ, đồng thời gửi một tín hiệu đến quản lý rằng bạn là người nghiêm túc và rất để tâm đến công việc.
"Ngay trong thời gian đầu thực tập, việc ghi chép sẽ giúp sếp của bạn thấy rằng bạn đang chú ý đến nhiệm vụ và đã gắn bó với công việc ngay từ ngày đầu tiên", bà Buj nêu.
3. Cùng ăn trưa với đồng nghiệp
Đến giờ nghỉ trưa, mọi người đều có nhu cầu ăn trưa hoặc uống cà phê. Khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi này chính là cơ hội tuyệt vời để bạn gắn kết với đồng nghiệp và tìm hiểu nhiều hơn về công ty.
Bà Liz Wessel, Giám đốc điều hành của WayUp - trang web hỗ trợ việc thực tập cho sinh viên, khuyên rằng mỗi thực tập sinh nên tham gia ít nhất một buổi ăn trưa hoặc cà phê cùng đồng nghiệp trong nhóm làm việc.
Những buổi cà phê cùng đồng nghiệp sẽ giúp thực tập sinh gắn kết và hiểu công ty hơn. Ảnh: Pexels. |
Khi tham gia buổi tụ tập này, bạn có thể hỏi về kinh nghiệm làm việc cũng như tầm nhìn của họ về công ty trong tương lai gần...
"Bằng cách kết nối với nhóm đồng nghiệp, bạn sẽ trở nên dễ mến và thân thiện hơn trong mắt mọi người. Điều đó cũng giúp bạn có nhiều cơ hội được tuyển dụng và thăng chức", bà Wessel nói với CNBC.
4. Chủ động đề nghị giúp đỡ
Dù là thực tập sinh, bạn không nên đặt mình ở thế bị động, sếp giao gì mới làm nấy. Thay vào đó, bạn nên chủ động đề nghị giúp đỡ đồng nghiệp nếu bạn tự tin bạn có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ đó.
Bà Liz Wessel tin rằng khi bạn chủ động nhận việc, bạn sẽ có cơ hội gây ấn tượng với đồng nghiệp và cấp trên. Điều này cũng gửi đi một thông điệp rằng bạn đang rất nghiêm túc với kỳ thực tập của mình.
5. Đừng tan làm trong im lặng
Vào cuối ngày, khi đến giờ tan làm, có thể bạn sẽ muốn nhanh chóng thu dọn đồ đạc để về nhà. Tuy nhiên, bà Margaret Buj khuyên rằng các thực tập sinh nên ghé qua bàn của quản lý trước khi về.
Việc ghé qua chỗ quản lý không phải để chào hỏi trước khi về, mà là để hỏi quản lý có thêm yêu cầu gì khác hay không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi quản lý những nhiệm vụ cho ngày mai để chuẩn bị trước. Như vậy, sếp sẽ đánh giá bạn là người biết chuẩn bị cho công việc của mình.
6. Ghi lại những điều đã đạt được
Bà Liz Wessel khuyên các thực tập sinh nên viết ra những điều đã hoàn thành trong tuần thực tập đầu tiên và các tuần sau đó. Mẹo nhỏ này sẽ giúp bạn có thêm tự tin để làm việc.
Ngoài ra, việc ghi lại thành quả của bản thân cũng là cách tốt để bạn chuẩn bị cho quá trình tìm việc toàn thời gian sau này. Khi kết thúc kỳ thực tập, bạn có thể hoàn thiện danh sách kỹ năng, thành tích đạt được và nhờ quản lý viết một lá thư giới thiệu.
"Tự lên danh sách thành tích cũng là cách để bạn tự đảm bảo cơ hội việc làm cho mình sau này", bà Wessel nhấn mạnh.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.