Với hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng lên và lượng khí thải nhà kính cao hơn bao giờ hết, loài người sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng kỷ lục nối tiếp nhau. Ảnh: IEA. |
Lúc này là thời điểm tốt để kinh doanh điều hòa nhiệt độ. Theo Bloomberg, thế giới dự kiến có thêm 1 tỷ thiết bị làm mát được lắp đặt vào cuối thập kỷ này.
Điều hòa nhiệt độ là một trong những công cụ chính mà con người dùng để đối phó với những đợt nắng nóng thường xuyên và dữ dội hơn. Với nhiều người, sở hữu một chiếc điều hòa không chỉ là sự tiện nghi thoải mái, mà đã trở thành vấn đề sống còn.
Thế nhưng, chính điều hòa đang tạo ra một vòng luẩn quẩn: Trái Đất càng nóng lên, chúng ta càng lắp nhiều điều hòa hơn. Trong khi đó, điều hòa có thể bị coi là "kẻ thù" của môi trường, chứa chất làm mát độc hại hơn cả CO2 và tiêu tốn nhiều điện năng, theo Washington Post.
Như vậy, càng có nhiều điều hòa, Trái Đất càng nóng hơn, và rồi chúng ta lại dùng nhiều điều hòa hơn.
Mức nhiệt tối ưu cho con người
Mặc dù điều hòa giúp con người sống thoải mái hơn trong một số môi trường khắc nghiệt, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature cho thấy giống các loài động vật khác, con người cũng có một khoảng nhiệt độ thích hợp nhất.
Khoảng nhiệt thích hợp nhất là mức nhiệt độ trung bình năm đi kèm các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con người. Và nghiên cứu cho thấy hầu hết người dân trên Trái Đất sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 13 độ C hoặc 25 độ C.
Các điều kiện bên ngoài 2 mức nhiệt đó sẽ là quá nóng, quá lạnh hoặc quá khô, thường đi kèm tỷ lệ tử vong cao hơn, sản lượng lương thực thấp hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Những khu vực có mức nhiệt như vậy thường có mật độ dân số thấp hơn, như Trung Đông.
Trên thực tế, những nước ở mức nhiệt 13 độ C cũng có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất. Khi nhiệt độ chệch đi từ mức này, GDP có xu hướng giảm.
Máy điều hòa nằm rải rác trên mặt tiền của khu chung cư People's Park Complex ở khu phố Chinatown của Singapore. Ảnh: Reuters. |
Hàng trăm triệu người phải di cư
Nếu các hành động và chính sách của con người không thay đổi, nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100 dự kiến tăng 2,7 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này sẽ khiến 2 tỷ người - khoảng 22% dân số thế giới phải tiếp xúc với thời tiết nóng chưa từng thấy vào cuối thế kỷ này.
Ấn Độ sẽ trở thành thị trường lớn thứ 2 thế giới về các thiết bị làm mát, sau Trung Quốc, vào năm 2050.
Còn Nigeria sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt dân số, với đa số cư dân phải sống trong thời tiết nóng đến mức nguy hiểm.
Hàng trăm triệu người cũng sẽ bị buộc phải di cư đến những vùng đất vốn không thích hợp cho mật độ dân cư đông đúc. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những hiện tượng như thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài khiến đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, gia tăng dòng người tị nạn môi trường ở Somali. Ảnh: UN. |
Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những khu vực nghèo nhất trên thế giới và có thể không đủ khả năng để thích nghi.
Ông Marten Scheffer, nhà sinh thái học tại Đại học Wageningen ở Hà Lan cho biết: “Sẽ có một bộ phận dân số thế giới nên chuyển đến nơi khác".
Do vậy, điều hòa nhiệt độ không phải là phương tiện hỗ trợ hiệu quả cho một vấn đề mang tính hệ thống và rộng lớn. Tình trạng di cư quy mô lớn do biến đổi khí hậu ở một số khu vực sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Giải pháp
Cách tốt nhất để giữ nhân loại trong môi trường khí hậu tối ưu là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Làm như vậy có nghĩa là giảm gấp 5 lần dân số phải tiếp xúc với sức nóng chưa từng thấy, nghiên cứu ước tính.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sau mốc tăng 1,2 độ C, mỗi sự gia tăng dù là nhỏ nhất sẽ đều có tác động đến nhân loại. Cụ thể, sau mốc 1,2 độ C, cứ mỗi 0,1 độ C tăng lên sẽ khiến 140 triệu người phải tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm.
Nói một cách tích cực hơn, cứ mỗi 0,1 độ C nóng lên mà chúng ta ngăn chặn được, 140 triệu người trên thế giới sẽ không phải rời khỏi nhà của họ.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Kinh tế quốc tế giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.