Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng nghiệp băn khoăn nếu F0 đi làm

Trước đề xuất cho phép F0, F1 làm việc bình thường, một số nhân sự nhận xét "khả thi", số khác lại cho rằng cần tùy thuộc tình hình sức khỏe và chỉ nên làm tại nhà.

Sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm Covid-19 bùng nổ ở nhiều địa phương khiến không ít đơn vị, doanh nghiệp rơi vào cảnh lúng túng vì thiếu hụt nhân sự. Ở cấp độ nhân viên, nhiều người cũng than vãn rằng bản thân phải chịu áp lực, "gánh" việc gấp 2-3 lần bởi đồng nghiệp lần lượt nghỉ ốm.

Mới đây, Bộ Y tế nêu đề xuất cho phép F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly như một biện pháp giúp phần nào giải tỏa 2 vấn đề nêu trên.

Zing đã trò chuyện cùng 5 nhân sự thuộc các ngành nghề khác nhau để lắng nghe phản hồi của từng người về đề xuất này.

Vẫn lo sợ

Nơi làm việc đang gia tăng số lượng lớn F0, F1, điều này có khiến bạn lo sợ?

Phạm Quỳnh (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhân viên chăm sóc khách hàng tại phòng gym): Vài tháng qua, công ty tôi liên tục có các ca F0, F1. Bản thân tôi cũng không may bị nhiễm Covid-19 sau khi tiếp xúc với khách hàng. Dù không còn hoang mang như thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, tôi vẫn lo lắng cho tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình.

Hải Phong (21 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội, quản lý hàng hóa tại cửa hàng thời trang): Từ sau Tết Nguyên đán, hầu hết mọi người ở nơi làm việc của tôi đều mắc Covid-19, hiện chỉ còn khoảng 20% nhân viên, trong đó có tôi, là "F1 bền vững".

Ban đầu, tôi rất lo sợ nguy cơ trở thành F0 nhưng giờ lại thấy bình thường. Virus có tốc độ lây lan nhanh nhưng không còn nguy hiểm như trước đây vì mọi người đều đã tiêm phòng.

de xuat F0 di lam anh 1

Hải Phong cho biết ủng hộ phương án F1 đi làm, nhưng F0 vẫn nên ở nhà. Ảnh: NVCC.

Trâm Anh (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội, chuyên viên tài chính): 8 tháng qua, tôi duy trì làm việc tại nhà chứ quyết không đến văn phòng. Công ty tôi có nhiều người mắc Covid-19, tôi lo ngại có thể lây nhiễm làm ảnh hưởng đến bố mẹ cao tuổi ở nhà.

Nguyễn Văn Ngọc (27 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh, kỹ sư xây dựng): Khoảng 2 tháng trở lại đây, nơi làm việc của tôi xuất hiệu F0, F1 "nhiều không đếm xuể". Làm việc trong tình hình như vậy, tôi có chút lo lắng nhưng cố gắng thích nghi để đảm bảo hiệu quả dự án.

Mai Trang (22 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM, nhân viên bán hàng): Thú thật, tôi không quá lo lắng khi đồng nghiệp trở thành F0 vì ngoài chỗ làm, mỗi nơi chúng ta đi đều là một nguy cơ để tiếp xúc F0 mà.

Điều tôi lo chỉ là tình trạng thiếu người làm thôi. Sau Tết, tôi phải tăng ca liên tục tại cửa hàng vì đồng nghiệp lần lượt mắc Covid-19. Có những hôm tôi phải làm liên tiếp 2 ca (16 tiếng).

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất cho phép F0, F1 làm việc bình thường, bạn suy nghĩ ra sao về tính khả thi của đề xuất này?

Phạm Quỳnh: Tôi hiểu đề xuất cho F0, F1 đi làm có nhiều khía cạnh phù hợp. Tuy nhiên, hậu Covid-19 mới là vấn đề đáng quan tâm.

Theo quy định của công ty tôi, các F0 phải đi làm trở lại khi có kết quả âm tính sau 7 ngày cách ly, điều trị. Điều này khiến tôi khá quan ngại. Với tôi, tới ngày thứ 5-6, tôi vẫn còn ho có đờm, dịch mũi, cơ thể chưa hoàn toàn bình phục dù đã test nhanh âm tính.

de xuat F0 di lam anh 2

Trâm Anh vẫn lo nguy cơ mắc bệnh, gây ảnh hưởng đến gia đình. Ảnh: NVCC.

Hải Phong: Tôi ủng hộ việc F1 đi làm trở lại vì bản thân cũng đã là F1. Nhờ việc phủ sóng vaccine rộng rãi, việc F1 giờ chỉ là nguy cơ lây nhiễm thấp.

Nhưng F0 lại khác, họ có tỷ lệ lây lan cao hơn nhiều. Thay vì tới công ty làm, tôi nghĩ có thể cho phép họ work from home dựa vào tình hình sức khỏe.

Trâm Anh: Sau khi nghe đề xuất cho F0, F1 đi làm, cá nhân tôi thấy lo lắng. Dù vaccine đã được phủ rộng trong cộng đồng, các ca nhiễm mới tuy nhiều nhưng tỷ lệ nguy kịch, tử vong thấp, tôi vẫn lo bị ảnh hưởng sức khỏe trong và sau khi mắc bệnh.

Với tính chất công việc văn phòng, tôi phải dành 8-9 tiếng/ngày ở chỗ làm, tiếp xúc và sử dụng chung những không gian công cộng như nhà ăn, thang máy… với hàng nghìn người, khiến nguy cơ lây nhiễm càng cao hơn.

Hơn nữa, người đã mắc Covid-19 vẫn có khả năng tái nhiễm. Vì thế, tôi vẫn rất đắn đo, muốn chờ thêm quy định và hướng dẫn cụ thể của đề xuất này.

Nguyễn Văn Ngọc: Tôi nghĩ chỉ nên cho F1 đi làm mà thôi, F0 đi làm là quá nguy hiểm với người khác. Ở công ty tôi, F0 hiện tại vẫn được ưu tiên nghỉ ngơi, điều trị, khi nào khỏi hẳn mới đi làm. Sức khỏe có ổn định, họ mới đáp ứng được nhu cầu công việc.

Mai Trang: Hiện tại, cửa hàng tôi vẫn cho phép F1 làm việc. Nhưng tôi nghĩ F0 đi làm là không ổn chút nào vì sức khỏe của họ không tốt, nếu có tốt cũng sẽ gây tâm lý lo sợ, hoang mang cho đồng nghiệp và khách hàng. Sẽ không có khách hàng nào muốn nhân viên là F0 đứng tư vấn sản phẩm cho mình cả.

Nếu phải lựa chọn?

Nếu buộc phải làm việc cùng F0?

Phạm Quỳnh: Tôi nghĩ cần có quy định cụ thể, rõ ràng cho từng ngành nghề về thời gian hoàn thành cách ly và điều trị để F0, F1 yên tâm đi làm, đồng nghiệp và khách hàng cũng an tâm về sức khỏe của mình.

Ví dụ, hiện tại một số công ty yêu cầu F0 đi làm ngay khi có kết quả test nhanh âm tính, còn với F1 là 2-7 ngày không có triệu chứng. Theo tôi, quy định này là chưa hợp lý vì trong chừng đó thời gian, F1 vẫn có thể ủ bệnh còn F0 vẫn có khả năng phát tán virus.

de xuat F0 di lam anh 3

Văn Ngọc hiện làm tại công trình. Nếu trở thành F0, anh sẽ xin nghỉ tại nhà và nhận nhiệm vụ làm giấy tờ, không đến nơi làm việc. Ảnh: NVCC.

Hải Phong: Tôi không lo lắng vì tình hình hiện tại, F0 xuất hiện khắp nơi trong cộng đồng và số ca nguy kịch, tử vong giảm mạnh.

Tuy nhiên, nếu F0, F1 đi làm, tôi nghĩ vẫn nên tuân thủ quy tắc 5K như trước để giảm thiểu khả năng lây lan. Đồng thời, các công ty cần có thêm quy định cụ thể về thời gian, tình trạng sức khỏe của F0, F1 được cho phép đi làm.

Trâm Anh: Nếu phải làm việc cùng các đồng nghiệp F0, F1, tôi vẫn duy trì những biện pháp tự phòng tránh dịch bệnh mình đang thực hiện như đeo găng tay y tế, mang khẩu trang khi làm việc, hạn chế tiếp xúc với người khác, giảm tần suất sử dụng nhà vệ sinh, thang máy, nhà ăn…

Nguyễn Văn Ngọc: Nếu F0 đi làm, tôi rất lo lắng. Nhưng nếu đó là quy định bắt buộc của tổ chức dựa trên luật pháp hoặc nguyện vọng của F0, tôi đành chấp nhận. Khi đó, từ phía bản thân, tôi sẽ chủ động tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Mai Trang: Tôi nghĩ trường hợp này sẽ khó xảy ra tại nơi làm việc của mình do đặc thù dịch vụ phải tiếp xúc với khách hàng.

Nếu là một F0, bạn có muốn đi làm?

Phạm Quỳnh: Theo tôi, nếu F0, F1 có sức khỏe ổn định, không có triệu chứng và di chứng hậu Covid-19 thì có thể đi làm sau khi có kết quả âm tính. Tuy nhiên, khối lượng công việc của họ có thể được cân nhắc giảm bớt để vừa giữ sức khỏe, vừa đáp ứng lượng công việc tối thiểu.

Nếu công ty không đáp ứng được những điều kiện an toàn như vậy, có lẽ tôi sẽ chấp nhận nghỉ không lương để bảo vệ sức khỏe của mình.

Hải Phong: 2 năm qua, dù đã quen với việc học tập và làm việc tại nhà, tôi vẫn thấy văn phòng mang lại năng suất làm việc hiệu quả hơn. Vì vậy, nếu tôi là F0 và có sức khỏe tốt, tôi sẽ đi làm ở công sở và chủ động tuân thủ theo các biện pháp phòng dịch để không làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp và những người xung quanh.

de xuat F0 di lam anh 4

Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh vẫn mang nhiều di chứng sức khỏe, muốn được nghỉ ngơi. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Trâm Anh: Nếu trở thành F0, tôi vẫn muốn làm việc tại nhà để tránh lây nhiễm cho đồng nghiệp, bắt kịp nhịp độ công việc. Nếu quá mệt mỏi hay có triệu chứng, tôi mới nghỉ ngơi.

Nguyễn Văn Ngọc: Nếu chẳng may nhiễm bệnh, tôi chắc chắn sẽ ở nhà nghỉ ngơi, điều trị. Công ty tôi có phần việc tại công trình và phần việc xử lý bản vẽ, giấy tờ tại văn phòng. Nếu ở nhà, sức khỏe đảm bảo, tôi sẽ tranh thủ làm trước các công việc liên quan đến văn bản. F0 đi làm rất ảnh hưởng đến người khác.

Mai Trang: Nếu là F0, tôi sẽ xin nghỉ ngơi, cũng được cấp quản lý yêu cầu phải ở nhà cho đến khi khỏi bệnh. Tôi chỉ quay lại công việc sau khi âm tính theo đúng khuyến cáo an toàn của Bộ Y tế, tức là không còn khả năng lây lan virus ra cộng đồng.

Ngày 5/3 vừa qua, trước bối cảnh ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao, Bộ Y tế có đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly.

Theo đó, F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (7 ngày từ ngày dương tính và chưa âm tính), được tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Với F1 chưa tiêm đủ liều vaccine, Bộ Y tế đề xuất cho phép tham gia công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

Khó cho F0 khi được yêu cầu làm việc bình thường

Không phải tất cả F0 đều sẵn sàng làm việc trong khi điều trị. Về phía nhà quản lý, họ cũng không dám dùng quy định để bắt ép nhân sự F0, F1 "cống hiến".

Thục Hạnh - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm