Chiều 28/5, trả lời Zing.vn, Lynne Ryan - du khách Australia trong "chuyến đi kinh dị" tới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết tới nay, bà và nhóm bạn vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi hay bất kỳ động thái gì từ phía Việt Nam.
"Chủ thuyền Hoàng Phương 16, cơ quan chức năng, địa phương và các quan chức du lịch chưa hề liên lạc với tôi hay các bạn trong nhóm để giải quyết vấn đề hay đưa ra lời xin lỗi", vị khách Australia chia sẻ.
'Quảng cáo tour cao cấp, bán tour rẻ tiền: Lời nói dối trắng trợn'
Sau khi trải nghiệm của bà và nhóm bạn tại vịnh Hạ Long lan tỏa trên các trang báo nước ngoài, nhiều nhà báo, phóng viên Việt Nam đã liên hệ với bà Ryan để khai thác thông tin. Thông qua những người này, Ryan được biết một phần nội dung giải quyết vụ việc ở Việt Nam.
"Tôi cũng rất muốn cập nhật tình hình như không biết phải làm sao", bà nói.
Đến nay, bà Ryan và nhóm bạn vẫn chưa nhận được bất cứ lời xin lỗi nào từ chính quyền cũng như chủ tàu Hoàng Phương 16. Ảnh: NVCC. |
Nhận xét về động thái của chính quyền trong việc xử lý vi phạm, du khách Australia đánh giá cao những hành động này. Quyết định của chính quyền khiến bà và các du khách khác cảm thấy được tôn trọng. Tất nhiên, các du khách cũng hy vọng họ có thể nhận lại số tiền mình đã bỏ ra khi mua tour.
"Tôi mong các đại lý du lịch ở Việt Nam sẽ không nói dối du khách khi bán tour. Tôi hiểu mỗi hành trình đều có những mức giá khác nhau. Tuy nhiên, quảng cáo đó là một tour cao cấp trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại là một lời nói dối trắng trợn", Ryan nhấn mạnh.
Người phụ nữ này cho biết những ngày qua, bà cũng khá mệt mỏi khi một số người Việt Nam để lại những lời bình luận khiếm nhã trên Facebook bà. “Những lời nói đó khiến tôi buồn. Nhưng họ không biết toàn bộ câu chuyện nên tôi chọn cách bỏ qua những bình luận đó. Những tấm hình không nói dối”, bà tâm sự.
Ai 'phải xin lỗi' du khách?
Về vụ việc của tàu Hoàng Phương 16 cung cấp dịch vụ kém chất lượng cho các du khách Australia gây ảnh hưởng cho ngành Du lịch Việt, hôm 24/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Phải xin lỗi, bồi thường cho du khách, dứt khoát là như vậy”.
Tuy nhiên, chia sẻ với Zing.vn hôm 26/5, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nêu quan điểm: "Nếu phải đứng ra xin lỗi, cơ quan đầu tiên phải lên tiếng đó là Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau đó là đơn vị tổ chức tour. Họ bắt buộc phải lên tiếng xin lỗi khách hàng. Trong kinh doanh, anh làm không tốt thì phải xin lỗi, đó là điều rõ ràng".
Cảnh nhếch nhác trên tàu Hoàng Phương 16 đem lại nỗi kinh hoàng cho nhóm du khách Australia. Ảnh: Facebook. |
Trước đó, Sở Du lịch TP Hải Phòng ra quyết định xử phạt hành chính đối với chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Phương tại Hải Phòng - Chủ sở hữu con tàu mang lại "nỗi kinh hoàng" cho nhóm khách Australia vì không đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, Sở Du lịch TP Hải Phòng cũng yêu cầu chủ tàu Hoàng Phương phải gửi thư xin lỗi bà Lynne Ryan, tác giả bài viết "Horror trip, Halong Bay" (Vịnh Hạ Long, chuyến đi kinh dị) và những người đi cùng.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị vẫn còn đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm và thực tế vẫn chưa có bên nào liên lạc với nhóm du khách Australia.
'Mất tiền không đáng ngại bằng mất niềm tin, uy tín và cơ hội'
Trong khi câu chuyện của du khách Ryan và nhóm bạn thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu du lịch, thái độ đổ lỗi và cách xử lý vụ việc qua loa và hời hợt của những người đứng đầu ngành Du lịch khiến không ít người ngao ngán.
"Nếu làm giám đốc Sở Du lịch của Hà Nội, Hải Phòng hoặc Quảng Ninh, tôi sẽ lập tức gửi email xin lỗi khách một cách chân thành và cầu thị", ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, nêu quan điểm.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chia sẻ nếu ở vị trí của người có thẩm quyền, ông sẽ lập tức xin lỗi ngay khi phát hiện sai sót, đền bù một tour du lịch khác chất lượng hơn và ngỏ lời chuộc lỗi trong dịp trở lại Việt Nam gần nhất của du khách. Điều này chắc chắn sẽ khiến những vị khách vui vẻ và yêu quý đất nước Việt Nam hơn.
"Mất tiền, không đáng ngại. Đáng lo là mất niềm tin, mất cơ hội, mấy uy tín thì không thể mua hay bù đắp được", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, một độc giả của Zing.vn cho rằng xin lỗi là thể hiện văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, "những người lớn làm du lịch" thường tỏ thái độ trốn tránh khi lĩnh vực mình quản lý gây bực bội cho các vị khách phương xa đến. Chính vì những hành động như vậy đã khiến ngành du lịch Việt Nam luôn lẹt đẹt so với các nước trong khu vực.
Đồng tình với quan điểm này, Nguyễn Phương Ngọc, một người làm trong ngành du lịch, cho hay các nhà quản lý cần phải mạnh tay hơn nữa. Văn hóa đổ lỗi tại Việt Nam đang khiến cho các du khách "một đi không trở lại".
"Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam từng bất bình trước chuyện chặt chém ở các khu du lịch. Tuy nhiên, gần như chẳng ai đứng ra bảo vệ họ. Lần này, khi sự việc xảy ra, rất nhiều người cho rằng khách mua tour rẻ thì phải chịu. Song, chuyện tour đắt hay rẻ không quan trọng. Điều quan trọng là khách bị lừa. Chúng ta nên xấu hổ và xin lỗi họ vì việc ấy", cô nhấn mạnh.
Hôm 30/4, một nhóm du khách Australia mua tour du lịch hai ngày một đêm tới vịnh Hạ Long tại Spring Travel Agency. Người bán tour cho nhóm này giới thiệu đây là một chuyến du lịch biển hạng sang trên một con tàu tuyệt đẹp.
Hai ngày sau, nhóm này được đưa thẳng từ Hà Nội xuống đảo Cát Bà rồi lên tàu Hoàng Phương HP4686 - con tàu có vòi nước trong phòng tắm bị rò rỉ; nhà vệ sinh không cửa và bị tắc; phòng ở còn có chuột và gián...
Sau khi đón đoàn khách Australia, tàu chạy và ngủ lại một đêm tại Rặng Dừa, trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. 9h sáng 3/5, tàu trả đoàn khách lại cho công ty Hoàng Phương để về Hạ Long trên tàu cao tốc.
Sau khi báo chí trong và ngoài nước đăng thông tin, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo xử lý vụ việc.