Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

F0 ở TP.HCM: Từ ý định trốn viện đến bước chân hân hoan ngày khỏi bệnh

Thời gian đầu, hầu hết F0 đều lo lắng khi biết tin mắc Covid-19. Nhưng nhờ sự tận tình của y bác sĩ, họ đã lạc quan, dần hồi phục sức khỏe và được chiến thắng bệnh tật.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), riêng ngày 25/7, thành phố có 2.115 bệnh nhân xuất viện. Tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát đến sáng 26/7 là 14.704 người. Với nhân lực, vật lực được bổ sung, các Bệnh viện dã chiến đều hoạt động ổn định, kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh nhân, ngăn chặn kịp thời các ca trở nặng.

Luôn lạc quan nghĩ đến ngày khỏi bệnh

Đêm trước khi được xuất viện, anh N.V.T. (TP Thủ Đức) tràn ngập niềm vui và phấn chấn. "Cuộc điện thoại thông báo của y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 8 (Thủ Đức) có lẽ là cuộc gọi đặc biệt nhất với tôi. Các bác sĩ thông báo tôi đã khỏi, được xuất viện. Chiều 25/7, chúng tôi được đưa về tận nhà để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”, nam bệnh nhân tâm sự.

Ngày được chuyển vào Bệnh viện dã chiến số 8, anh T. luôn cánh cánh nỗ lo, tinh thần suy sụp. Gia đình neo người nên khi biết tin mắc Covid-19, tâm lý của bệnh nhân càng thêm rối bời.

Nhưng khi được các nhân viên y tế động viên kịp thời, anh T. đã kêu gọi những F0 còn lại trong phòng cùng lạc quan, tuân thủ quy định, phác đồ điều trị và ăn uống đầy đủ. Dần dần, sức khỏe của anh T. được cải thiện, cảm giác mệt mỏi cũng vơi bớt, các cơn sốt cắt dần.

Benh nhan Covid-19 tai TP.HCM xuat vien anh 1

Bệnh nhân F0 ở bệnh viện dã chiến. Ảnh: Ngọc Tân.

"Ngày đầu tiên bệnh rất lộn xộn. Họ lo lắng, có nhiều người la hét đến nỗi tôi sợ họ sẽ nhảy lầu. Dần dần tâm lý bệnh nhân mới ổn định", PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đang điều hành tại Bệnh viện dã chiến số 8 (khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ với Zing.

Bệnh viện bắt đầu nhận bệnh nhân từ ngày 13/7. Đến 25/7, cơ sở y tế này đã có 730 bệnh nhân được xuất viện. Việc quản lý, tiếp nhận bệnh nhân làm theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết có những lúc bệnh nhân đến đông, ùn ùn 500 người. Bác sĩ cũng phải đi phát đồ ăn cho kịp giờ. Thấy bệnh nhân đói, bác sĩ đã nhường phần cơm của mình cho họ.

Cũng tại Bệnh viện dã chiến số 8, để trấn an tinh thần mình và bệnh nhân khác, chị L.T.T.T. tiết lộ bản thân luôn nghĩ đến những điều tươi sáng. Nữ bệnh nhân kể ngày chiếc xe chở F0 tới viện, ai cũng như người mất hồn. Nhất là mỗi lần xe cấp cứu cất tiếng hú, các thành viên đều không khỏi giật mình.

Nhưng khi được phân tích kỹ về các phác đồ điều trị, “tinh thần” cũng là liều thuốc tốt nên tất cả đều lạc quan hơn, nghĩ về ngày được xuất viện. Tinh thần không còn bị áp lực đè nén, họ ăn uống ngon miệng hơn, sức khỏe vì thế cũng được nâng cao, hồi phục nhanh. Chị T. cho hay các nhân viên y tế tại viện thường xuyên hỏi han giấc ngủ của từng người, tận tâm thăm khám khiến họ không khỏi cảm động.

Hiện Bệnh viện dã chiến số 8 tiếp tục tiếp nhận các ca mắc mới. Với quy mô gần 4.000 giường, bệnh viện được trang bị phương tiện để điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ đến trung bình.

Đơn vị này cũng thiết lập bộ phận hồi sức tích cực để kịp thời điều trị những bệnh nhân trở nặng trong khi chờ đợi chuyển lên tuyến trên.

PGS.TS Đỗ Kim Quế cho hay bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp khi vào khỏe mạnh nhưng 4 tiếng sau suy hô hấp. Nhờ có đơn vị hồi sức tại chỗ, bệnh nhân này đã được thở oxy và xử lý kịp thời, không để chuyện đáng tiếc xảy ra.

Benh nhan Covid-19 tai TP.HCM xuat vien anh 2

Phút giải lao chớp nhoáng của thầy thuốc trong Bệnh viện dã chiến số 8, TP.HCM. Ảnh: V.Đ.

Mong đại dịch sớm được khống chế

Làm nghề buôn bán tự do, chấp hành quy định phòng dịch Covid-19 của chính phủ nên anh L.T. đã sớm dừng công việc hàng ngày. Thời điểm biết tin mắc Covid-19, cả gia đình anh T. (ở phường Tân Thới Nhất, quận 12), đứng ngồi không yên.

Ngày đầu đến Bệnh viện dã chiến số 2 (quận 12), ý định muốn trốn về nảy ra trong đầu anh T. Nhưng nghĩ đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người thân, cộng đồng, nam bệnh nhân ngay lập tức gạt bỏ suy nghĩ.

"Tôi chỉ sợ bệnh chuyển biến nặng, không có người thân ở bên thì rất cơ cực. Nhưng xuyên ngày đêm, chứng kiến sự miệt mài của các nhân viên y tế, tôi mới vỡ lẽ tuy trong hoàn cảnh bị cách ly trong bệnh viện, sự quan tâm từ những thầy thuốc cũng ấm áp như gia đình", anh T. bộc bạch.

Ngày 23/7 cùng với nhiều bệnh nhân Covid-19 khác, anh T. được xuất viện. Giờ đây, mỗi bước chân rời cổng bệnh viện của nam bệnh nhân này đều hân hoan và tự tin.

Benh nhan Covid-19 tai TP.HCM xuat vien anh 3

Lãnh đạo bệnh viện dã chiến dùng loa công suất lớn trấn an bệnh nhân. Ảnh: Duy Hiệu.

Cũng từ Bệnh viện dã chiến số 2 xuất viện trong ngày 22/7, bà N.T.H. như được nhân đôi niềm vui vì chiến thắng Covid-19 khi tuổi đã cao.

"Khi mắc bệnh, tôi rất lo, nhiều đêm mất ngủ. Nhưng cũng chính những đêm khuya vắng ấy, chứng kiến sự nỗ lực từng giờ của các nhân viên y tế, tôi tự nhủ mình phải vui lên, chờ ngày khỏi bệnh. Gia đình cũng lo lắng nhưng tôi bảo không có gì cả, bởi phải tin tưởng vào các quy định điều trị của Bộ Y tế. Ngày được xuất viện cũng chính là ngày sinh nhật nên càng ý nghĩa hơn”, nữ bệnh nhân tâm sự.

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Văn Thanh, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, cho biết: "Dù mới hoạt động từ đầu tháng 7, các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 2 đã nỗ lực gấp đôi để có được thành quả này".

Số bệnh nhân xuất viện lớn cũng đã giúp những trường hợp đang ở lại phấn khởi hơn, qua đó hợp tác tốt với y bác sĩ, thực hiện đúng quy định trong cách ly, điều trị. Trước khi bệnh nhân xuất viện, họ đều làm đầy đủ các xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

“Tiễn bệnh nhân ra cổng viện, chúng tôi cùng nhắc nhở, hướng dẫn chi tiết các quy định về phòng, chống dịch khi về nhà. Từ các thành quả hiện hữu là số bệnh nhân lớn được chữa khỏi, những F0 khác đang điều trị rất phấn khởi. Hầu hết bệnh nhân đều hợp tác tốt với bác sĩ, thực hiện đúng các quy định trong quá trình cách ly, điều trị", bác sĩ Thanh nói thêm.

Bệnh viện dã chiến số 2 được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu tháng 7. Bệnh viện có số giường thực kê là 2.467 để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 không có hoặc triệu chứng nhẹ.

Cơ sở y tế này hiện có gần 200 nhân viên y tế. Trong đó có 64 bác sĩ, số còn lại là điều dưỡng, nữ hộ sinh.


Kỷ lục số bệnh nhân Covid-19 xuất viện trong một ngày tại TP.HCM

Ngày 23/7, TP.HCM có thêm 2.226 bệnh nhân xuất viện, là tín hiệu vui cho ngành y tế trong công cuộc chống dịch Covid-19.

Chỉ số SpO2 không phải dấu hiệu nhận biết người mắc Covid-19

SpO2 là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi, thuộc một trong những chỉ số giúp cảnh báo sớm F0 chuyển nặng, nhưng không phải dấu hiệu nhận biết người mắc Covid-19.

Dịch Covid-19

Hà Văn Đạo

Bạn có thể quan tâm