Ăn uống một mình thành xu hướng ở Vương quốc Anh. Ảnh minh họa: @feve__r. |
Trước đây, việc đi ăn một mình thường thu hút không ít ánh nhìn tò mò, thậm chí thương hại từ nhân viên và thực khách khác. Nhưng giờ đây, dường như "một mình một cõi" đang trở thành xu hướng mới.
Các chuyên gia cho biết Gen Z (sinh năm 1997-2012) và thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) đang dẫn đầu trào lưu này. Theo công ty đặt bàn trực tuyến OpenTable, việc ăn một mình ở Vương quốc Anh đã tăng 14% so với năm 2023.
Tại London, số lượng đặt bàn đơn đã tăng 10% so với năm 2023. Ở Manchester con số này thậm chí đã tăng tới 23%, theo The Guardian.
Ăn một mình thành xu hướng
Alice Bradley, cây viết về lĩnh vực du lịch, thường xuyên phải ăn một mình. Cô thường gọi đồ ăn lên phòng hoặc ngồi thu mình ở góc nhà hàng.
Tuy nhiên, sau đại dịch, cô đã thay đổi nhận thức của mình. Cô quyết tâm làm nhiều việc một mình hơn, bắt đầu từ việc ăn uống. Cứ vài tháng một lần, cô lại ăn diện và tự dẫn mình đi ăn tối.
"Đại dịch như một hồi chuông tỉnh thức, khiến tôi nhận ra mình cần phải ra ngoài và tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ nhặt. Cuộc sống ngắn ngủi lắm, sao phải đợi có người đi cùng mới dám thưởng thức một bữa tối ngon?", Bradley tâm sự.
Charlie Casey, Giám đốc Quan hệ khách hàng của công ty tư vấn khách sạn Egg Soldiers, cho rằng việc ăn một mình trở nên phổ biến một phần là do nhận thức xã hội đã thay đổi.
Ăn một mình không còn bị xem là điều gì đó buồn bã hoặc tiêu cực. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
"Người ta không còn nghĩ người ăn một mình là bị cho 'leo cây' hay mang những định kiến tiêu cực nào khác nữa. Thế hệ Millennials và Gen Z đang dẫn đầu xu hướng này và biến việc ăn một mình thành biểu tượng của sự tự tin".
Anh nói thêm nhiều người muốn có thời gian tạm xa điện thoại, suy ngẫm và tận hưởng không gian riêng. Ăn một mình là cách tuyệt vời để làm điều đó.
James Rusk, chủ nhà hàng Butchershop ở Glasgow và nhà hàng Spanish Butcher ở Glasgow và Edinburgh, nói rằng nước Anh đang bắt kịp xu hướng vốn đã phổ biến ở New York (Mỹ) và một số nơi ở châu Âu từ nhiều thập kỷ trước.
"15 năm qua kể từ khi tôi mở nhà hàng, số khách ăn một mình tăng chóng mặt. Sau Covid-19, xu hướng này càng phổ biến và giờ đã trở thành chuyện bình thường. Dù không phải tối thứ Bảy nào cũng toàn khách đơn lẻ, đêm nào cũng có vài người, kể cả trong giờ cao điểm", ông Rusk nói thêm.
Các nhà hàng đón xu hướng
Bradley vẫn còn khá mới với việc ăn ngoài một mình, nhưng Trisha (62 tuổi) đã quen với điều này hơn 40 năm nay. Mỗi tháng, bà đều tự thưởng cho mình ít nhất một bữa tối tại một nhà hàng yêu thích ở Greater Manchester, nơi bà sinh sống.
Bà chọn ăn một mình đôi khi là vì thuận tiện sau một ngày làm việc bận rộn, bà muốn có một bữa tối ngon mà không phải nấu nướng. Hoặc đơn giản là bà thèm món gì đó mà nấu cho một người thì rườm rà.
"Tôi thường ăn sớm, khoảng 18h hoặc 18h30, lúc nhà hàng còn vắng. Tôi chưa bao giờ nghĩ đây là chuyện lạ thường. Có lẽ nhiều người không dám đi ăn một mình vì họ nghĩ đó là vấn đề to tát hơn thực tế", Trisha nói.
Các nhà hàng tạo điều kiện cho các khách hàng đơn lẻ trải nghiệm thoải mái nhất có thể. Ảnh minh họa: Rachel Claire/Pexels. |
Các nhà hàng cũng bắt đầu thích nghi với xu hướng này. Theo Trish Caddy, Phó giám đốc dịch vụ thực phẩm tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel, bằng cách tích hợp công nghệ như thực đơn điện tử, thanh toán nhanh và gợi ý món ăn cá nhân hóa, họ có thể nâng cao trải nghiệm cho thực khách đi một mình.
Rusk luôn muốn khách hàng có trải nghiệm thoải mái khi đến nhà hàng của ông.
"Chúng tôi để ý cả chỗ ngồi cho khách đơn. Không đặt họ giữa phòng mà cho họ chỗ có không gian đẹp. Thực đơn phải dễ chọn, có phù hợp cho một người hay chỉ toàn món dùng chung. Âm nhạc và ánh sáng phải có tạo không khí dễ chịu không?".
Với Rusk, khách ăn một mình hoàn toàn không phải vấn đề với nhà hàng.
"Dù đi một mình, 4 người hay 20 người, miễn là họ đến và tận hưởng những gì được phục vụ, chúng tôi đều rất vui được đón tiếp", ông cho hay.
Tuổi 17, sức khỏe tinh thần của mình tuột dốc trầm trọng
"Năm 17 tuổi đó, đã không có ai nói với mình rằng, không sao cả, bạn không phải là một người tồi tệ, việc vừa yêu, vừa ghét cha mẹ là một phần bài học của cuộc sống, rằng đó chỉ là cảm xúc của một con người thôi" là một đoạn trích trong cuốn Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều của tác giả Nguyễn Đoàn Minh Thư.
Sách là hành trình khám phá thế giới nội tâm của một người trẻ, đầy hỗn loạn của những suy nghĩ trăn trở, những dằn vặt, những cuộc chiến nội tâm, những cảm xúc vừa phức tạp cũng vừa rất đỗi con người.