Đối với những thuộc thế hệ Z (từ 12 đến 27 tuổi), TikTok vừa là một công cụ giải trí vừa là một sàn thương mại điện tử tiện lợi. Ảnh: SCMP. |
Đối với những thuộc thế hệ Z (độ tuổi 12-27), TikTok vừa là một công cụ giải trí vừa là một sàn thương mại điện tử tiện lợi. Do đó, tiếp thị bằng influencer (người có sức ảnh hưởng) đã trở thành một xu hướng chủ đạo trong thời đại truyền thông mạng xã hội.
Dù vậy, sau một thời gian thu lợi từ khán giả lẫn doanh nghiệp, các influencer đã đánh mất lòng tin của gen Z vì liên tục nhận tiền quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. Một xu hướng chi tiêu khác đang trỗi dậy.
Chi tiêu thực dụng
Theo Business Insider, sau một thời gian quay cuồng với các sản phẩm được influencer giới thiệu, gen Z không còn cố gắng để mua những gì mình thích. Họ chỉ muốn mua những gì mình cần. Do vậy mà xu hướng chi tiêu thực dụng ra đời.
Bản chất của xu hướng này đơn giản là việc khách hàng chỉ mua những gì có tác dụng thực tế thay vì những món đồ “bắt trend” trên mạng. Giờ đây, người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi về những sản phẩm được KOC, KOL giới thiệu và cân nhắc nhà sáng tạo nội dung này có nhận tiền để quảng cáo hay không.
Nghiên cứu cho thấy influencer đã đánh mất lòng tin với những khán giả trẻ tuổi. Ảnh: Bloomberg. |
Song, những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội vẫn không bỏ qua cơ hội nắm bắt xu hướng. Họ nhanh chóng chia sẻ những hình ảnh theo chủ đề tối giản, mặc quần áo cũ hoặc lên tiếng từ chối mua những chiếc cốc Stanley "bắt trend".
Chia sẻ với The New York Times, một nhà sáng tạo nội dung theo xu hướng chi tiêu thực dụng cho biết họ muốn truyền đạt thông điệp: “Chỉ mua và giới thiệu những gì mà khán giả cần”.
“Những video phô trương sự xa xỉ, giàu có từng nổi tiếng trên mạng xã hội giờ đây trở thành những hình ảnh lỗi thời và lạc lõng”, Jade Taylor, một nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực thời trang bền vững, chia sẻ.
Nghiên cứu cho thấy các influencer đã đánh mất lòng tin với những khán giả trẻ tuổi. Y-Pulse, một công ty nghiên cứu tiếp thị với đối tượng khán giả là gen Y và Z, cho biết có khoảng 45% người từ 13 đến 22 tuổi không tin tưởng influencer như trước. Thậm chí, 53% người được hỏi cho biết họ sẽ chọn mua sản phẩm được bạn bè xung quanh giới thiệu thay vì các KOL, KOC.
Đánh mất lòng tin
Chia sẻ với Business Insider, các chuyên gia nghiên cứu tiếp thị cho rằng khách hàng gen Y và Z đang cảm thấy bị lừa dối, nhất là khi ngày càng nhiều influencer trở nên giàu có bằng cách giới thiệu sản phẩm.
“Những người có sức ảnh hưởng không còn uy tín như trước và các quy định về quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội vẫn còn lỏng lẻo”, Brett House, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh của Đại học Columbia, chia sẻ.
Mặt khác, ngân sách eo hẹp của gen Z cũng là một trong những lý do khiến họ cẩn thận hơn trong việc rút hầu bao. Thậm chí, nhiều người cảm thấy phẫn nộ khi influencer liên tục giới thiệu sản phẩm bất chấp giá tiền, chất lượng.
Những người trẻ trong giai đoạn tuổi 20 ở Mỹ cũng đang nợ nần chồng chất, theo Bloomberg. Ảnh: USA Today |
Gen Z phải đối mặt với lạm phát, chi phí chăm sóc sức khỏe và phí thuê nhà ngày càng tăng. Các khảo sát mới nhất cho thấy họ không tự tin khi được hỏi về khả năng mua nhà trong tương lai. Không ít bạn trẻ lâm vào cảnh nợ đìa trong khi thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh và trả ít tiền cho những người thiếu kinh nghiệm.
Thậm chí, một số người còn mắc chứng rối loạn quản lý tiền bạc (money dysmorphia) - một hội chứng tâm lý làm bệnh nhân nhận thức tiêu cực, sai lệch về tình trạng tài chính của bản thân. Một trong những nguyên nhân hình thành vấn đề này là bệnh nhân áp lực phải giàu có như các influencer trên mạng xã hội.
Giáo sư House cho biết ông cảm thấy lo lắng và cho rằng nền kinh tế thế giới trong tương lai có thể gặp phải một cuộc suy thoái tương tự năm 2008. “Rất nhanh thôi, gen Z sẽ trở thành lực lượng lao động chính của xã hội. Nếu họ không học được cách kiểm soát tiền bạc thông minh thì chắc chắn kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi nhanh chóng”, ông chia sẻ.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.