Nằm trong một khu chung cư ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) là tổ ấm của gia đình bỉm sữa vợ Việt chồng Hàn Hà Tiểu Doan và Sa Honggu, đều 32 tuổi, và con gái Hanna. Chia sẻ với Zing, Tiểu Doan tự nhận không gian sống của gia đình là sự pha trộn giữa văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam, được chính tay hai vợ chồng lên ý tưởng trang trí, bày biện. |
"Nhiều gia đình có con nhỏ ở Hàn Quốc thường không đặt quá nhiều đồ đạc trong phòng khách để tránh trẻ va vấp, bị thương, chúng tôi cũng vậy. Hanna đang tuổi hiếu động, hay chạy nhảy nên vợ chồng tôi hạn chế những vật dụng cứng, có thể gây tổn thương. Không gian Hanna thích và hay dành thời gian nhất ở trong nhà cũng là tấm thảm lớn trước tivi, nơi bé có thể ngồi, nằm xem sách, chương trình trẻ em và chơi đùa với bố mẹ", Tiểu Doan chia sẻ. |
Đặc biệt, chiếc bàn ăn gỗ được vợ chồng Tiểu Doan đặt làm riêng, các góc được vát tròn tránh nguy cơ Hanna bị va đập. "Nhà có trẻ con mà, gần như mọi vật dụng chúng tôi đều cân nhắc đến con, để có con không gian an toàn nhất". |
Ngay gần cửa ra vào là những tấm biển gỗ ghi "nguyên tắc cư xử" trong gia đình được hai vợ chồng tự đề ra như "không bao giờ từ bỏ", "xin lỗi nhau", "nói yêu thương nhau", "tha thứ", "cho nhau cơ hội thứ hai"... "Có những khi bất hòa, vợ chồng nhìn thấy ngay ở cửa là nhanh chóng nguôi cơn giận, tìm cách làm hòa". |
Một trong những góc yêu thích nhất của cặp vợ chồng là khu pha cà phê. Trên kệ gỗ đặt làm riêng là chiếc máy pha xinh xắn được Honggu cất công tìm mua và các loại hạt theo sở thích hai người. |
"Vợ chồng tôi đều mê cà phê nên thích mua sắm các vật dụng cho sở thích này. Để tránh Hanna có thể với tay nghịch bị thương, chúng tôi đặt các đồ dễ vỡ như cốc và máy ở trên cao, ngoài tầm tay con. Nhiều lúc, một cốc cà phê thơm lừng vào buổi sáng cũng giúp chúng tôi có hứng khởi làm việc cho cả ngày", bà mẹ trẻ cho hay. |
Nàng dâu Việt chia sẻ một tuần, gia đình chỉ ăn đồ Hàn 2-3 bữa, còn lại chủ yếu là món Việt. Bởi vậy, ngay từ đầu, cô không quá áp lực chuyện phải học nấu món Hàn hay suy nghĩ chuyện lên thực đơn. "Thực ra cả nhà tôi dễ ăn lắm, chồng tôi cũng thích món Việt Nam, nhất là nem. Nếu nhớ đồ ăn quê hương, thi thoảng anh cũng tự vào bếp và hướng dẫn cả cho tôi cách làm", Doan nói. |
Trên cánh cửa tủ lạnh là dòng chữ tiếng Hàn do Tiểu Doan tự tay viết "nịnh" Honggu: "Chồng em vô cùng, rất, cực kỳ đẹp trai. Em yêu anh". Hai vợ chồng chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh và đang nỗ lực học ngôn ngữ của đối phương. "Lần đầu gặp, anh tưởng tôi là người Hàn Quốc nên tới xin số làm quen. Tôi cũng bất ngờ, chỉ biết đáp lại bằng tiếng Anh. May mắn là khoảng cách ngôn ngữ không là trở ngại trong chuyện tình hai đứa". |
Ở ngay giữa nhà là tấm giấy dài ghi 100 lời cảm ơn con trai và con dâu do chính mẹ chồng Doan viết tặng. Bà công tác trong ngành giáo dục tại Hàn Quốc, từng xuất bản một số cuốn sách. Đối với cô gái Việt, mẹ chồng là người tình cảm, chỉ bảo cô nhiều điều trong cuộc sống hôn nhân, giáo dục con cái. |
Một trong những nơi cặp vợ Việt chồng Hàn dành nhiều tâm sức trang trí trong nhà là phòng ngủ của cô con gái. Doan tìm mua bảng gỗ, Honggu tự tay in dòng chữ tiếng Hàn "công chúa Hanna" bằng máy in 3D theo font chữ yêu thích để tặng con. |
Tiểu Doan thừa nhận căn phòng nơi chồng dành phần lớn thời gian làm việc và mày mò là nơi cô "bất lực" trong việc dọn dẹp bởi quá nhiều đồ đạc. "Anh ấy thích chơi game, cắt dán, lắp ghép đủ thứ. Anh còn sắm máy in 3D để phục vụ sở thích. Một trong những tác phẩm anh ưng ý nhất là chiếc đầu hình con báo, có lắp đèn phát sáng". |
Trong khi đó, nơi yêu thích nhất của người vợ là căn phòng tắm được trưng dụng thành studio mini. Tiểu Doan hiện là người sáng tạo nội dung trên một số nền tảng, chủ yếu về đề tài gia đình và mỹ phẩm. Chiếc giá đỡ điện thoại cũng là do chồng tự mày mò lắp đặt giúp cô cho chắc chắn. |
Gánh nặng lời khen 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'
Theo cuốn Phụ nữ vô hình của Caroline Criado Perez, trên thế giới, 75% công việc chăm sóc gia đình (công việc không-được-trả-lương) do phụ nữ cáng đáng. Họ dành 3-6 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho những công việc đó, trong khi đàn ông chỉ dành ra từ 30 phút đến 2 giờ. Câu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" không phải là một cái danh ca ngợi, mà như một "cái còng", buộc người phụ nữ phải xoay xở vừa phải chăm lo được cho gia đình, vừa phải ra ngoài kiếm tiền. Theo chuyên gia, xuất phát từ quan niệm cho rằng phụ nữ có những đức tính phù hợp để chăm sóc gia đình hơn nam giới, do vậy, những công việc nhà cửa, bếp núc, nghiễm nhiên phù hợp với họ như một điều tất nhiên.