Ngôi nhà nhỏ trên một bản miền núi yên bình tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là nơi sinh sống của Đinh Công Vịnh (30 tuổi) và gia đình. Ba năm nay, Vịnh đã quen với việc sinh hoạt hoàn toàn trên chiếc xe lăn sau khi bị liệt hẳn hai chân.
Năm 2017, khi đang làm phụ hồ dưới Hà Nội, những cơn đau lưng ngày một nặng hơn, anh làm theo nhiều người, tự mua thuốc giảm đau, tiêm trực tiếp vào lưng. Dần dần thuốc bị ứ đọng, nổi cục áp xe.
Cơn đau trở nặng, Vịnh được bác sĩ tại bệnh viện huyện yêu cầu xuống Bệnh viện đa khoa 16A Hà Đông chụp chiếu. Anh cùng người em trai ruột đèo nhau bằng xe máy xuống Hà Nội. Lúc nào lưng đau quá Vịnh nhờ người em ngồi sau đấm lưng.
Vết loét ở xương cụt khiến Vịnh không thể ngồi lâu trên xe lăn. |
“Lúc chụp cộng hưởng từ, bác sĩ bắt duỗi chân mà bị tê bì, chân đau không duỗi nổi mà mình bật khóc luôn trên bàn”.
Chụp chiếu xong, anh uống viên thuốc giảm đau rồi lại cùng người em trai về bản. Khi cách nhà không xa, thấy cảm giác lạ lạ, đưa tay xuống véo thử chân, anh giật mình vì chân không còn cảm giác. Gia đình hốt hoảng, đi tìm xe taxi khắp nơi ở con xóm vùng cao khi trời tối mịt, đưa Vịnh quay lại Hà Nội ngay trong đêm.
“Hôm mình đi đúng ngày 27/7”, Vịnh hài hước kể lại cái ngày đã thay đổi cuộc đời hoàn toàn.
Chị Bùi Thị Hoa vừa trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, vừa chăm sóc, bế chồng mỗi ngày. |
May mắn khi luôn có vợ ở bên
Từ ngày đó, Vịnh sinh hoạt trên xe lăn. Người vợ, chị Bùi Thị Hoa vừa trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, vừa chăm sóc, bế chồng mỗi ngày ròng rã suốt một năm đầu.
Thời điểm ấy, nhà tranh vách nứa, nhà vệ sinh ở ngoài nên đi tắm, vệ sinh chị đều phải bế anh.
“Nhiều đàn ông trong xóm còn không bế được mình, mà vợ bế mãi nên to khỏe thế này, chứ ngày xưa cũng 'mi nhon' lắm”, Vịnh cười nhưng gương mặt thoáng buồn.
Từ là chỗ dựa của vợ con, anh trở thành người tật nguyền. Đôi chân ngày ngày đi làm ăn, kiếm sống nuôi vợ con, bỗng 1 ngày trở nên vô dụng, phải ngồi một chỗ.
"Những ngày đầu, mình đau khổ, cảm giác bất lực, thành gánh nặng cho người thân cứ bám riết. Thời gian trôi qua, mình chấp nhận vì biết không thể thay đổi số phận".
Có thời gian, anh từng khuyên vợ đi lấy người khác.
"Ở bên mình, cô ấy quá khổ. Biết đâu khi lấy chồng mới, cuộc sống của vợ mình sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng Hoa từ chối, nói sẽ ở bên cạnh mình, hai vợ chồng cùng nhau vượt qua khó khăn".
Để trang trải tiền thuốc men, dụng cụ vệ sinh, trả nợ lãi ngân hàng và nuôi cả gia đình, Hoa bươn chải làm đủ thứ công việc. |
Mãi sau này, nhờ một tổ chức từ thiện hỗ trợ, vợ chồng Vịnh xây được căn nhà cấp 4. Giờ đây, chị Hoa chỉ phải bế chồng mỗi khi cần chở bằng xe máy.
Cuộc sống đỡ khó khăn nhưng để trang trải tiền thuốc men, dụng cụ vệ sinh, trả nợ lãi ngân hàng và nuôi cả gia đình, Hoa bươn chải làm đủ thứ công việc.
Một ngày của chị bắt đầu từ 4 rưỡi sáng với việc đồng áng. Gần 3 sào ruộng làm vất vả mỗi mùa cấy, gặt chỉ giúp gia đình đủ ăn. Xong việc, chị lại về nhà tất tưởi thái rau, nấu cám cho lợn, cho gà, ngan ăn để còn kịp đưa Bảo Chi, con gái 7 tuổi đi học.
Dạo gần đây, gần nhà có con thác chuẩn bị khai thác du lịch, chị Hoa xin làm phụ hồ cho công trình đang xây. Cứ sáng đi làm, tới trưa về kiếm củi, được 1, 2 bó, chị quay lại cho kịp phiên làm việc buổi chiều.
“Nhờ đi làm trên thác nên nhà mình mới làm được cửa sổ, chứ ngày xưa mỗi khi mưa gió lại ướt hết nhà", chị giải thích, tay chỉ vào chiếc cửa được làm chắc chắn, đủ che chắn cho giấc ngủ của cả gia đình.
Bảo Chi, cô con gái 7 tuổi của 2 vợ chồng rất ngoan ngoãn, tháo vát. |
Gần đây, hai vợ chồng bàn nhau nhập hàng về bán. Cứ ai cần gì thì nhập cái đó, từ đồ gia dụng, gà, ngan, cây giống, đến kem, sữa. Mỗi loại hàng lại nhập từ một nguồn, gần thì hơn chục cây số, có những nơi cách nhà đến 40km, rồi đi giao hàng, chị Hoa cũng là người đảm nhận.
Nắng hay mưa chị cũng đi giao, ngày nào cũng tối mịt mới về, về nhà còn phải kiểm lại hàng nhập, nếu có lỗi gì thì phải đi đổi sớm, không thì mình phải chịu.
“Nhìn vợ mình khỏe mạnh vậy thôi nhưng thực ra yếu lắm", anh Vịnh kể chị Hoa bị rối loạn tiền đình.
Ngày xưa đưa anh lên Hà Nội, chị bị say xe rất nặng, rồi đi thang máy, nằm điều hòa mà chị không quen cũng bị chóng mặt, vậy mà chị chưa một lần nghĩ đến chuyện bỏ anh, bỏ gia đình.
"Sự vất vả khiến cô ấy cứng rắn hơn, vừa kiếm tiền nuôi cả nhà, vừa là nguồn sống cho chồng, con. Mình may mắn khi luôn có vợ ở bên".
Sự lanh lợi, hoạt bát của cô con gái giúp căn nhà tràn ngập tiếng cười. |
Bảo Chi, cô con gái 7 tuổi của 2 vợ chồng rất ngoan ngoãn, tháo vát.
“Nhà toàn người ốm người tật, vất vả quá nên gì cháu cũng biết làm”, bà nội Chi nói khi nhìn cháu. Bố bệnh, mẹ bận, cô bé tự nấu ăn, rửa bát, quét nhà, việc gì cũng sẵn sàng làm để đỡ đần gia đình. Không chỉ vậy, sự lanh lợi, hoạt bát của cô bé luôn giúp căn nhà cấp 4 hơn 40 m2 lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Ngày còn là nhà tranh, một lần trời giông bão, gió thổi tung mái, cây cối xung quanh đổ rạp vào nhà, từ đó Chi bị tật sợ gió, những cơn gió nhẹ nhẹ cũng làm em nhắm mắt, co rúm người.
Năm nay, ngôi nhà đã vững chãi hơn, em có thể ngủ yên giấc bên cha, mẹ.
Hướng về phía trước dù còn nhiều khó khăn
Ngày Vịnh đi viện, gia đình phải chạy vạy khắp nơi vay nóng, rồi lại vay ngân hàng để trả khoản vay lãi cao kia. Sau 3 năm, tiền vay ngân hàng vẫn còn gần trăm triệu chưa trả.
Sức khỏe Vịnh cũng không ổn định. Trên người có nhiều vết loét, vết áp xe ở lưng mới bị bật vít, phồng to lên nhưng anh vẫn chưa đi phẫu thuật, vì mỗi lần như thế phải đặt cọc trước vài chục triệu đồng, trong khi tiền thuốc thang, dụng cụ vệ sinh cho anh hàng tháng cùng chi phí sinh hoạt gia đình hiện tại đã là một khoản không nhỏ.
Thương vợ bươn chải, anh Vịnh ở nhà giúp đăng bài bán hàng, lo việc giặt giũ, bếp núc để chị Hoa, bé Chi về nhà là có cơm nước chờ sẵn. Anh vẫn luôn tự thấy mình may mắn khi có gia đình, có các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ nên luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Vịnh ở nhà giúp đăng bài bán hàng, lo việc giặt giũ, bếp núc để chị Hoa, bé Chi về nhà là có cơm nước chờ sẵn. |
Có thời gian rảnh, anh mày mò sử dụng mạng xã hội, tham gia một số diễn đàn. Đôi khi, Vịnh tích cực chia sẻ, trò chuyện với những mảnh đời khác kém may mắn hơn mình.
"Trang cá nhân mình giờ cũng nhiều người theo dõi lắm, mình khuyết tật thì đóng góp xã hội bằng cách này”.
“Mình chỉ mong sức khỏe mình ổn định hơn, tích góp để có chiếc xe 3 bánh giúp vợ giao hàng, đưa con đi học, để khách mua hàng nhà mình đỡ phải chờ, vợ không phải ăn trưa lúc xế chiều, ăn tối khi trời tối mịt, vì phải vất vả một mình”, Vịnh nhìn vợ và chia sẻ.
Còn Hoa, chị không có mong ước gì nhiều. Dù chịu khổ, chị vẫn mong giúp sức khỏe chồng ổn định hơn, để những cơn đau không hành hạ anh mỗi khi trở trời. Nếu may mắn hơn, có thêm thu nhập, chị sẽ mua sắm quần áo thêm cho Bảo Chi. Con bé đã đến tuổi biết điệu, dù chẳng bao giờ đòi hỏi, nhưng nếu có thêm vài chiếc váy mới, bé sẽ rất thích.
"Vất vả đến đâu cũng được, chỉ xin ông trời, cho cả nhà 3 người sống yên ổn, vậy là được, mình không dám mơ gì cao xa hơn", chị Hoa nhỏ giọng, nói.
Vịnh mê kèn sáo, hát, vẽ, làm thơ. Sinh nhật vợ vừa rồi, Vịnh thổi sáo và quay video làm quà tặng vợ. |