Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giảm tiêu thụ muối - chìa khóa để giữ một trái tim khỏe mạnh

Tiêu thụ dư thừa muối là nguyên nhân chính gây nên những bệnh lý như tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều vấn đề tim mạch khác.

Muối có nhiều cả trong thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, rau củ... lẫn thực phẩm chế biến sẵn và gia vị mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Muối cũng được sử dụng để cân bằng hương vị, khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn, đồng thời giúp ức chế hoạt động và sự phát triển của vi sinh vật gây hư hỏng thực phẩm.

Những tác động của muối đến sức khỏe

Muối ăn có tên khoa học là natri clorua. Theo TS.BS Nguyễn Thị Hương Lan - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, natri là một khoáng chất thiết yếu cho cơ thể con người, góp phần quan trọng vào việc vận hành các hoạt động và chức năng sinh lý.

Tuy nhiên, tiêu thụ muối quá mức sẽ dẫn đến nồng độ natri trong máu tăng. Lúc này, cơ thể sẽ phát ra tín hiệu yêu cầu bổ sung nước để hạ nồng độ natri. Nước bổ sung vào cơ thể sẽ khiến thể tích máu tăng, tim sẽ phải hoạt động mạnh nhiều hơn để bơm máu cho cơ thể, dẫn đến tăng huyết áp.

An giam man anh 1

TS.BS Nguyễn Thị Hương Lan - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, rối loạn thị giác, nhồi máu cơ tim, suy tim, các bệnh lý liên quan đến thận và đột quỵ. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

An giam man anh 2

Tiêu thụ natri vượt mức quy định sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cùng khả năng đột quỵ.

Sử dụng muối đúng cách

Tại Việt Nam, theo khảo sát năm 2015 của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, người dân tiêu thụ trung bình khoảng 9,4 gr muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị.

Chính phủ đã phê duyệt và ban hành chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, trong đó thiết lập mục tiêu về lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (15-49 tuổi) phải giảm xuống dưới 8 gr/ngày vào năm 2025 và dưới 7 gr/ngày vào năm 2030.

An giam man anh 3

Khắc phục tình trạng tiêu thụ dư thừa muối thông qua thay đổi thói quen ăn uống và nấu nướng hàng ngày.

Hiện nay có các biện pháp chính để giảm tiêu thụ muối gồm:

Biết rõ hàm lượng natri trong thực phẩm: Người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên nhãn để chọn các sản phẩm ít muối. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng cho các sản phẩm có ghi nhãn và không hiệu quả với những món ăn chế biến tại nhà.

Giảm muối kết hợp sử dụng các thành phần tăng hương vị khác làm món ăn dễ “chấp nhận” hơn. Hiện nay trên thế giới, nhiều nghiên cứu và khuyến nghị đã xác nhận hiệu quả của bột ngọt trong việc giảm muối mà không làm giảm độ ngon của món ăn.

Lượng natri trong bột ngọt rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với muối ăn. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã hướng dẫn để người dân có thể sử dụng bột ngọt để thay thế một phần muối ăn, giúp tăng vị ngon cho thực phẩm ít muối, đồng thời giảm lượng muối ăn vào.

An giam man anh 4

Bột ngọt có thể thay thế một phần muối ăn giúp tăng vị ngon cho thực phẩm ít muối.

Sử dụng chất thay thế muối: Một số chất như kali clorua, canxi clorua hoặc magie clorua có thể thay thế muối để giảm lượng natri. Hiện nay, thị trường có một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm gia vị/thực phẩm giảm muối bằng việc thay thế một phần natri. Có thể kể đến xốt dùng ngay kho quẹt của Ajinomoto với công thức sử dụng chất thay thế muối kali clorua.

Chủ động giảm muối trong chế biến và ăn uống: Các cách tiếp cận biện pháp này bao gồm giảm lượng muối trong gia vị, không đặt lọ muối hoặc gia vị mặn trên bàn ăn và hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối.

Ngoài ra, bác sĩ Lan cũng chia sẻ để có thể tránh được ít nhất 80% rủi ro tử vong sớm vì bệnh lý tim mạch, người dân cần tránh 4 yếu tố nguy cơ gồm chế độ ăn uống, lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia.

Cụ thể, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập trung ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và muối. Song song đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể chất bằng cách thực hiện ít nhất 150 phút tập luyện thể dục mỗi tuần để cải thiện sức khỏe tim mạch và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, cần ngừng hút thuốc lá và hạn chế rượu bia. Hút thuốc và tiêu thụ quá nhiều rượu bia đều là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hơn hết, người dân cần có ý thức theo dõi sức khỏe định kỳ. Việc kiểm tra huyết áp, cholesterol, đường huyết thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch.

Đắc An

Bạn có thể quan tâm