Thực hiện thành công 1.000 ca thay khớp háng, 500 ca thay khớp gối, 500 ca nội soi khớp vai và gần 10.000 ca nội soi khớp gối… là thành tựu nổi bật của GS.TS.BS Trần Trung Dũng. Vị giáo sư trẻ tiên phong ở mảng phẫu thuật bảo tồn ứng dụng công nghệ 3D cá thể hóa trong ung thư xương tại Việt Nam.
GS.TS.BS Trần Trung Dũng hiệncông tác tại hệ thống y tế Vinmec của Tập đoàn Vingroup; đồng thời kiêm nhiệm vai trò Trưởng bộ môn Chấn thương Chỉnh hình, Viện Khoa học Sức khỏe và Giám đốc Chuyên môn Lab Công nghệ 3D trong y học tại Đại học VinUni.
Bác sĩ Trần Trung Dũng là một trong những giáo sư y học trẻ nhất Việt Nam hiện nay. Anh cũng là một trong những người tiên phong thực hiện phẫu thuật bảo tồn ứng dụng công nghệ 3D cá thể hóa trong ung thư xương tại Việt Nam. Ngay khi gia nhập Vinmec, GS Dũng và ê-kíp đã thực hiện thành công nhiều ca bệnh phức tạp như điều trị ung thư xương bỏ khối u mà không làm mất chân tay; kéo dài chân cho trường hợp ngắn hơn 20 cm có thể di chuyển không cần nạng; thiết kế, chế tạo và thay thế xương cánh tay cho bệnh nhân ung thư xương bằng vật liệu sinh học siêu nhẹ bảo tồn được giải phẫu và chức năng chi thể…
- Là một trong những chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật xương khớp tại Việt Nam, giáo sư nhận định lĩnh vực này của nước ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
- Về kiến thức tay nghề và kinh nghiệm điều trị, cá nhân tôi cho rằng các bác sĩ Việt Nam không hề thua kém thế giới. Cuộc cách mạng 4.0 mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ cao gần như bình đẳng cho tất cả quốc gia, trong đó có lĩnh vực y tế.
Ở khía cạnh nghiệp vụ, các bác sĩ Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin. Thế nhưng để theo kịp sự phát triển của y học khu vực và thế giới, cơ sở vật chất trang thiết bị cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Rất may mắn, nhờ cam kết phát triển hệ thống y tế hàn lâm vươn tầm quốc tế, Vinmec đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tiên tiến. Tại đây, chúng tôi được tiếp cận và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật, công nghệ trong khám chữa bệnh, thực hiện sứ mệnh “chăm sóc bệnh nhân bằng tài năng, y đức, sự thấu cảm”.
- Khi “cơ sở vật chất không còn là vấn đề”, các bác sĩ Việt Nam có thể đạt thành tựu gì?
- Tôi lấy ví dụ đơn giản, thế giới chỉ có khoảng 70 ca thay toàn bộ xương cánh tay thành công và hầu hết đều thực hiện tại các trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn, quy mô quốc tế.
Trong khi đó tại Vinmec, chúng tôi thực hiện thành công 2 ca. Đặc biệt, ca thay toàn bộ xương cánh tay đầu tiên trên thế giới với thiết kế cải tiến kết hợp 2 loại vật liệu bằng công nghệ 3D được ghi nhận.
Điều đó cho thấy khi có đủ điều kiện và cơ sở vật chất nâng đỡ, hỗ trợ thì công nghệ phẫu thuật của Việt Nam hoàn toàn sánh ngang với các nước phát triển.
- Vì sao công nghệ 4.0 có thể tạo ra “cách mạng” trong chấn thương chỉnh hình?
- Công nghệ in 3D đã khá quen thuộc, ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực của đời sống, trong đó có y học. Phương pháp này tạo ra bản sao có hình dáng kích thước tương tự phần cấu trúc giải phẫu của bệnh nhân, giúp tái tạo các tổn khuyết cơ thể một cách dễ dàng. Mức độ cao nhất của công nghệ in 3D trong y học là “in sinh học (bioprinting)” hay gọi nôm na là công nghệ in 4D.
In sinh học hỗ trợ tái tạo các bộ phận cơ thể bằng việc sử dụng vật liệu tế bào sống (bio-ink). Sản phẩm tái tạo này có thể sử dụng cho nghiên cứu, đào tạo và cấy ghép cho bệnh nhân trong tương lai. Tôi ví dụ, cách đây vài tháng, lần đầu tiên công nghệ thay xương khớp nhân tạo in 3D được Vinmec ứng dụng để thay thế đoạn xương đùi và khớp gối cho một người phụ nữ khuyết tật mất đoạn xương, thoái hóa khớp kèm theo biến dạng suốt 18 năm.
Chúng tôi cũng vừa phẫu thuật phục hồi thành công cánh tay cho một bệnh nhân ung thư xương. Đây là ca bệnh đầu tiên trên thế giới sử dụng kết hợp vật liệu giữa hợp kim titan và y sinh PEEK, dựa trên công nghệ in 3D… Tương lai của y học sẽ hướng đến “cá thể hóa, đặc biệt rõ hơn trong các chuyên nghành phẫu thuật.
- Chỉ hơn chục năm trước, nếu nói đến việc sử dụng máy in 3D để chế tạo bộ phận cơ thể người chắc chắn khó ai tin nổi. Thế nhưng hiện tại, điều này trở thành hiện thực. Theo giáo sư, tương lai của việc ứng dụng công nghệ in 3D vào y học sẽ ra sao?
- Công nghệ 3D không chỉ dừng ở mức tạo ra các bản thiết kế phẫu thuật, tham gia vào dẫn đường phẫu thuật, mà còn cho ra đời sản phẩm thay thế “đo ni đóng giày” cho từng bệnh nhân. Qua đó, chức năng của sản phẩm thay thế gần như không khác biệt so với xương khớp tự nhiên của con người.
Để hoàn thiện quy trình nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm từ in 3D, chúng tôi đã xây dựng một phòng nghiên cứu với quy mô hàng đầu Việt Nam, đặt tại Đại học VinUni. Phòng nghiên cứu mở ra cơ hội sản xuất trong nước các sản phẩm xương, khớp, mô nhân tạo chất lượng với giá thành phải chăng. Bước tiếp theo, chúng tôi dự kiến nghiên cứu để triển khai in 3D sinh học (3D bioprinting) - mức độ cao nhất của công nghệ in 3D. Điều này chắc chắn thành hiện thực trong thời gian không xa.
- Các công nghệ này đã phổ biến trên thế giới chưa, thưa giáo sư?
- Hiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Motion lab (công nghệ phân tích chuyển động) chỉ có tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore và Việt Nam ở Đại học VinUni. Trung Quốc có khoảng 4 Motion Lab nhưng dân số gấp khoảng 10 lần nước ta.
Các thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới được đầu tư tại Vinmec phù hợp định hướng chung của Tập đoàn Vingroup - dẫn đầu về công nghệ. Làm chủ công nghệ, thường xuyên cập nhật tiến bộ trong chấn thương chỉnh hình thế giới, chúng tôi đang thực hiện cam kết: Bệnh nhân Việt Nam được thụ hưởng chất lượng khám chữa bệnh cũng như dịch vụ chăm sóc ngang bằng các nước phát triển, đưa nền y học nước nhà vươn xa, sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới.
- Thay khớp háng cho 1.000 ca, thay khớp gối hơn 500 ca, thực hiện gần 10.000 ca nội soi khớp gối, hơn 500 ca nội soi khớp vai… đâu là bí quyết thành công trong những ca khó, thưa bác sĩ?
- Các chấn thương, bệnh lý xương khớp, đặc biệt ung thư xương, thường ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống sau điều trị như mất chi, tàn phế. Do đó, tìm ra phương thức phẫu thuật, vật liệu thay thế phù hợp từng trường hợp để bảo tồn đôi chân, cánh tay, giúp bệnh nhân duy trì sinh hoạt luôn là trăn trở của bác sĩ chấn thương chỉnh hình.
Để đạt được điều đó, tôi quay lại 2 yếu tố quan trọng cốt lõi - con người cần giỏi cả kiến thức, kinh nghiệm và tay nghề, công nghệ phải tiên tiếnhiện đại.Bác sĩ giỏi phải song hành công nghệ mới “làm nên chuyện”.
- Ông nhận định gì về hướng đi mới trong chấn thương chỉnh hình hiện đại?
- Đó là điều trị cá thể hóa, không sản xuất hàng loạt mà cần “đo ni đóng giày” theo thông số mỗi người. Điều quan trọng nằm ở chỗ tìm ra điểm khác biệt của từng bệnh nhân trước khi chữa trị. Và để đạt được tiêu chuẩn này, công nghệ phải được đầu tư mạnh mẽ.
Một bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm thực hiện phẫu thuật đạt mức độ tốt nhất. Thế nhưng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, bác sĩ đó có thể làm cho ca phẫu thuật trở nên hoàn hảo với độ chính xác gần như tuyệt đối. Do đó trong tương lai gần, những ứng dụng công nghệ vào y học sẽ càng mạnh mẽ, bên cạnh việc nâng cao độ chính xác, quá trình phẫu thuật được kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu sai sót biến chứng do chủ quan của con người.
- Nhiều lần ông chia sẻ nuôi hoài bão sánh ngang trình độ y học của các nước phát triển. Lộ trình hiện thực hóa ước mơ như thế nào?
- Trong 2 yếu tố con người và công nghệ, con người đóng vai trò quan trọng, là trung tâm của sự phát triển. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần tập trung cho con người, đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên. mong muốn để vận dụng vào thực tiễn và triển khai cần có tính toán hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Tiếp theo, cơ sở vật chất trang thiết bị, hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, chú trọng vào thực tiễn con người Việt Nam cũng như tạo điều kiện để chuyên gia, các bác sĩ tự do trong không gian học thuật nghiên cứu, sáng tạo cũng cần thiết. Đạt được 3 yếu tố đó, tôi tin hoài bão của mình cũng như tất cả người làm trong ngành y tế, từ quản lý đến chuyên môn, sẽ trở thành hiện thực vào một ngày không xa.
Bình luận