Đón Tết Nguyên đán, nhiều bạn trẻ đích thân vào bếp, lấp đầy khay bằng những loại bánh kẹo handmade. Ảnh: IdiM HCM. |
Sau khi nhận tiền thưởng cuối năm, Thảo Hà (26 tuổi, sống tại Bình Dương) đi thẳng đến cửa hàng bán đồ làm bánh, tìm mua nguyên liệu kẹo nougat (kẹo hạnh phúc). Tết năm nay, cô dự định làm khoảng 700 túi kẹo để tặng bạn bè và người thân, đồng thời đãi khách đến nhà.
Nhân viên văn phòng này tự nhận mình là "cô nàng order". Số lần vào bếp làm bánh kẹo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là lần hiếm hoi cô "xuống tay" hơn 2 triệu đồng để làm một loại kẹo.
"Kẹo nougat bán nhiều trên thị trường, chỉ cần bấm mua, nhưng lần này tôi muốn đích thân trộn nguyên liệu, nén kẹo, cắt viên và đóng túi để tạo niềm vui cho ngày Tết. Hơn nữa, kẹo do chính tay mình làm mang đi tặng cũng vui hơn, người nhận cũng thấy trân quý hơn", cô chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Không riêng Thảo Hà, trước Tết Nguyên đán 2 tuần, nhiều bạn trẻ cũng tất bật chuẩn bị một số món để nhâm nhi. Họ cho biết bản thân "yêu bếp" hơn trong những năm gần đây, bởi tự nấu nướng vừa tiết kiệm, vừa an toàn lại mang không khí Tết đến căn bếp.
Đầu tư mạnh tay cho bánh kẹo
Theo Thảo Hà, ngoài những người thân thiết của cô, kẹo nougat được làm số lượng lớn vì bạn bè của bố mẹ đến nhà rất đông vào ngày Tết. Để hoàn thành mẻ kẹo, cô mất khoảng 3 ngày. Việc trộn các nguyên liệu và dàn kẹo vào khuôn được thực hiện trong ngày đầu tiên, 2 ngày còn lại bắt đầu cắt kẹo và đóng túi.
"Loại kẹo này khá dễ, không khéo cũng làm được. Tôi đun chảy bơ trên chảo, sau đó cho kẹo dẻo marshmallow vào khuấy tan chảy và thêm từ từ sữa bột, các loại hạt và trái cây sấy. Bảo quản trong tủ lạnh cho cứng lại và đem cắt ra thành miếng. Sáng tôi đi làm, chiều về lại đeo tạp dề vào bếp để làm kẹo", cô nói.
Nhân viên văn phòng này cho biết việc rộn ràng chuẩn bị bánh kẹo khiến cô cảm thấy Tết đang đến gần. Ảnh: Thảo Hà. |
Thảo Hà cho biết ban đầu chỉ định làm vị truyền thống và dâu tây, nhưng matcha đang được ưa chuộng nên cô làm thêm vị này. Kết quả, độ ngon vượt ngoài mong đợi, mùi matcha làm viên kẹo thơm nức, cô dự đoán đây là vị nhanh hết nhất.
Trong khi đó, Minh Tâm (25 tuổi, sống tại TP.HCM) lại quyết định thay toàn bộ mứt truyền thống trong khay bằng các loại bánh ngọt nhà làm. Vốn thạo việc làm bánh kẹo Tết trong nhiều năm, cô chỉ mất một ngày để nướng trọn vẹn mẻ bánh. Từ sáng đến đêm, căn bếp luôn thơm lừng mùi bơ và trứng.
"Không thể phủ nhận mứt Tết truyền thống mang nét văn hóa riêng, nhưng lại chứa lượng đường không ít bởi sử dụng phương pháp cô đặc trên lửa. Do đó, tôi muốn tự làm bánh để kiểm soát độ ngọt và nguyên liệu đầu vào, nếu có ăn nhiều cũng đảm bảo về mặt sức khỏe", Minh Tâm bày tỏ.
Khay bánh của cô hiện lấp đầy bởi 5 loại bánh, gồm bánh quy chocolate chip, bánh crinkle chocolate, bánh quy nhân mứt trái cây và bánh dừa sấy. Riêng bánh bao bơ sẽ bảo quản trong tủ đông và ăn dần trong những ngày Tết lười nấu nướng.
Bánh ngọt là lựa chọn thay thế lý tưởng cho khay bánh kẹo Tết. Ảnh: Minh Tâm. |
Giống với Thảo Hà và Minh Tâm, 150 chiếc là số lượng bánh thuyền hạt được Giang Khả Di (23 tuổi, sống tại TP.HCM) làm để nhâm nhi trong những ngày Tết. Cô cho biết bản thân không thích hương vị có phần "công nghiệp" của bánh kẹo đóng gói nên sẵn sàng đứng bếp nhiều giờ, miễn sao có bánh ngon.
"Tôi chọn các loại hạt chất lượng, trộn cùng siro ngô và đường vàng, sau đó rải đều trên đế bánh và nướng đến khi dậy mùi. Nguyên liệu của loại bánh này khá 'nặng túi', tổng hóa đơn khoảng 1,3 triệu đồng", Khả Di nói.
Biến món cũ thành mới
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều bạn trẻ chọn sử dụng nguyên liệu ít béo, mới mẻ để đổi vị cho các món ăn "quen đến ngán". Trong khi đó, số khác lại bỏ công ủ kombucha thành bia nồng độ nhẹ để kích thích vị giác. Ngọc Vy (24 tuổi, sống tại TP.HCM) là một trong số đó.
Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh suốt năm 2024, việc đưa chiếc bánh truyền thống có thể chứa đến 2.000 calo vào cơ thể khiến cô lo lắng. Vì thế, cô quyết định gói bánh chưng và bánh tét phiên bản "healthy", thay gạo nếp bằng gạo lứt đen, giảm lượng đậu xanh và dùng cá hồi làm nhân.
Bánh chưng gạo lứt giảm đáng kể lượng chất béo, chống ngấy so với bánh chưng truyền thống. Ảnh: Ngọc Vy. |
"Đây đều là các nguyên liệu ít calo, nhiều dinh dưỡng, vẫn mang lại hương vị hấp dẫn. Gạo lứt có mùi thơm đặc trưng và độ sần sật, nhai rất thích. Đậu xanh trộn cùng trứng muối giúp tăng độ béo đáng kể, phần thịt cá hồi cũng chắc hơn thịt mỡ. Về tổng thểm bánh chưng gạo lứt ăn lạ miệng, lâu ngấy hơn", Ngọc Vy miêu tả.
Sau 7 tiếng đứng bếp, cô gói tổng cộng 3 bánh chưng và 2 bánh tét cỡ lớn. Tất cả được cấp đông để dùng cho bữa cơm tất niên và đầu năm, đồng thời giảm bớt áp lực nấu nướng để vui Tết.
Tương tự, các lọ bia gừng và táo cho ngày Tết từ con giống scoby cũng được Lê Phương Thùy (22 tuổi, sống tại Đồng Nai) ủ cách đây một tuần, khi cô đã bắt đầu ngán trà kombucha nguyên bản.
Bia lên men tự nhiên tốt cho sức khỏe, lại có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với bia thông thường. Ảnh: Lê Phương Thùy. |
Chia sẻ về loại bia lên men tự nhiên này, Phương Thùy nói: "Bia gừng chỉ cần cho gừng thái nhỏ, đường và đậy kín để lên men. Riêng bia táo cần dùng kombucha F1, sau đó cho táo và ủ thành F2. So với bia thông thường, bia lên men tự nhiên sủi ga mạnh như champagne, mùi thơm cuốn hút. Ngoài ra, loại bia này cũng đảm bảo an toàn khi đi đường vì nồng độ cồn ở mức rất thấp".
Khi mẻ bia đủ thời gian, cô sẽ cho vào chai thủy tinh nắp gài, bảo quản lạnh. Trong buổi họp bạn bè mặt đầu năm, cả nhóm sẽ dùng bia lên men tự nhiên thay cho các lon bia khui.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.