Thế giới ôtô bắt đầu chú ý hơn đến xe điện kể từ khi Tesla xuất hiện vào cuối thập niên 2000. Tiếp đó, mất nhiều năm liền để các nhà sản xuất ôtô truyền thống nghiên cứu những nền tảng công nghệ đủ sức ứng dụng vào thực tế. Cùng với sự ra đời của hàng loạt công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới đầu tư vào phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Còn trong khoảng 2 năm trở lại đây, thêm một làn sóng mới đáng chú ý xuất hiện, hứa hẹn góp phần định hình và đẩy nhanh quá trình phát triển của kỷ nguyên xe điện trong thế kỷ 21. Đó là sự lấn sân của những ông lớn trong ngành công nghệ sang mảng xe điện.
Apple và các đối thủ muốn mở rộng kinh doanh
Cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách những tập đoàn, công ty công nghệ lớn đang tìm cách sản xuất xe điện là Apple. Với tiềm lực tài chính dồi dào và nền tảng công nghệ tiên tiến, Táo khuyết được cho sẽ trở thành đối thủ xứng tầm của Tesla khi bước vào sản xuất xe tự hành chạy điện.
Thông tin về các động thái tiến hành dự án Apple Car liên tiếp xuất hiện trên truyền thông từ năm 2020. Đó là việc đàm phán bất thành với Hyundai Motor, chuyển hướng hợp tác với các hãng xe Nhật Bản, các đối tác thành lập công ty để sản xuất pin, mua trung tâm thử nghiệm ôtô 125 triệu USD hay tự nghiên cứu công nghệ pin mới.
Dù vậy, công ty có trụ sở tại California, Mỹ, nhiều lần im lặng và không xác nhận bất kỳ thông tin nào, cũng không có hình ảnh hay tài liệu cụ thể gì bị rò rỉ. Điều này phần nào cho thấy Apple muốn chuẩn bị kỹ càng cho dự án xe điện, một lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy khó khăn.
Bản thiết kế mẫu xe điện của Apple theo ý tưởng của của Jan Peisert. Sản phẩm này có thể được bắt đầu sản xuất từ năm 2024. |
Đối tác sản xuất chính của Apple là Foxconn cũng không đúng ngoài cuộc. Từ tháng 10/2020, công ty Đài Loan bước đầu triển khai việc nghiên cứu xe điện bằng việc tiết lộ nền tảng phần cứng và phần mềm mở có thể tùy chỉnh được gọi tắt là MIH, Nikkei đưa tin.
Mới đây, một mẫu sedan điện được cho là của Foxconn phát triển được bắt gặp trong quá trình vận chuyển. Hình ảnh đăng tải bởi Autohome cho thấy chiếc xe gần như đã hoàn thiện và đủ khả năng chạy thực tế để thử nghiệm.
Trong khi đó, đối trọng một thời của Apple trong mảng kinh doanh thiết bị điện tử là Huawei đã tìm đến các mảng kinh doanh khác sau khi chịu các lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ, trong đó có ôtô chạy điện.
Dù chưa phải là xe thuần điện, Huawei ít nhiều đã có chiếc ôtô đầu tiên khi hợp tác cùng Cyrus. Chiếc xe gầm cao Huawei Seres SF5 được giới thiệu hồi tháng 4 tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải 2021 có máy xăng 1.5L kết hợp cùng 2 mô-tơ điện, một dạng động cơ hybrid để làm tiền đề cho các sản phẩm xe điện tiếp theo.
Mẫu ôtô đầu tiên của Huawei xuất hiện tại triển lãm Thượng Hải hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Tiếp bước Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc mới nhất thể hiện tham vọng cạnh tranh trên thị trường xe điện là Xiaomi. Xiaomi EV Inc vừa được thành lập sẽ được điều hành trực tiếp bởi Lei Jun, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Xiaomi.
Công ty xe điện của Xiaomi bước đầu có 300 nhân sự, đi cùng mức đầu tư ban đầu là 10 tỷ NDT, tương đương 1,55 tỷ USD. Bên cạnh khi đó, kế hoạch dài hạn của Xiaomi EV được cho là đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong thập kỷ này để xây dựng vị thế trong ngành xe điện.
Cạnh tranh bằng công nghệ
Có thể thấy, xu hướng các nhà sản xuất thiết bị điện tử tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực mới xuất phát từ việc thị trường điện thoại thế giới bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, trong khi xe điện đang là lĩnh vực có sự phát triển mạnh mẽ, cả về công nghệ lẫn quy mô bán hàng. Ngày càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành lộ trình “khai tử” ôtô dùng nhiên liệu hóa thạch, mở đường cho xe điện bùng nổ trong tương lai.
Và để có thể bắt kịp các hãng ôtô dày dạn kinh nghiệm đã bước đầu đưa xe điện vào thương mại hóa, những công ty công nghệ chọn cách bắt tay với những đối tác giàu tiềm năng, từ đó rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư vào khung gầm, pin hay thiết kế.
Tại Trung Quốc, trước khi Huawei và Xiaomi có những động thái rõ ràng trong mảng xe điện, đã có nhiều thương vụ đáng chú ý giữa các công ty công nghệ lớn với những nhà sản xuất ôtô.
Baidu cùng Zhejiang Geely Holding Group thành lập liên doanh sản xuất xe điện thông minh. Alibaba góp vốn vào công ty chung với SAIC Motor, hãng ôtô lớn nhất Trung Quốc. Hay như dịch vụ chia sẻ xe Didi Chuxing hàng đầu ở đất nước tỷ dân hợp tác với BYD để phát triển xe điện dành riêng cho khách hàng gọi xe công nghệ.
Hai mẫu xe điện xuất hiện tại buổi ký kết hợp tác giữa Alibaba và SAIC Motor đầu năm 2021. Ảnh: Carscoops. |
Song song với giải pháp xây dựng liên minh cùng các đối tác có tiềm lực, những công ty công nghệ còn muốn chuyển đổi ôtô từ phương tiện vận tải thông thường thành các sản phẩm di chuyển và kết nối hiện đại trong tương lai. Chìa khóa của định hướng này là công nghệ tự hành và thông tin liên lạc.
Tại Mỹ, vài năm qua Amazon và Alphabet đã âm thầm xây dựng ảnh hưởng trong ngành ôtô. Nếu công ty của tỷ phú Jeff Bezos rót vốn vào hãng xe điện Rivian thì công ty mẹ của Google đầu tư không ít tiền của và nhân sự cho dịch vụ taxi tự hành Waymo.
Xe tự hành cũng được cho là định hướng chính mà Apple muốn xây dựng cho sản phẩm ôtô của mình. Dự án có tên gọi nội bộ Project Titan nhiều khả năng sẽ giới thiệu một phương tiện mang logo táo khuyết và không có vô-lăng.
Trong khi đó, kết nối 5G là lựa chọn xây dựng thành lợi thế của các công ty công nghệ Trung Quốc, điển hình là Huawei. Hồi tháng 4, đại diện của Huawei đã nói với Reuters rằng hãng không phải là nhà sản xuất ôtô, dù rằng khi đó Huawei vừa công bố sản phẩm 4 bánh đầu tiên là Seres SF5.
Tuy nhiên, thông qua công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Huawei hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp linh kiện bổ sung mới và hướng đến ôtô kỹ thuật số, cho phép các công ty cung ứng trong ngành ôtô chế tạo những phương tiện tốt hơn, người phát ngôn của Huawei nói.
VinFast đầu tư nhiều công nghệ cho các dòng xe điện sắp ra mắt. Ảnh: VinFast. |
Cuối tháng 8, công ty “anh em” của VinFast là VinAI đã giới thiệu 3 công nghệ thông minh trên ôtô, đáng chú ý có hệ thống tự lái đạt cấp độ 2+ sử dụng camera, radar, bản đồ và các cảm biến để tự tính toán cũng như đưa ra các quyết định điều khiển tối cho xe.
Gần như chắc chắn công nghệ tự hành này sẽ có mặt trên các dòng xe điện VinFast sắp ra mắt thị trường. Hãng xe Việt Nam từng cho biết 3 model VF e34, VF e35 và VF e36 đều sở hữu tính năng tự hành cấp độ 2-3 đi kèm 30 tính năng thông minh khác.