Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiện tượng đau bụng, buồn nôn khi quá căng thẳng

Những cơn đau xuất hiện đột ngột, thậm chí kéo dài ở vùng bụng trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu của vấn đề tâm lý thay vì thể chất.

Đứng chờ trước cửa phòng thi, C.D.Đ. (nam, 18 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đột nhiên nhận ra cảm giác đau quặn ở vùng bụng và nôn khan. Dù chỉ là ngày thi thử nhằm chuẩn bị cho kỳ thi ứng tuyển vào đại học sắp tới, Đ. vẫn đặt khá nhiều kỳ vọng cũng như công sức vào việc ôn tập trước đó.

“May mắn là sau khi vào phòng thi, cảm giác đau cũng giảm bớt. Trước đây, em cũng từng nhiều lần bị vậy rồi nhưng sau lại hết nên chắc không sao”, Đ. chia sẻ.

Trên thực tế, những trường hợp tương tự Đ. không hiếm. Nhiều bệnh nhân thậm chí xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 15 tuổi, có tình trạng đau bụng suốt 2 năm, nhiều lần nhập viện kiểm tra nhưng không phát hiện bất thường.

Tuy nhiên, gia đình cung cấp thông tin bệnh nhân này thường có những cơn đau dữ dội ở vùng thượng vị trước các kỳ thi. Sau khi trẻ thi xong, tình trạng này lại nhanh chóng thuyên giảm hoặc chấm dứt.

“Sau khi xem xét nhiều yếu tố, bệnh nhân này nhiều khả năng bị stress quá mức, không kiểm soát được và dẫn đến đau bụng, buồn nôn”, tiến sĩ Tâm lý giải.

dau bung khi cang thang anh 1

Cảm giác đau bụng, nôn khan thường xuyên xuất hiện khi căng thẳng không hiếm gặp. Ảnh minh họa: roadtripwithraj.

Vị chuyên gia chẩn đoán trường hợp trên mắc bệnh cơ thể tâm sinh, một dạng bệnh lý sinh ra bởi nguyên nhân tâm lý. Với bệnh lý này, các triệu chứng có thể giảm sau khi uống thuốc nhưng sẽ lại xuất hiện nếu căng thẳng.

Do đó, bác sĩ cho biết bệnh nhân sẽ cần điều trị tâm lý, theo dõi song song với sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Không chỉ đau bụng, theo tiến sĩ Tâm, tình trạng căng thẳng quá mức trong nhiều trường hợp còn gây đau dạ dày, tăng tiết dịch vị, đau đầu, buồn nôn, thậm chí có thể ngất,...

Tránh nhầm lẫn

Theo tiến sĩ Trần Thị Hà An, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tâm lý và cơ thể sẽ luôn phản ứng với stress. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những biểu hiện ở mức độ khác nhau.

“Một số người xuất hiện tình trạng đau đầu, đau bụng, có người lại sinh tâm lý u uất, buồn bã, chán nản”, vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là những trường hợp có triệu chứng trên cơ thể thường đến bệnh viện muộn hơn do dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa thay vì khám sức khỏe tâm thần.

Tiến sĩ Hà An cho hay tình trạng stress thường gặp ở những người có sức khỏe không tốt, tính cách lãng mạn và sống khép kín. Những trường hợp thiếu ý chí, nghị lực hay nhút nhát, mặc cảm, tự ti,... cũng dễ xuất hiện tình trạng căng thẳng, áp lực.

Về lý thuyết, có 2 dạng stress phổ biến là cấp tính và mạn tính. Trong đó, stress cấp tính là dạng ngắn hạn và được tạo ra từ các nhu cầu, sự kiện hoặc áp lực ở quá khứ cũng như tương lai gần.

dau bung khi cang thang anh 2

Nhiều trường hợp bị nhầm lẫn giữa stress và các bệnh lý nội khoa. Ảnh minh họa: yosi_prihantoro.

Những ví dụ tiêu biểu về stress cấp tính là lo lắng về tiền bạc, mất việc, gây tai nạn, thi cử, người thân trong gia đình qua đời, bị thương nặng,...

Mặt khác, stress mạn tính là dạng lâu dài, thường lặp đi lặp lại với các tác nhân tồn tại trong một thời gian dài và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được xử lý phù hợp, kịp thời.

Stress mạn tính có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, dẫn đến một số bệnh về tinh thần và thể chất như trầm cảm, các bệnh tim mạch,...

"Dẫu vậy, stress đôi khi cũng là phép thử với con người. Sau mỗi lần vượt qua stress, chúng ta có thể hoàn thiện và trưởng thành hơn", bác sĩ Tâm nói.

Vị chuyên gia khuyến cáo cha mẹ luôn là người gần gũi với con nhất, do đó nên chú ý quan sát và phát hiện những thay đổi trong cảm xúc cũng như sức khỏe thể chất, việc ăn uống, ngủ, sinh hoạt hàng ngày nếu có khác thường.

Tiến sĩ An nhấn mạnh chúng ta không tự ý cho trẻ dùng thuốc để bớt buồn ngủ, đồng thời tránh ép buộc hay so sánh trẻ với người khác. Song song với đó, cha mẹ nên thường xuyên động viên và cho trẻ thời gian nghỉ ngơi.

“Không nên áp đặt tiêu chí quá cao hay có thái độ buông bỏ trước nỗ lực của trẻ”, bà nhấn mạnh.

Phụ huynh cũng có thể thay đổi chế độ ăn, loại bỏ các món gây kích thích dạ dày như thịt nguội, thực phẩm chế biến sẵn, món chua, cay, cà phê,...

Trong trường hợp trẻ có biểu hiện bất thường, chống đối, cãi vã, cha mẹ nên đưa đi con tới bệnh viện khám tâm lý sớm để được can thiệp kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thủ phạm khiến bạn càng ăn càng căng thẳng

Proline trong thực phẩm và huyết tương có mối liên hệ chặt nhất với tình trạng stress của các tình nguyện viên tham gia khảo sát.

Học sinh giỏi, ngoan dễ bị trầm cảm hơn

Từng có học lực khá, giỏi nhưng cuối lớp 12, việc học của Nam sa sút. Căng thẳng, stress, em tự làm đau bản thân để thấy dễ chịu hơn.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm