Chuyên gia dịch tễ cho rằng trong thời điểm công bố dịch, ngành y tế sẽ được ưu tiên hàng đầu, người dân sẽ có sự quan tâm đúng mức về bệnh sởi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 27/8, UBND TP.HCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố, trong bối cảnh số ca bệnh lan rộng khắp các quận, huyện; 3 trẻ không qua khỏi và hơn 500 ca dương tính.
Để tăng cường phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan ban ngành, người dân thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.
Công bố dịch có ý nghĩa gì?
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh sởi thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, thẩm quyền công bố dịch thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của giám đốc sở y tế.
Công bố dịch bệnh truyền nhiễm là một nội dung được quy định tại Điều 38 Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm do Quốc hội khóa XII ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2008.
Nếu dịch sởi bùng phát, chúng sẽ tấn công vào những nhóm nguy cơ, điều trị rất tốn kém, tốn nhân lực, nguy cơ không qua khỏi cao
BS Trương Hữu Khanh
Việc công bố dịch phải đảm bảo nguyên tắc “mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố” và “việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền”.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm là hành động thiết thực, người dân sẽ quan tâm đúng mức đến dịch bệnh và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
"Năm 2014, chúng ta trải qua đợt dịch sởi lớn ở khu vực miền Bắc và ở miền Nam là năm 2018-2019. Từ đó đến nay, số ca xuất hiện rất rải rác. Năm nay, dịch sởi bùng phát trở lại không phải dấu hiệu lạ. Người dân không nên quá lo lắng trước thông tin công bố dịch. Việc cần làm là phòng bệnh và tiêm chủng vaccine đầy đủ", BS Khanh nói.
Khu cách ly, điều trị trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Khương Nguyễn. |
Vị chuyên gia cho hay khi công bố dịch sởi, thành phố sẽ huy động nguồn lực tốt hơn để phòng chống dịch như bổ sung vaccine, cử đội ngũ chống dịch và quan trọng nhất là kêu gọi sự tham gia của cộng đồng.
"Nếu dịch sởi bùng phát, chúng sẽ tấn công vào những nhóm nguy cơ như trẻ suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh, bệnh tiêu hóa mạn tính, chưa tiêm chủng... điều trị rất tốn kém, tốn nhân lực, nguy cơ không qua khỏi cao", BS Khanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ thành phố đã trải qua rất nhiều đợt dịch ở các bệnh khác nhau. Chúng ta cần hiểu rằng để phòng chống dịch không chỉ có ngành y tế mà còn cần sự chung tay của người dân, truyền thông, giáo dục và các ngành khác.
"Bệnh sởi lây lan rất nhanh, một ca bệnh sởi có thể lây 12-18 người. Bệnh sởi có tỷ lệ lây cao nhất trong tất cả bệnh lý truyền nhiễm. Khi miễn dịch cộng đồng đạt 95% mới không mắc bệnh sởi, bảo vệ được người dân", bác sĩ Quy lo ngại
Tuy nhiên, con số này ở TP.HCM chưa đạt được, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong số 49 ca nhập viện thì 100% là không tiêm vaccine sởi.
1 ca sởi có thể lây cho 12-18 người
Theo bác sĩ Quy, trẻ em, đặc biệt là dưới 5 tuổi, rất dễ bị lây nhiễm bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra.
Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%.
Một ca bệnh sởi có thể lây 12-18 người. Bệnh sởi có tỷ lệ lây cao nhất trong tất cả bệnh lý truyền nhiễm
BSCKII Dư Tuấn Quy
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gián đoạn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chủng sởi trong cộng đồng đang sụt giảm, số ca bệnh tích lũy qua các năm lớn sẽ là nguy cơ cho dịch bùng phát.
"Khi bác sĩ hỏi phụ huynh vì sao không tiêm ngừa, họ nói rằng bệnh sởi điều trị được nên không cần tiêm vaccine. Như vậy, khi công bố dịch thì người dân sẽ hiểu hơn về bệnh sởi, họ sẽ đi tiêm vaccine. Nếu không tiêm vaccine sởi đầy đủ, dịch bệnh dễ lây lan rộng ra cộng đồng và ảnh hưởng đến những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, trẻ em", BS Quy nhận định.
Theo bác sĩ Quy, công bố dịch đúng thời điểm, chính xác sẽ mang lại hiệu quả to lớn, giúp người dân cùng chung tay chống dịch, đồng lòng đi tiêm vaccine.
"Trong thời điểm công bố dịch, ngành y tế sẽ được ưu tiên hàng đầu, người dân sẽ có sự quan tâm đúng mức về bệnh sởi", bác sĩ Quy nói.
Biểu hiện đặc trưng của trẻ mắc bệnh sởi và các nốt phát ban đỏ trên da. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, cho hay chiến dịch tiêm vaccine bổ sung sởi - rubella sẽ được triển khai cho tất cả trẻ đang sống tại TP.HCM từ 1 đến 5 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng vaccine này trước đó.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, phụ huynh cần lưu ý kiểm tra ngay sổ tiêm chủng của con mình. Với những ô có chữ “bệnh sởi”, phụ huynh đếm xem đã được ghi đủ 2 lần tiêm vaccine có chứa thành phần “sởi” hay chưa, bất kể đã tiêm vaccine gì.
Nếu trong sổ tiêm chủng chỉ ghi có một ngày tiêm hoặc chưa có ngày tiêm nào, hãy nhanh chóng đưa con đến trung tâm y tế địa phương hoặc đơn vị tiêm chủng của bệnh viện gần nhất để được bổ sung.
Theo bác sĩ Hiền Minh, những trường hợp dưới đây cần tuân thủ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi:
- Phụ nữ có kế hoạch sẽ có thai trong 3 tháng sắp đến, cần hoàn tất đủ 2 mũi vaccine sởi - quai bị - rubella. Tuyệt đối không có thai trong thời gian tiêm vaccine và một tháng sau tiêm vaccine.
- Người lớn trong gia đình, đặc biệt là những người đang trực tiếp chăm sóc các bé nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Các bảo mẫu và giáo viên trường mầm non.
- Trẻ em không biết rõ về lịch sử tiêm chủng trước đây và đang có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như: nhiễm HIV, sau ghép tạng, đang điều trị ung thư, đang chạy thận nhân tạo, cắt lách hoặc không có lách, mắc bệnh lupus, hội chứng thận hư...
Vaccine sởi có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
Cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể sản xuất đủ kháng thể bảo vệ tránh virus sởi. Trong khoảng thời gian này, những người lớn có nguy cơ mắc sởi hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi cần tránh tiếp xúc với trẻ.
Được sống thật với chính mình luôn là một hạnh phúc. Trong cuốn sách "Sống thật để thật sự sống", người đọc được khuyến khích mở rộng tâm trí đón chào tiềm năng hiểu biết và yêu thương, đồng thời đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và thực tế để sống dựa trên sự tử tế đó.