![]() |
Tác phẩm Les Poseuses Ensemble (Petite version) (1888) của Georges Seurat được đưa ra đấu giá trong phiên bán bộ sưu tập Paul Allen tại nhà Christie’s ở New York năm 2022. Giá trị phiên đấu giá lên đến hơn 1 tỷ USD. Ảnh: Jeenah Moon/The New York Times. |
Từ Sotheby’s, Christie’s đến Phillips, các phiên đấu giá lớn mùa xuân tại New York (Mỹ) ghi nhận tổng doanh thu 1,27 tỷ USD từ các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ công ty phân tích thị trường đấu giá Pi-eX (Anh).
Sự sụt giảm này phản ánh rõ rệt không khí trầm lắng của thị trường và tâm lý dè dặt của giới sưu tập toàn cầu, Artnet đưa tin.
Tác phẩm được kỳ vọng nhất mùa này là tượng đồng Grande tête mince (Grande tête de Diego) của Alberto Giacometti, được Sotheby’s định giá khởi điểm 70 triệu USD, nhưng không có người mua. Tác phẩm Big Electric Chair (1967) của Andy Warhol, ước tính khoảng 30 triệu USD, bị rút khỏi phiên đấu giá của Christie’s vào phút chót để tránh "ế hàng".
Nghệ thuật không còn là “cuộc chơi an toàn”
Vài tháng trước, giới chuyên gia vẫn còn hy vọng thị trường sẽ sớm phục hồi. Nhưng thực tế, năm 2025 đang dần trở thành năm thứ ba liên tiếp thị trường nghệ thuật toàn cầu đi xuống.
Christine Bourron, CEO của Pi-eX, cho biết: “Hiệu ứng ‘Trump bump’ đã biến thành ‘Trump slump’ (suy thoái dưới ảnh hưởng Trump)”.
Những tuyên bố về chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ hồi tháng 4 khiến giới đầu tư bất an. Với một thị trường vốn phụ thuộc vào sự tin tưởng của giới sưu tập thượng lưu, điều này chẳng khác nào một cú đạp phanh bất ngờ.
Chỉ cần một thương vụ như tượng Giacometti thành công, mọi thứ có thể đã khác. Nhưng mức giá 70 triệu USD, trong bối cảnh đầy biến động hiện nay, là quá tham vọng, ngay cả với một “tượng đài” nghệ thuật như Giacometti.
Giới chuyên gia nhận định thị trường đang trải qua một “biến động cấu trúc sâu sắc”.
Clayton Press, nhà sưu tập, cố vấn nghệ thuật và giảng viên tại Đại học New York, bình luận: “Nghệ thuật đã trở nên quá đắt đỏ. Ngày càng ít người sẵn sàng trả giá cao, kể cả với tác phẩm loại A. Thị trường cần một sự thay đổi, và có lẽ điều đó đã đến lúc”.
![]() |
Độ tuổi trung bình của người mua tại các hội chợ như Art Basel ngày càng tăng, một yếu tố có thể tác động sâu sắc đến thị trường nghệ thuật trong tương lai. Ảnh: David Owens. |
Trong suốt nhiều thập kỷ, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại, đã trở thành “kênh đầu tư sang chảnh” của giới siêu giàu toàn cầu. Tuy nhiên, khi thế giới đối mặt với chiến tranh, lạm phát, lãi suất cao và khủng hoảng niềm tin, ngay cả những nhà sưu tập lâu năm cũng trở nên thận trọng.
Tại hội nghị Art for Tomorrow tại Milan (Italy) hồi tháng 5, Massimo De Carlo, chủ phòng tranh cùng tên, nhận định: “Từ thập niên 1980, nghệ thuật được quảng bá như một khoản đầu tư hấp dẫn. Nhưng đầu tư luôn đi kèm rủi ro. Giờ là lúc chúng ta cần một câu chuyện mới, nhân văn và gắn bó hơn với nghệ thuật đích thực”.
Thế hệ mới không còn “mê” nghệ thuật?
Một thách thức lớn của thị trường là khoảng cách thế hệ. Các nhà sưu tập truyền thống, nhóm khách hàng cốt lõi, đang già đi, trong khi thế hệ kế thừa vẫn chưa sẵn sàng thay thế.
Dù ước tính sẽ có 70 nghìn tỷ USD chuyển giao tài sản cho các thế hệ sinh sau năm 1965 trong thập kỷ tới, không rõ bao nhiêu người trong số họ sẽ chi hàng chục triệu USD cho tác phẩm của các nghệ sĩ “da trắng, nam giới, đã mất” - những cái tên từng thống trị thị trường.
Ông Press kết luận: “Có quá nhiều nghệ sĩ, quá ít nhà sưu tập, và nhu cầu quá yếu. Thị trường đang bão hòa. Các phòng tranh vẫn đẩy giá lên vì chi phí duy trì cao. Nhưng cảm giác chung là mọi thứ đang trở nên đơn điệu”.
Với giới trẻ, ký ức quý giá không nằm trong một bức tranh treo tường mà có thể là một đêm nhạc ở Glastonbury hay một chuyến Airbnb đến Lisbon. Với họ, chiếc điện thoại thông minh mới là “tác phẩm nghệ thuật” gắn bó nhất.
Một ví dụ rõ nét là nghệ sĩ Los Angeles Jennifer Guidi từng là “sao sáng” trên thị trường thứ cấp vào năm 2021, khi tranh cát trừu tượng của cô được đấu giá tới 625.000 USD. Tuy nhiên, năm ngoái, giá đấu cao nhất chỉ còn 200.000 USD. Dù vậy, tại phòng tranh De Carlo ở Milan, giá niêm yết các tác phẩm mới của cô vẫn ở mức gấp đôi.
Drew Watson, Giám đốc bộ phận nghệ thuật tại Bank of America, chia sẻ: “Giờ là thời điểm thị trường nhạy cảm về giá. Sau đại dịch, dòng tiền đổ vào nghệ thuật nhờ lãi suất thấp và tâm lý đầu tư mạnh. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác”.
Sự bất mãn với giá cả và cấu trúc thị trường cũng đang lan rộng. Nhà sưu tập nổi tiếng người Trung Quốc Ding Yixiao gần đây đăng bán nhiều tác phẩm trên Instagram với mức giảm mạnh. Anh chỉ trích gay gắt việc các phòng tranh ép khách “mua trọn gói”, cấm bán lại và phí hoa hồng lên đến 26% của các nhà đấu giá.
Ông Watson dự đoán thị trường nghệ thuật sẽ cần thời gian để phục hồi sau "giai đoạn hoàng kim" năm 2021-2022.
“Chúng ta cần hiểu luật chơi mới, và xây dựng lại từ đó”, ông nói.
Nếu như trước đây, nghệ thuật là một phần trong "nghệ thuật của các cuộc thương vụ", tương lai có thể sẽ là lúc nghệ thuật trở về đúng nghĩa, nói về giá trị văn hóa, chứ không còn chỉ là tài sản đầu tư.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.