Triển lãm chung giữa 2 họa sĩ trẻ Lê Thế Lãm và Phạm Thanh Toàn đang thu hút sự chú ý của giới yêu nghệ thuật. Đây không phải là lần đầu tiên 2 nghệ sĩ thực hiện triển lãm chung, dù có phong cách sáng tác khác biệt. |
Chủ đề chính của triển lãm gói gọn trong từ "Shaman" (SAMAN), một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Tungus của Siberia, có nghĩa là "Người biết tất cả". Với người họa sĩ, họ cho rằng vạn vật đều có cội nguồn. Bên cạnh đó, thế giới tâm linh luôn có mối liên hệ với thế giới tự nhiên, từ đó thế giới quan trong mỗi tác phẩm là những điều huyền bí, ảo ảnh phi thường. |
Bộ tranh lần này được họa sĩ Phạm Thanh Toàn vẽ về cánh đồng mùa vụ lúa đông xuân ở tỉnh Quảng Bình, nơi anh từng sinh sống và làm ruộng mỗi ngày cùng với gia đình. "Tôi đặc biệt nhớ mùi của cánh đồng, mùi bùn, mùi rạ thối, mùi khói đốt đồng… Chúng quyến rũ hơn tất cả những mùi khác mà tôi đã từng biết qua, có lẽ vì đó là mùi của sự sống mới, của hy vọng", anh viết về cảm hứng hình thành ra những tác phẩm của mình. |
Những bức tranh khổ lớn ấn tượng của Phạm Thanh Toàn lấy lớp đất bùn phù sa và rơm khô trên cánh đồng quê trộn với dung môi để làm nguyên liệu màu vẽ. Nông cụ cày bừa, cùng một số kỷ vật của gia đình anh được chuyển từ Quảng Bình vào TP.HCM, nhằm giúp họa sĩ trẻ lấy cảm hứng để hoàn thành các tác phẩm. |
Còn đối với Lê Thế Lãm, "chập chờn" là những gì anh muốn thể hiện trong những nét cọ của mình: "Tôi là ai? Bạn là ai? Chúng ta là gì? Chúng ta có thực sự đang tồn tại, hay chỉ đang đắm chìm trong những ảo ảnh chắp vá, mơ hồ, mà tâm trí mãi mãi không thể chạm tới". |
Đó là những câu hỏi Lê Thế Lãm đặt ra trong suốt quá trình hình thành những bức tranh. Họa sĩ trẻ đến nay vẫn đang cố vùng vẫy trên con đường chật hẹp của cuộc đời, cố tìm cho mình một con đường rộng mở để bước đi một cách tự do, hoang dại. |
Nguyễn Như Huy, giám tuyển triển lãm, cho rằng Lê Thế Lãm và Phạm Thanh Toàn là 2 trong số ít họa sĩ trẻ đáng xem nhất hiện nay. "Họ đều có kỹ thuật vững vàng, suy tư vừa xa rộng và trừu tượng, vừa cụ thể và chân thật. 26 bức tranh trong triển lãm lần này đã chứng minh 2 họa sĩ trẻ là những người có tri thức về văn hoá thị giác của thời đại, và luôn biết tìm cách phá vỡ giới hạn về kỹ thuật và sự mong đợi của công chúng", ông nhận xét. |
Triển lãm đôi của 2 hoạ sĩ Lê Thế Lãm và Phạm Thanh Toàn đang diễn ra tại không gian của Hội Mỹ Thuật TP.HCM, từ ngày 12/12 đến hết ngày 18/12. |
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.