Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hôm nay, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển đại học

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ từ 8h hôm nay, 1/8 đến 17h ngày 20/8, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng.

Thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 trực tiếp tại trường hoặc qua bưu điện.

Thí sinh lưu ý sẽ nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện chuyển phát nhanh đến trường từ 8h ngày 1/8 đến 17h ngày 20/8. Ngoài thời gian này (tính theo dấu bưu điện), hồ sơ sẽ không được nhận.

Thí sinh nên nộp hồ sơ xét tuyển đại học lúc nào?

Chuyên gia tư vấn Phạm Mạnh Hà gợi ý thí sinh có thể nộp hồ sơ sau 3, 4 ngày kể từ 1/8. Điều này giúp các em có hình dung chung về lượng thí sinh xét tuyển vào trường.

Mua hồ sơ ở đâu?

Hồ sơ xét tuyển đại học bao gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu đăng ký xét tuyển và bì thư có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.

Khi làm hồ sơ nộp nguyện vọng 1, thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi, có dấu đỏ. Mỗi người chỉ có duy nhất một giấy chứng nhận này, sẽ không được cấp lại nếu xảy ra mất mát hoặc thất lạc. 

Mẫu phiếu đăng ký xét tuyển sẽ được Bộ GD&ĐT và các trường công khai trên website. Học sinh tải về và in ra. Lưu ý, giấy này không cần dấu đỏ của nhà trường, Sở GD&ĐT hay Bộ GD&ĐT.

Như vậy, quan trọng nhất là giấy có dấu đỏ chứng nhận kết quả thi. Phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể tải từ trên mạng, còn lại vỏ hồ sơ mua tại nhiều nơi trên toàn quốc.

Với nguyện vọng 1, thí sinh có thể xét tuyển 4 ngành trong một trường theo thứ tự ưu tiên, ví dụ: 1a, 1b, 1c, 1d. 

Trước hết, các trường phải xét nguyện vọng 1a của tất các thí sinh. Những thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xem xét các nguyện vọng tiếp theo (1b, 1c, 1d).  

Thí sinh không trúng tuyển, nguyện vọng 1b sẽ được xem xét một cách bình đẳng với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển cùng ngành đó. Các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1b sẽ được xem xét nguyện vọng 1c và cuối cùng là 1d. 

Rút hồ sơ

Từ ngày 1/8 đến 20/8, thí sinh được phép thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để nộp vào các trường khác. Bộ GD&ĐT quy định 3 ngày một lần các trường phải công bố công khai danh sách học sinh đăng ký xét tuyển vào trường theo điểm thi từ cao xuống thấp. 

Trong thời gian này, học sinh rút hồ sơ nộp vào trường khác và vẫn coi như nguyện vọng 1. Thí sinh sẽ liên lạc trực tiếp với nhà trường để làm thủ tục rút hồ sơ, không sử dụng cách rút trực tuyến.  

Tuy nhiên, khi rút hồ sơ thí sinh cần cân nhắc bởi có thể bị lỡ thời gian nộp hồ sơ vào trường tiếp theo nếu thời gian gấp gáp. Để tránh được điều này, học sinh cần liên tục cập nhật thông tin trên website của trường và lựa chọn kỹ càng trước khi đăng ký nguyện vọng 1. 

Sau khi có điểm sàn, từ ngày 1/8 đến 20/8, các trường đại học sẽ xét tuyển nguyện vọng 1.

Các nguyện vọng bổ sung: 

Đợt một nhận hồ sơ từ 25/8 đến 15/9, công bố điểm chuẩn trước 20/9.

Đợt hai nhận hồ sơ từ 20/9 đến 5/10, công bố điểm chuẩn trước 10/10. 

Đợt ba nhận hồ sơ từ 10/10 đến 25/10, công bố điểm trúng tuyển trước 31/10. 

Đợt bốn nhận hồ sơ từ 31/10 đến 15/11, công bố điểm trúng tuyển trước 20/11.

Điểm chuẩn của các trường đại học top trên thế nào?

Từ nơi làm việc của mình, lãnh đạo 4 trường đại học ở Hà Nội và TP HCM đã trả lời hàng nghìn câu hỏi của độc giả Zing.vn về điểm chuẩn và những thông tin xét tuyển của trường.

Vân Anh

Bạn có thể quan tâm